Quang Minh: Thành công trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng

  • Cập nhật: Thứ ba, 4/1/2011 | 3:12:36 PM

YBĐT - Xã Quang Minh nằm cách Trung tâm huyện Văn Yên hơn 30 km, toàn xã có 2.395 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày.

Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên thu mua sắn cho nông dân.
Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên thu mua sắn cho nông dân.

Mấy năm trở lại đây, nhờ tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa cây sắn làm cây kinh tế mũi nhọn, cuộc sống của người dân Quang Minh (Văn Yên) đã có nhiều thay đổi rõ rệt. Nhiều người dân trong xã đã thoát nghèo, có hộ còn tích luỹ xây được nhà kiên cố, mua sắm được tivi, xe máy…

Xã Quang Minh nằm cách Trung tâm huyện Văn Yên hơn 30 km, toàn xã có 2.395 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao, Tày. Từ năm 2008 nhờ sự đầu tư của Chương trình 135 mà cơ sở hạ tầng giao thông của xã được nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi để người dân trong xã giao lưu buôn bán, lưu thông hàng hóa.

Từ chỗ tự cung, tự cấp, người dân đã bắt đầu làm quen với sản xuất hàng hóa. Trong đó nổi bật lên ở Quang Minh là một trong những vùng cung cấp nguyên liệu sắn quan trọng cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên.

Ông Nguyễn Văn Thức - Chủ tịch UBND xã Quang Minh cho biết: "Theo chủ trương chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xóa đói giảm nghèo của huyện Văn Yên, từ nhiều năm trước, huyện đã khuyến khích hộ gia đình ở một số xã tận dụng diện tích hoang hóa, hoặc diện tích lúa nương, đồi kém năng suất chuyển sang trồng sắn". Văn Yên cũng đã chọn xã Quang Minh làm điểm để phát triển cây sắn.

Tuy nhiên, cũng phải mất một thời gian khá dài để tuyên truyền vận động, đến đầu năm 2006, khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Văn Yên từng bước củng cố, nâng cao năng lực sản xuất và thu mua sản phẩm sắn cho bà con trong vùng thì đồng bào ở xã Quang Minh mới thấy được hiệu quả kinh tế từ cây sắn.

Từ đó diện tích trồng sắn trên địa bàn xã tăng lên đến trên 400 ha năm 2010, trong đó 98% diện tích được bà con trồng sắn cao sản. Nhiều gia đình đã thoát nghèo và trở thành hộ khá giả trong vùng như ông Đặng Phúc Vạn, hộ gia đình trồng nhiều sắn nhất trong xã.

Ông Vạn cho hay: “Năm 2006, gia đình ông trồng 10 ha sắn cao sản, cho thu hoạch được gần 250 tấn”. Trừ các khoản chi phí ban đầu, mỗi năm gia đình ông được thu từ 60 - 70 triệu đồng.

Ông Triệu Quế Lâm cũng người trong xã, có 7 ha sắn, hàng năm thu nhập được trên 40 triệu đồng. Riêng năm 2009, tổng thu nhập từ sắn trên địa bàn xã Quang Minh đạt trên 7 tỷ đồng, vụ sắn 2010 vừa qua dự kiến thu nhập của người trồng sắn sẽ còn cao hơn do giá sắn đã tăng nhiều so với năm trước.

Có thể khẳng định, cây sắn không chỉ là cây xoá đói giảm nghèo mà còn mang lại thu nhập cao cho người dân. Tuy nhiên, do phần lớn diện tích vùng nguyên liệu trồng sắn là đất dốc, nếu người dân không có biện pháp canh tác hợp lý thì sẽ làm cho đất bị xói mòn, rửa trôi gấp nhiều lần so với trồng các loại cây khác.

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, Quang Minh đã chỉ đạo hướng dẫn bà con triển khai chương trình canh tác bền vững vùng nguyên liệu sắn theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông huyện. Đó là kết hợp phương thức trồng sắn xen cây băng cốt khí, cỏ Paspalum vừa có tác dụng cải tạo đất, vừa cung cấp nguồn thức ăn cho cá, trâu, bò. Còn mô hình trồng lạc xen sắn, ngoài giá trị bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, mỗi năm cho bà con thu hoạch thêm 30 – 40 kg lạc/sào.

Hiện nay xã đang phối hợp với Phòng Kinh tế và Trạm Khuyến nông huyện nghiên cứu, hướng dẫn cho đồng bào thực hiện chương trình trồng keo trên đỉnh đồi sắn và trồng đậu tương xen sắn.

Xác định hướng đi đúng trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng cuộc sống người dân Quang Minh đã có sự đổi thay rõ rệt, góp phần tích cực vào phong trào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Anh Dũng

Các tin khác
Cán bộ NHCSXH giải ngân tại xã Mường Lai (Lục Yên).

YBĐT - Năm nay, gia đình bà Hà Thị Phòng ở bản Đêu 3, xã Nghĩa An (thị xã Nghĩa Lộ) sẽ đón một cái tết thật sung túc bởi nhờ vốn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), kinh tế đã bớt đi nhiều khó khăn.

YBĐT - Năm 2010, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của thành phố Yên Bái đạt 856,480 tỷ đồng, tăng 19,63% so với cùng kỳ năm 2009; giá trị sản xuất phần thành phố quản lý đạt 370,425 tỷ đồng, vượt 13,97% kế hoạch và tăng 48,62% so với cùng kỳ.

Cán bộ Chi cục Thuế Văn Chấn hướng dẫn người đến nộp thuế.

YBĐT - Mặc dù có nhiều yếu tố không thuận lợi tác động trực tiếp đến công tác thu ngân sách, nhưng năm 2010, Chi cục Thuế Văn Chấn đã hoàn thành xuất sắc chỉ tiêu thu ngân sách Nhà nước giao.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 120/2010 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 198/2004 về thu tiền sử dụng đất. Nghị định mới sẽ có hiệu lực áp dụng từ 1/3/2011.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục