Mông Sơn niềm vui mới
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/12/2010 | 9:41:21 AM
YBĐT - Ngược quốc lộ 70, qua xã Tân Hương, Bảo Ái đến xã Mông Sơn trong tiết xuân về, đâu đâu cũng nhận thấy rõ nét đổi thay đáng mừng trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Cuộc sống nhộn nhịp, tấp nập hơn đang xoá dần khung cảnh đìu hiu của nhiều năm về trước ở một xã vùng hai huyện Yên Bình.
Bến cá thôn Tân Minh.
|
Mông Sơn có tổng diện tích đất tự nhiên 4.585 ha, trong đó đất nông nghiệp 1.853 ha, diện tích lúa nước chỉ có trên 74 ha, đất trồng rừng 1.571 ha, diện tích mặt nước hồ Thác Bà 2.908 ha còn lại là núi đá. Mông Sơn có nhiều diện tích mặt nước hồ nhưng sát bờ, độ dốc lòng hồ lớn nên bà con làm lồng nuôi cá không được thuận lợi. Bù lại, trên địa bàn xã lại có khu công nghiệp khai thác và chế biến đá vôi. Đây là khu công nghiệp tập trung bao gồm các ngành công nghiệp khai thác và chế biến đá vôi của tỉnh Yên Bái với quy mô diện tích quy hoạch trên 800 ha. Hiện nay trong khu công nghiệp đã có 14 doanh nghiệp được cấp phép khai thác giải quyết được gần 500 lao động địa phương.
Chúng tôi đến bến Tân Minh lúc nào không hay. Từ trên cao nhìn xuống bến Tân Minh đẹp đến lạ lùng, phía bên trái từng tốp người đang miệt mài khuân gỗ lên xe, có tốp lại đang vận chuyển từ thuyền xuống bãi. Ngừng tay bốc gỗ, anh Trần Văn Hải, người dân thôn Tân Minh vui vẻ cho biết: “Đây là nơi tập kết gỗ rừng trồng của người dân xã Mông Sơn và các xã Yên Thành, Vĩnh Kiên, Cẩm Nhân, Mỹ Gia... chuyển đi tiêu thụ.
Do thuận lợi giao thông cũng như mặt bằng bến bãi nên hàng ngày bến Tân Minh đón nhận hàng trăm khối gỗ của người dân các xã lân cận. Từ bến gỗ này chỉ cần bốc lên xe đi khoảng 10 km đường nhựa là ra đến quốc lộ 70 nên giá bán thường cao hơn các nơi khác”. Phía bên phải là nơi tập trung thu mua tôm, cá của các ngư dân vùng hồ. Trên chợ cá, cả trăm con người đang xăng xái bên những chiếc xe máy được gia cố thêm thùng bọc xốp lớn dùng để chở cá. Thuyền cập bến, từng thùng tôm, cá được nhanh chóng chuyển lên bờ.
Anh Phạm Xuân Hùng, chủ tầu thu gom tôm cá vừa ra giá cho mấy người buôn cá đến hỏi mua, tranh thủ trò chuyện: “Năm nay thời tiết khá thuận lợi cho nghề đánh bắt tôm cá, mới bước vào đầu vụ bình quân mỗi thuyền 2.000 rọ tôm một ngày bắt khoảng 8 kg tôm... thu về gần 400 nghìn đồng”.
Rời bến Tân Minh lúc chiều xuống trên con đường đến thôn Làng Mới gặp rất nhiều nông dân đang cần mẫn thu hoạch ngô đông đầu vụ, người thì trồng lạc, người thì bỏ phân khéo léo đưa những hạt lạc đã lên mầm vào hố. Chị Nguyễn Thị Dịu, thôn Làng Mới đang cùng gia đình gieo trồng lạc thấy có khách lạ chủ động:
- Xin chào các anh cán bộ!
- Cán bộ gì đâu chị, chúng tôi đi thăm đồng xem tiến độ sản xuất của bà con. Anh Đông, Phó chủ tịch xã đáp lời.
- Vụ này gia đình chị trồng được mấy sào?
- Năm ngoái, gia đình trồng 2 mẫu, giống lạc L14, thu về gần 30 triệu đồng. Năm nay trồng 2 mẫu tính bình quân 8.000 đồng /kg củ tươi, ước thu về khoảng 35 triệu đồng. Đất ngày trước bỏ không đấy anh! Nay bà con trồng lạc nên cũng khá lên, không thì gay lắm.
Trên đường về trụ sở xã, như để củng cố niềm tin cho chúng tôi, anh Đông còn dẫn chúng tôi đi thăm những hòn đảo được phủ kín bằng cây keo, bạch đàn sắp đến kỳ thu hoạch. Gió hồ lồng lộng, rừng xanh từng lớp, từng lớp lá đùa trong gió.
Mừng cho Mông Sơn đổi mới, chúng tôi đem câu chuyện mắt thấy tai nghe trao đổi với đồng chí Chủ tịch UBND xã Đinh Hùng Vĩnh vừa đi họp ở huyện về. Anh cho biết: “Mông Sơn hôm nay vẫn còn nhiều khó khăn trên hành trình xây dựng cuộc sống mới, song Đảng bộ và nhân dân trong xã đang nỗ lực từng bước đánh thức những tiềm năng sau nhiều năm bị lãng quên”. Với lợi thế gần 1.000 ha vùng đất bán ngập ven hồ Thác Bà, nhân dân trong xã đã biết khai thác trồng lúa, trồng lạc, đậu tương, ngô... không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mà còn tốt cho môi trường, cảnh quan cho Khu du lịch hồ Thác Bà.
Một mùa xuân lại đến, với địa thế thuận lợi, nhiều tiềm năng phát triển do thiên nhiên ban tặng, kinh tế đang bứt phá, vươn lên mạnh mẽ, cuộc sống của người dân Mông Sơn đang khởi sắc từ niềm vui mới hôm nay.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Yên Bái hiện có 8 doanh nghiệp khai thác, kinh doanh vận tải ở 7 tuyến nội tỉnh đi các huyện Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Nghĩa Lộ, Văn Yên, Lục Yên... và 17 tuyến ngoại tỉnh đi các tỉnh. Đến nay, tổng số 249 phương tiện phục vụ vận tải hành khách, trong đó có 155 xe chạy liên tỉnh, 94 xe nội tỉnh.
YBĐT - Thành phố Yên Bái hiện có 23 đơn vị đăng ký, đi vào sản xuất ổn định tại các cụm công nghiệp Âu Lâu, Đầm Hồng.
Tạp chí Travel + Leisure (Mỹ) số tháng 1.2011 vừa phát hành đã vinh danh 4 khách sạn của Việt Nam gồm Sofitel Legend Metropole Hà Nội, Caravelle (TP.HCM), Park Hyatt Sài Gòn và Hilton Opera (Hà Nội) trong bảng xếp hạng 500 khách sạn hàng đầu thế giới.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết, cần đến khoảng 33.500 tỷ đồng để triển khai các dự án giao thông trên vùng Tây Bắc trong giai đoạn 2011 - 2015.