Yên Bái: Rừng lại nối rừng

  • Cập nhật: Thứ tư, 5/1/2011 | 10:24:46 AM

YBĐT - Sau nhiều năm trồng rừng liên tục gặp khó khăn, thì năm 2010 bà con nông dân, các lâm trường quốc doanh… đã trồng mới được 14.721 ha rừng các loại, đạt 105% kế hoạch năm.

Việc trồng và phát triển rừng đã thực sự trở thành một nghề giải quyết việc làm, tăng thu nhập, xóa đói nghèo trong nông nghiệp, nông thôn.

Năm 2010, cũng là năm người trồng rừng Yên Bái thu được nhiều thắng lợi, hàng ngàn ha rừng kinh tế đã đến kỳ khai thác, giá thu mua nguyên liệu chế biến tăng cao. Công tác quản lý bảo vệ rừng tốt hơn.

Nét nổi bật trong năm 2010 là Yên Bái đã thực hiện và làm khá tốt công tác quản lý Nhà nước về lâm nghiệp trên địa bàn, tạo sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành, thành phần kinh tế thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp.

Toàn bộ diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng đã được tổ chức giao khoán bảo vệ cụ thể cho các hộ, nhóm hộ, thôn bản và cộng đồng dân cư (126.430 ha rừng tự nhiên phòng hộ, đặc dụng; 19.187 ha rừng phòng hộ, đặc dụng; 19.401 ha rừng khoanh nuôi tái sinh phòng hộ, đặc dụng; 55.561 ha rừng tự nhiên sản xuất).

Năm 2010 dẫu gặp nhiều khó khăn do thời tiết, giá vật tư phân bón tăng cao, song bà con nông dân, các nông, lâm trường, Ban quản lý dự án, các thành phần kinh tế đã trồng rừng đạt 14.721 ha, bằng 105% kế hoạch năm.

Trong đó trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 2.800 ha, rừng sản xuất tập trung  11.504,9 ha. Trước đây việc trồng rừng, phát triển vốn rừng chủ yếu là do các nông, lâm trường quốc doanh trồng là chính thì nay việc đó là của nhân dân các dân tộc từ vùng thấp đến vùng cao.

Trong tổng số trên 14.702 ha thì có gần 12 ngàn ha là do nhân dân và các thành phần kinh tế đầu tư vốn trồng, Nhà nước chỉ hỗ trợ gần 7 ngàn ha với mức từ 1,5 - 2 triệu đồng/ha.

Một điều dễ nhận thấy là trong năm khí hậu thời tiết diễn biến phức tạp, giá cây con, vật tư, phân bón tăng cao hơn cùng kỳ, song bà con nông dân và các thành phần kinh tế vẫn hăng hái trồng rừng. Khó ai có thể tin được chỉ cách đây vài năm về trước bà con nhân dân các dân tộc vùng cao chỉ quen với khai thác chứ đâu có trồng rừng vậy mà đến nay cứ mỗi độ xuân về bà con dân tộc Tày, Thái, Mường, Mông... đều hăng hái lên đồi vỡ đất trồng rừng phòng hộ, trồng rừng kinh tế.

Đối với các huyện thị vùng thấp như: Yên Bình, Lục Yên, Trấn Yên, Văn Yên thì việc trồng rừng là không thể thiếu được, bởi rừng đã trở thành nghề và ngành kinh tế mũi nhọn. Nhờ trồng rừng mà đời sống kinh tế bà con nông dân đã khấm khá hơn nhiều.

Từ việc xây nhà, con cái đi học đến mua xe máy cũng đều từ rừng mà ra. Giá 1 m3 gỗ rừng trồng vào thời điểm này rẻ cũng không dưới 1 triệu đồng, trồng một ha keo, hay bạch đàn mô sau 6 năm cũng cho thu 65 - 70 m3. Hiệu quả kinh tế đồi rừng đã được phát huy, người dân càng thêm gắn bó  và yêu quý rừng hơn.

Được đi, được đến và chứng kiến người dân trồng rừng mới thấy hết được sự yêu quý, gắn bó với rừng của người dân như thế nào. Trong trồng rừng, người dân rất chú trọng từ khâu làm đất, đào hố, bỏ phân đến khâu chọn giống rồi tỉa thưa, phòng trừ sâu bệnh, phòng chống cháy rừng... thật bài bản, khoa học.

Trong trồng rừng năm 2010 này đã tạo bước đột phá về giống với trên 7 ngàn ha được trồng bằng giống keo nhập ngoại. Đây là giống đã được trồng thử nghiệm trên địa bàn cho thấy rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của Yên Bái, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao.

Bên cạnh đó thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh về việc tổ chức trồng rừng khắc phục hậu quả do cháy rừng xảy ra, huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã trồng được trên 680 ha rừng (Trạm Tấu 460 ha, Mù Cang Chải 148 ha).

Cùng với trồng và phát triển vốn rừng, toàn tỉnh đã khai thác trên 200 ngàn m3 gỗ các loại, 120 ngàn tấn tre, vầu, nứa, 3 ngàn tấn quế vỏ khô, 100 tấn nhựa thông…giá trị kinh tế thu từ rừng đạt trên 400 tỷ đồng.

Phát huy kết quả đã đạt được, trong năm 2011 toàn tỉnh phấn đấu trồng mới trên 15 ngàn ha rừng các loại, trong đó có 1.600 ha rừng phòng hộ và 13.600 ha rừng sản xuất. Khai thác tiêu thụ trên 300 ngàn m3 gỗ rừng trồng, trên 130 ngàn tấn tre, nứa, vầu...

Để hoàn thành kế hoạch ngay từ cuối năm 2010, Chi cục Phát triển lâm nghiệp đã đôn đốc các cơ sở chuẩn bị các điều kiện cần thiết như: kiểm nghiệm, kiểm định chất lượng hạt giống, cây giống của các tổ chức, cá nhân trước khi xuất vườn ươm; thành lập các tổ công tác thường xuyên hướng dẫn kiểm tra, giám sát, quy trình, quy phạm, chế độ chính sách trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Các huyện thị, lâm trường, các tổ chức cá nhân tích cực giải phóng đất, chuẩn bị đất, phát thực bì và đào hố chuẩn bị cho trồng rừng vụ xuân để thực hiện tốt kế hoạch ngày mùng 4 và 5 tết Nguyên đán ra quân trồng rừng vụ xuân ở tất cả 9/9 huyện, thị, thành phố.

Về cơ cấu giống trong trồng rừng sản xuất tập trung đưa giống cây tiến bộ có chu kỳ sinh trưởng ngắn, năng suất, chất lượng cao vào trồng như: keo lai, keo nhập ngoại, bạch đàn mô, phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng 15 ngàn ha rừng năm 2011 về đích đúng hẹn.

PV

Các tin khác
Ảnh minh họa

Ngày 4-1, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, số lượng lợn xuất khẩu sang Trung Quốc hiện không đáng kể. Điều này khác cách đây hơn một tháng, lợn thịt nườm nượp xuất sang Trung Quốc.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên thu mua sắn cho nông dân.

YBĐT - Xã Quang Minh nằm cách Trung tâm huyện Văn Yên hơn 30 km, toàn xã có 2.395 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày.

Cán bộ NHCSXH giải ngân tại xã Mường Lai (Lục Yên).

YBĐT - Năm nay, gia đình bà Hà Thị Phòng ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) sẽ đón một cái tết thật sung túc bởi nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), kinh tế đã bớt đi nhiều khó khăn.

YBĐT - Năm 2010, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố Yên Bái đạt 856,480 tỷ đồng, tăng 19,63% so với cùng kỳ năm 2009; giá trị sản xuất phần thành phố quản lý đạt 370,425 tỷ đồng, vượt 13,97% kế hoạch và tăng 48,62% so với cùng kỳ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục