Phòng chống chữa cháy rừng những tháng cao điểm hanh khô: "Phòng là chính, cứu chữa kịp thời"

  • Cập nhật: Thứ sáu, 26/11/2010 | 3:01:28 PM

YBĐT - Công tác phòng chống chữa cháy rừng (PCCCR) những tháng cao điểm hanh khô năm 2009-2010 được ngành kiểm lâm Yên Bái tích cực chuẩn bị và thực hiện các biện pháp phòng ngừa. 1.452 tổ, đội PCCCR ở cơ sở được củng cố, thành lập.

Rừng thông Trạm Tấu - nguy cơ cháy rừng rất cao.
Rừng thông Trạm Tấu - nguy cơ cháy rừng rất cao.

Các huyện trọng điểm phía Tây củng cố các đội xung kích (nòng cốt là thanh niên, dân quân tự vệ), trong đó huyện Văn Chấn 800 người, các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, thị xã Nghĩa Lộ mỗi huyện 300 người. Kiểm lâm Yên Bái đã mở 286 hội nghị tuyên truyền về công tác PCCCR tại các địa phương, nhất là vùng trọng điểm cháy rừng như: Lao Chải, Nậm Khắt, Nậm Có (Mù Cang Chải). Trên 17.290 tờ rơi, áp phích được in phát, trên 84.300 người ở 943 thôn bản của 82 xã đã ký cam kết bảo vệ rừng.

Công tác diễn tập tiến hành ngay đầu mùa khô với diễn tập hai cấp có một phần thực binh tại Văn Yên; phối hợp với Kiểm lâm vùng I diễn tập PCCCR tại Văn Chấn. Ngành còn chỉ đạo các hạt kiểm lâm tổ chức 22 buổi diễn tập cấp thôn, bản theo phương châm “4 tại chỗ”.

Việc xây dựng, duy trì các công trình PCCCR, trang bị phương tiện, công cụ phòng chữa cháy tốt hơn trước. Ngoài trang bị của ngành, mùa khô 2009-2010 các chủ rừng là công ty lâm nghiệp, cơ quan kiểm lâm địa phương đã mua sắm thêm một số trang thiết bị PCCCR.

Chủ động như vậy nhưng số vụ cháy xảy ra trong mùa khô 2009 - 2010 cao nhất từ trước tới nay: 42 vụ với diện tích cháy trên 1.000 ha. Trong đó, 26 vụ cháy rừng, gây thiệt hại 210 ha rừng trồng và 43 ha rừng khoanh nuôi tái sinh, chủ yếu ở Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Xảy ra tình trạng trên có 8 nguyên nhân chủ yếu mà Thường trực Ban chỉ huy PCCCR tỉnh đã nêu. Trong đó, việc thực hiện các quy định PCCCR chưa được nghiêm túc, nhất là tình trạng xử lý thực bì để trồng rừng, đốt nương, làm rẫy nên nhiều vụ cháy đã xảy ra ở Văn Yên, Yên Bình, Trấn Yên.

Việc theo dõi và kiểm tra tình hình phát nương làm rẫy của nhiều chủ rừng chưa thường xuyên, kịp thời, chưa cương quyết xử lý các vụ cháy rừng, thậm chí rừng cháy vẫn thanh toán tiền khoán bảo vệ rừng. Chủ rừng chưa quan tâm đầu tư các công trình phòng cháy rừng, chưa thực hiện thiết kế và thi công các công trình phòng cháy, chữa cháy.

Lực lượng nòng cốt PCCCR cơ sở thiếu cán bộ là người dân tộc thiểu số, lực lượng hợp đồng mỏng, kinh phí hạn hẹp ảnh hưởng tới việc tuyên truyền cho người dân địa phương. Trong chữa cháy rừng, một số ban chỉ huy lúng túng, có nơi không huy động được lực lượng tại chỗ do chưa chủ động xây dựng phương án PCCCR theo phương châm “4 tại chỗ”. Trong khi đó, lực lượng kiểm lâm còn mỏng, chưa tham mưu hết trách nhiệm cho chính quyền cơ sở trong PCCCR.

Cao điểm PCCCR bắt đầu từ tháng 11 năm trước tới tháng 5 năm sau. Công tác PCCCR đang là nhiệm vụ hàng đầu của ngành kiểm lâm và các cấp chính quyền, các chủ rừng. Thường trực Ban chỉ huy PCCCR tỉnh chỉ đạo “Phòng là chính, cứu chữa kịp thời” theo phương châm “4 tại chỗ”.

Hiện Ban chỉ huy các cấp đã kiện toàn; lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội đã chủ động phối hợp, lực lượng xung kích PCCCR được củng cố. Lực lượng phối hợp tăng cường cho các trọng điểm cháy rừng ở Trạm Tấu, Mù Cang Chải.

Kiểm lâm Yên Bái bố trí tăng cường 10 cán bộ; Bộ Chỉ huy quân sự và Công an tỉnh bố trí tăng cường lực lượng khi cần thiết. Ban chỉ huy các cấp đã duy trì thường trực PCCCR ba cấp và ở các công ty lâm nghiệp, các chủ rừng, ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng; tiếp tục thực hiện dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng trong toàn tỉnh theo chỉ số khô hạn và sẵn sàng triển khai các phương án, biện pháp PCCCR nhằm hạn chế tới mức thấp nhất số vụ cháy và diện tích rừng thiệt hại trong những tháng cao điểm hanh khô.

Ông Nguyễn Quang Vinh - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Yên Bái:“Tuyên truyền dễ hiểu, quản lý đốt nương rẫy, nêu cao trách nhiệm chủ rừng”     

Công tác tuyên truyền phải thường xuyên, tập trung, sâu rộng hơn. Trong đó, chú trọng tới đối tượng tuyên truyền để có cách thức tuyên truyền hiệu quả.

Tuyên truyền thông qua tổ chức hội nghị, ký cam kết tới hộ gia đình, qua việc phối hợp với cơ quan thông tin, tuyên truyền, báo chí ở địa phương, nội dung đơn giản, dễ hiểu, ngắn gọn để người dân dễ tiếp thu, dễ thực hiện.

Việc thứ hai là phải quy hoạch và quản lý chặt chẽ diện tích nương rẫy, việc đốt nương của người dân.

Thực tế, đây là nguyên nhân chính làm tăng số vụ cháy rừng trong mùa khô vừa qua. Cương quyết chỉ cho sản xuất nương rẫy trên diện tích đã quy hoạch và phát dọn thực bì phải “dọn sống”, không đốt để cháy lan.

Thứ ba, chủ rừng - bất kể thành phần kinh tế nào phải chịu trách nhiệm diện tích rừng đang sở hữu, được giao trách nhiệm quản lý. Rừng trồng 1 năm tuổi trở lên phải có biện pháp PCCCR theo quy định tại Điều 6, Nghị định 09/CP.

Người dân gây cháy rừng và chủ rừng để mất rừng do bị cháy sẽ kiên quyết xử lý, nhất là các chủ rừng vì hầu hết rừng mất do cháy những năm qua đều thuộc các diện tích rừng của các Công ty lâm nghiệp và ban quản lý rừng phòng hộ.

P.V

Các tin khác
Đoàn giám sát thăm mô hình nuôi trâu tại xã Mường Lai, huyện Lục Yên.

YBĐT - Trong 2 ngày 24-25/11, đoàn công tác của HĐND tỉnh do ông Triệu Đức Hùng - Trưởng Ban Dân tộc HĐND tỉnh Yên Bái làm trưởng đoàn đã tổ chức tham vấn ý kiến nhân dân về kết quả thực hiện chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển chăn nuôi trâu bò cho các hộ nghèo tại huyện Lục Yên.

Giá thép bán lẻ trên thị trường tăng thêm 300.000 đồng/tấn so với giữa tháng 11, giữ mức 16,5- 16,7 triệu đồng/tấn.

YBĐT - Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định giúp đồng bào vùng cao về tư liệu sản xuất, hướng dẫn chuyển giao tiến bộ KHKT, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu mùa vụ theo hướng hàng hoá là yếu tố quan trọng để xoá đói giảm nghèo.

Dù khó khăn nhưng những loại rau chính như bắp cải, su hào vẫn tiếp tục được trồng trong vụ đông này dù phải nhường một phần diện tích cho trồng hoa.

YBĐT - Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phát triển vùng rau an toàn, để cây rau Tuy Lộc thực sự có thương hiệu giúp nông dân sống được bằng nghề trồng rau là nỗi niềm trăn trở của người trồng rau Tuy Lộc hôm nay!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục