Chuyện phía sau những vườn cam

  • Cập nhật: Thứ hai, 6/12/2010 | 4:09:31 PM

YBĐT - Thôn An Thái nằm sâu trong một vùng đồi gò của xã Minh An (Văn Chấn). Gần 80 hộ dân ở đây hầu hết là người miền xuôi lên khai hoang. Vùng này rất ít ruộng nên dân chủ yếu sống bằng nghề trồng chè, cam, quýt và chăn nuôi. Riêng với cam, quýt, vùng đất này trồng rất phù hợp nên nó chiếm hầu hết sản lượng cam toàn xã.

Nông dân thôn An Thái kiểm tra sâu bệnh hại cam.
Nông dân thôn An Thái kiểm tra sâu bệnh hại cam.

Nhà trồng ít thì có vài chục cây, nhiều thì hơn nghìn cây, còn những hộ trồng vài trăm cây thì khá phổ biến. Điều thật đáng mừng là vài năm gần đây, cam, quýt tiêu thụ tốt, giá khá cao nên người trồng đã có thu nhập đáng kể và nhiều hộ như ông Bùi Xuân Bầy, Trần Quang Lịch, Trần Quang Minh, Nguyễn Văn Tin... là hộ có kinh tế khá đều nhờ vào hai loại quả có múi này. Tuy vậy, để có được một vụ cam, quýt thành công thì chuyện chăm sóc không hề đơn giản, trong đó có việc phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Nhiều người dân ở đây bảo rằng, từ lúc cam quýt ra hoa đậu quả đến khi còn độ hai tháng nữa thu hoạch (lúc này thời tiết đã lạnh) thì mới đỡ đi việc phun thuốc.

Chuyện trồng cây và phun thuốc bảo vệ thực vật là đương nhiên, nhưng điều rất đáng nói ở đây là người dân phun thuốc bảo vệ thực vật mà chẳng cần quan tâm đến sức khoẻ và môi trường sống của mình. Nhìn cảnh anh Hà Đức Ngh. cầm cây sào nứa buộc vòi phun thuốc cứ ngửa mặt lên phun thuốc trắng xoá trên ngọn cây cam cao 3 - 4 mét mà không dùng kính, đội mũ, khẩu trang, bỗng tôi thấy ớn lạnh dọc sống lưng. Bước vào khu bếp nhà anh Ngh. thấy một cái thùng phuy pha đầy thuốc sâu và máy bơm đang bơm thuốc ra đầu một vòi dài đến ngót trăm mét.

Tôi hỏi bà mẹ của anh Ngh. rằng: “Sao mà bác ấy lại không dùng mũ, kính, khẩu trang khi phun thuốc cao như vậy?” Bà cụ bảo rằng: “Khổ lắm, biết là hại nhưng chúng nó cứ làm liều, chẳng chịu nghe đâu”. Nguy hiểm hơn là trong gian bếp ấy có một cháu bé chưa đầy tuổi đang nằm trong chiếc nôi chỉ cách thùng phuy pha thuốc bảo vệ thực vật khoảng 2 mét đang bốc mùi nồng nặc và cửa chính, cửa sổ gian bếp đều mở toang. Tôi hỏi: “Hôm nay nhà mình phun thuốc cho cam quýt, sao bà không gửi cháu sang hàng xóm? Để cháu ở nhà thế này độc hại nguy hiểm lắm?”. Bà cụ đáp rằng: “Có sang hàng xóm thì cũng vậy thôi!”.

Mang câu chuyện được chứng kiến tại nhà anh Ngh. trao đổi với anh Nguyễn Văn Nh. cùng thôn An Thái. Anh Nh. bảo rằng đó cũng là thực trạng chung của nhiều hộ trong thôn. Anh Nh. cũng khẳng định: “Phun thuốc trừ sâu mà không dùng đồ bảo hộ và phun ngay trong vườn nhà thì ảnh hưởng sức khoẻ con người là chắc chắn rồi! Bác cứ nhìn nhà nào trồng nhiều cam thì hầu hết chủ nhà có nước da vàng vọt”.

Anh Nh. còn cho biết thêm, trước đây bà con trong thôn thường chữa bệnh sâu đục thân hại cam bằng cách lấy bơm kim tiêm hút thuốc rồi bẻ cong mũi kim tiêm luồn theo lỗ sâu đục để xịt thuốc. Nếu làm không cẩn thận thì chỉ cần trượt chân hoặc mất thăng bằng khi lao cây là ngón tay cái sẽ ấn mạnh vào pít tông và thuốc sẽ phun đầy mặt. Không hiếm trường hợp trong thôn đã mắc các bệnh về mắt, gan, phổi mà nguyên nhân có thể là do nhiễm độc thuốc trừ sâu mà không ai biết.

Lao động là để mang lại sự sung túc và sức khoẻ cho con người. Vậy mà, kiểu lao động bằng cách coi thường sức khoẻ và tính mạng của mình như  tại vùng cam An Thái thì có lẽ thật nguy hiểm. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong huyện cần có sự rà soát nắm bắt thực trạng này để đẩy mạnh công tác tuyên truyền sản xuất kinh doanh gắn liền với bảo vệ sức khoẻ và môi trường. Đồng thời, cần nghiên cứu tìm hiểu những phương pháp bảo vệ thực vật tốt nhất để ứng dụng vào vùng trồng cam, quýt, nhằm phát huy tốt tiềm năng thế mạnh của vùng quả ở Văn Chấn.

 H.N 


 

Các tin khác

YBĐT - Thời gian gần đây, một số mặt hàng tăng đột biến, nhất là nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Bên cạnh đó, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng trên địa bàn Yên Bái luôn diễn biến phức tạp.

Mô hình chăn nuôi lợn thương phẩm của hội viên phụ nữ xã Yên Thành (Yên Bình).

YBĐT - Năm 2010, Hội Phụ nữ huyện Yên Bình tập trung củng cố xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, nâng cao chất lượng hoạt động hướng về cơ sở, đa dạng hoá các mô hình hoạt động tập hợp thu hút hội viên.

Ảnh minh hoạ

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 6 doanh nghiệp Viễn thông đang xây dựng cơ sở hạ tầng và cung cấp dịch vụ thông tin di động với tổng số 499 trạm BTS đang hoạt động nâng chỉ tiêu số xã, phường có trạm BTS lên 90% và cung cấp đa dạng các dịch vụ (thông tin di động, cố định không dây, Internet 3G...).

Ảnh chỉ mang tính minh họa

Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) vừa có Công văn số 16308/BTC-QLCS hướng dẫn về việc tạm dừng mua sắm xe ô tô công có nguồn gốc nhập khẩu nhằm hạn chế nhập siêu theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục