Làm gì để nâng cao đời sống cho người trồng chè Văn Chấn?
- Cập nhật: Thứ năm, 30/12/2010 | 2:34:49 PM
YBĐT - Khắc phục được những khó khăn, tận dụng tốt cơ hội để đưa chè Yên Bái nói chung và chè Văn Chấn vói riêng tạo dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người trồng chè.
Người dân xã Tân Thịnh (Văn Chấn) thu hái chè.
|
Nếu như hơn mười năm về trước, sản phẩm chè của Việt Nam chỉ xuất khẩu cho 3 quốc gia thì đến nay người tiêu dùng trên 100 quốc gia đều biết đến thương hiệu chè Việt Nam, trong đó có những nước mà chè gần như là thức uống hàng ngày như Trung Quốc, Anh, Ấn Độ, Nam Phi…
Thương hiệu chè Việt Nam đã được đăng ký và bảo hộ tại trên 70 quốc gia ở khu vực các nước EU, Bắc Mỹ, Nga… cùng các thị trường mới liên tục được mở rộng như: Đức, Hà Lan…bên cạnh đó, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, hạn hán ở các quốc gia có sản lượng chè xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Srilanka, Pakistan đã khiến cho thị trường xuất khẩu chè ở các nước đó giảm mạnh. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu chè của Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến và xuất khẩu chè trên địa bàn huyện Văn Chấn nói riêng mở rộng thị trường.
Hiện nay, tổng diện tích chè của Văn Chấn là 4.330 ha, trong đó nhiều xã có diện tích lớn như thị trấn Nông trường Liên Sơn 469 ha, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ 341 ha; thị trấn Nông trường Trần Phú 516 ha; xã Chấn Thịnh 293 ha; Suối Giàng 327 ha… hàng năm thu hoạch từ 35.000 – 40.000 tấn chè búp tươi cung cấp cho hàng chục doanh nghiệp chế biến chè của huyện. Từ điều kiện thổ nhưỡng và kỹ thuật chăm sóc, chè Văn Chấn có chất lượng tốt và được khách hàng trong nước và quốc tế đánh giá cao, có lợi thế không nhỏ cho xuất khẩu.
Một yếu tố khác để cây chè Văn Chấn phát triển thuận lợi là sự quan tâm, chỉ đạo, hỗ trợ phát triển cây chè của tỉnh và huyện bằng việc loại bỏ dần diện tích chè xấu, chè có năng suất, sản lượng và chất lượng thấp bằng các giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao như: giống chè LDP; Bát Tiên; Phúc Văn Tiên. Do có nhiều doanh nghiệp thu mua, chế biến chè đóng trên địa bàn nên việc tiêu thụ chè búp tươi đối với người dân địa phương có thuận lợi hơn một số địa phương khác. Điều đó tạo tâm lý yên tâm cho người trồng chè.
Theo ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng Phòng nông nghiệp huyện thì cây chè được người dân Văn Chấn xác định là cây làm giàu chứ không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo. Tại xã Tân Thịnh có nhiều hộ gia đình như hộ ông: Nhâm Văn Tùng, Cao Văn Mạnh, Nhâm Văn Cường… mỗi hộ có tới 2 ha, mỗi tháng thu gần chục triệu đồng tiền chè. Thấy rõ hiệu quả kinh tế cây chè mang lại, người dân trong xã đã tích cực đầu tư sản xuất chè. Một số địa phương đã mời kỹ thuật viên của các công ty cổ phần chè về hướng dẫn kỹ thuật thâm canh, nên chè của nhiều hộ đạt năng suất và chất lượng cao hơn.
Bên cạnh những thuận lợi, bước vào vụ chè năm nay, huyện Văn Chấn cũng gặp không ít khó khăn. Việc người dân dùng máy cắt chè cùng với thời tiết diễn biến không thuận lợi, khô hạn kéo dài đã khiến cho năng suất và chất lượng chè giảm rõ rệt.
Tình trạng khô hạn còn khiến sâu bệnh gia tăng gây khó khăn nhất định cho người nông dân. Tuy đã có đầu ra nhưng giá bán chè búp tươi còn thấp trong khi giá vật tư, phân bón lại tăng cao khiến thu nhập từ cây chè chưa đủ để đảm bảo đời sống người trồng chè. Giá chè thường xuyên dao động ở mức 3.000 – 3.200 đồng/kg, thậm chí có những thời điểm xuống dưới 3.000 đồng/kg.
Đối với thị trấn Nông trường Liên Sơn, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ, thị trấn Nông trường Trần Phú; và các xã Suối Giàng, Chấn Thịnh… cây chè là nguồn thu chính nên giá chè búp tươi xuống thấp gây khó khăn về kinh tế cho người trồng chè.
Tuy chè Văn Chấn được người tiêu dùng biết đến từ lâu và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu. Thị trường tiêu thụ còn hẹp, các doanh nghiệp chế biến quy mô nhỏ, sức cạnh tranh với nhiều đơn vị khác chưa cao. Nhiều yếu tố, đặc biệt là chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế chưa đạt cũng là trở ngại không nhỏ trong quá trình mở rộng thị trường xuất khẩu. Cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hệ thống giao thông nông thôn, tuy có cải thiện hơn trước nhưng vẫn chưa đáp ứng được điều kiện để phát triển. Mặc dù các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, đặc biệt là chương trình cho vay vốn đã phát huy được hiệu quả, nhưng trên thực tế không phải hộ nông dân nào cũng có thể tiếp cận với chương trình.
Xác định chè là một trong những cây mũi nhọn góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương, lãnh đạo huyện Văn Chấn đã chỉ đạo các cấp, ngành liên quan xây dựng kế hoạch, quy hoạch vùng sản xuất chè, tiếp tục đầu tư thay đổi cơ cấu giống theo chương trình QSEAP (về an toàn thực phẩm), cơ quan khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp thường xuyên tuyên truyền hướng dẫn kỹ thuật và khuyến cáo người dân sử dụng các loại phân bón sinh học, thân thiện với môi trường, khuyến khích các doanh nghiệp tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ để có thể tăng lượng hàng hoá xuất khẩu, từ đó nâng giá trị thu mua chè nguyên liệu, góp phần giải quyết khó khăn cho người trồng chè.
Những cơ hội và thách thức mà sản xuất chè ở Văn Chấn đang gặp cũng là cơ hội và thách thức cho sản xuất chè ở các địa phương khác. Khắc phục được những khó khăn, tận dụng tốt cơ hội để đưa chè Yên Bái nói chung và chè Văn Chấn vói riêng tạo dựng thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu sẽ góp phần nâng cao đời sống cho người trồng chè.
Quang Thiều
Các tin khác
YBĐT - Những năm gần đây, được sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chương trình 135 như chiếc đòn bẩy giúp cho người dân xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có điều kiện vươn tới cuộc sống mới, tươi đẹp hơn.
YBĐT - Hạt Kiểm lâm huyện Văn Yên đã tuyên truyền vận động nhân dân trồng được trên 2.000 ha rừng theo Dự án 611, trong đó có trên 1.700 ha rừng trồng sản xuất và 400 ha rừng phòng hộ đặc dụng đảm bảo thiết kế và kết cấu rừng trồng.
YBĐT - Vẫn biết cứ gần ngày Tết là các mặt hàng lương thực, thực phẩm lại "niêm yết" cho mình một loại giá mới nhưng có lẽ chưa năm nào người dân lại phải đối mặt với nhiều nỗi lo lớn như năm nay khi mà cơn “bão giá” ngày một hoành hành.
Mức khởi điểm chịu thuế và mức giảm trừ gia cảnh quá thấp, cách tính giảm trừ gia cảnh không phù hợp, tốc độ trượt giá quá cao… đã khiến cho Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sau 2 năm thực hiện đã bắt đầu bộc lộ những bất cập và lạc hậu.