Trạm Tấu: Người dân tích cực chống rét cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ tư, 19/1/2011 | 10:02:35 AM

YBĐT - Đợt rét đậm, rét hại kéo dài vừa qua khiến hàng trăm con gia súc của huyện Trạm Tấu bị chết. Người nông dân nơi đây không những phải chịu đựng cái rét như cắt da, cắt thịt mà còn buốt lòng nhìn đàn trâu, bò đang dần bị gục ngã trong giá rét.

Người dân các xã đã dự trữ rơm khô thêm thức ăn cho gia súc khi thời tiết rét hại kéo dài.
Người dân các xã đã dự trữ rơm khô thêm thức ăn cho gia súc khi thời tiết rét hại kéo dài.

Từ trung tâm huyện Trạm Tấu chúng tôi đến xã Xà Hồ - nơi có số trâu, bò bị chết nhiều nhất. Giờ vẫn đang là tết Mông nhưng chỉ có đám thanh niên là ra đường nhiều còn phần lớn bà con trong xã ở nhà tránh rét và lo cứu trâu, bò. Trên đường vào xã chúng tôi thấy những đàn trâu đứng sát nhau, run rẩy trong cái lạnh như dao cắt trong những chiếc chuồng tạm bợ bốn phía gió lùa.

Bà Vàng Thị Nhừ mấy ngày nay phải tất bật lo tránh rét cho trâu bằng việc che chắn chuồng trại và tìm thức ăn cho chúng, bà bảo hơn chục ngày nay trời rét đậm, rét hại trâu, bò và dê ở đây chết rất nhiều. Tuy nhiên, số chuồng trâu được che chắn như gia đình bà Nhừ trong xã Xà Hồ này chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Theo thống kê của cán bộ khuyến nông viên cơ sở, cả xã Xà Hồ có 300 chuồng gia súc thì có đến 90 chuồng chưa đủ quy cách.

Chủ tịch UBND xã Chớ A Páo bảo: “Từ đầu tháng đến nay trời rét quá, ở đây có nhiều trâu bò chết rét, đấy là chưa kể đến dê. Nhà tôi cũng bị chết 2 con dê”. Chủ tịch Páo cầm bản danh sách dài hai trang trong đó có nhiều hộ bị chết đến hai con trâu, bò, ngựa như; Hộ ông Hờ A Sùng thôn Đầu Cầu chết 2 nghé, Thào A Tủa chết 2 con ngựa…, tính chung toàn xã có 24 con trâu, bò ngựa đã chết. Trong đó có 6 trâu trưởng thành còn lại là bê, nghé  sức đề kháng kém. Điều đáng nói ở đây là số trâu bò trên không phải chết do thả rông trên rừng mà chủ yếu chết tại chuồng do đồng bào làm chuồng trại sơ sài. Phần vì tiếc của, phần khác do trời rét không xuống chợ được nên số trâu, bò bị chết rét này bà con đều đem mổ chia nhau hoặc bán luôn trong thôn, bản với giá rẻ.

 Không riêng gì Xà Hồ mà ở các xã khác trong huyện Trạm Tấu số trâu, bò bị chết rét tăng đến chóng mặt. Dọc đường vào các thôn, bản chúng tôi liên tục được nghe những thông tin mới là lại có bê, nghé của người dân vừa chết. Người thì mổ chia nhau, người thì bán tống bán tháo "thứ tài sản giá trị nhất của họ" cho thương lái để mong gỡ gạc chút ít. Nếu như mỗi con trâu khoẻ có giá trị từ 6 triệu, đến 10 triệu đồng thì khi chết cũng chỉ bán được 2 triệu đồng.

Theo đó, cả một con nghé, bà con mổ chia nhau nếu bán tốt cũng chỉ thu về vài trăm nghìn đồng. Nhà Phàng A Chư, Trưởng thôn Tà Sùa xã Bản Công tối qua vừa làm thịt một con bê, Chư buồn bã kể: “Đàn trâu nhà mình có 5 con thì chết hai con: một bê, một nghé. Một con chết vào dịp tết Mông nên nhà mổ chia cho anh em trong dòng họ, con còn lại mổ nhà ăn tất”. Hiện cả xã Bản Công cũng đã có 18 con trâu bị chết, số trâu chết tập trung nhiều nhất ở các thôn Sán Trá, Tà Sùa và Bản Công.

 

Cán bộ khuyến nông huyện Trạm Tấu hướng dẫn nông dân xã Xà Hồ che chắn chuồng trại tránh rét cho trâu bò.

Trên các thôn, bản chúng tôi đến đều gặp những đôi mắt buồn rượi của chủ nhà khi mà tài sản có giá nhất của họ bị thời tiết khắc nghiệt quật ngã. Dù con trâu hơn 1 năm tuổi đã chết được 3 ngày nhưng cụ Hờ Thị Sông, 80 tuổi ở xã Bản Công vẫn chưa hết nguôi ngoai. Nhà cụ có 5 con trâu, giá rét làm chết mất một con, cụ gọi thương lái bán được 2,5 triệu đồng. Cụ bảo: “Tiếc lắm, nuôi bao nhiêu ngày chờ nó lớn lên làm ruộng vậy mà nó không sống được. Trời rét, làm chuồng trại che kín cho nó, vậy mà nó vẫn chết”.

Cũng như Xà Hồ, Bản Công nhiều thôn, bản ở Trạm Tấu đang thiệt hại nặng nề trong đợt giá rét này bởi số lượng gia súc bị chết rét. Tính đến sáng ngày 15/1, huyện Trạm Tấu đã có trên 180 con gia súc bị chết rét, trong đó có 81 con trâu, 19 bò; 66 nghé, còn lại là bê con và ngựa. Con số này chắc chắn vẫn chưa dừng lại vì còn rất nhiều gia đình có trâu, bò chết chưa kịp khai báo và còn nhiều trâu bò hiện vẫn còn trên rừng chưa thể kiểm tra hết được.

Năm nào cũng vậy cứ đến mùa rét ở Trạm Tấu đều có gia súc bị chết rét. Đợt rét lịch sử năm 2008, đã quật ngã hơn 1.277con trâu, bò của người dân trong huyện. Người nông dân vùng cao không chỉ phải chịu những cái rét như cắt da, cắt thịt mà lòng còn tái tê khi chứng kiến đàn gia súc của mình cứ lần lượt lăn ra chết. Được biết, toàn huyện Trạm Tấu có trên 8.894 con trâu, bò. Do địa hình dốc, chủ yếu là ruộng bậc thang nên việc cày bừa, sản xuất vẫn chủ yếu dùng sức kéo của gia súc. Con trâu chẳng những là "đầu cơ nghiệp" của nhà nông mà còn là "cả cơ nghiệp" của người dân vùng cao, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài, những ngày này ở các thôn, bản bà con vùng cao của Trạm Tấu đều ở nhà che chắn chuồng trại cho trâu, bò và tìm kiếm thức ăn cho gia súc.

 Tết Mông năm nay, thay vì vui chơi đón tết bằng các lễ hội văn hóa dân tộc thì người dân vùng cao Trạm Tấu đang phải căng mình lo chống rét và cứu đàn gia súc. Anh Trịnh Văn Xuê, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Để tăng cường các biện pháp chống rét cho đàn gia súc, Phòng đã cử cán bộ trực tiếp xuống các thôn, bản hướng dẫn người dân cách chống rét cho trâu bò, tăng cường che chắn chuồng trại, cho trâu, bò uống nước muối ấm, cho ăn cám, đốt lửa sưởi ấm cho trâu bò. Vận động người dân không chăn thả trâu bò vào ngày giá rét”.

Được biết từ ngày mùng 1 đến nay, hầu hết cán bộ Phòng Nông nghiệp và cán bộ khuyến nông đều xuống cơ sở để tuyên truyền vận động nhân dân đưa gia súc về nuôi nhốt trong chuồng trại. Hướng dẫn nhân dân cách sử dụng các vật liệu tại chỗ như tre, nứa, phông, bạt để che chắn chuồng trại chống gió lùa…Từ đó đã hạn chế rất nhiều số gia súc bị chết rét. Các xã làm tốt công tác phòng, chống rét cho gia súc như xã Hát Lừu nên mới chỉ có 5 con nghé bị chết rét.

Theo chủ tịch UBND xã Hát Lừu - Lò Văn Chiến: “Hiện toàn xã có gần 1.000 con trâu, bò nhưng đa số đều có chuồng trại và che chắn khá cẩn thận. Phần lớn các gia đình ở Hát Lừu đã đưa trâu bò về nhà trú rét. Để cứu trâu bò khỏi chết rét các công việc khác đều gác lại".

 Chị Hoàng Thị Quý ở thôn Hát Lừu 1, xã Hát Lừu đã tận dụng vải chăn, màn cũ để may áo ấm mặc cho trâu, chị bảo: “Đợt rét năm 2005 đàn trâu nhà tôi chết ba con do không có chuồng, từ năm 2006 gia đình đã làm chuồng che chắn cẩn thận và tích trữ rơm khô trên nóc chuồng nên trâu, bò không chết”. Chủ tịch UBND xã Bản Công - Tráng A Hờ cho biết: “Xã coi việc chỉ đạo chăm sóc và chống rét cho trâu bò được đặt lên hàng đầu. Xã đã vận động bà con đưa trâu bò về chuồng, dự trữ thức ăn và chống rét bằng cách đốt lửa sưởi ấm và che chắn chuồng trại thật kín cho trâu bò”.

 

Bên cạnh việc che kín chuồng trại người dân còn mặc áo ấm cho gia súc khi trời rét và không cho gia súc xuống đồng.

Công tác chống rét đang được huyện Trạm Tấu triển khai rộng khắp trong dân để hạn chế tối đa số gia súc bị chết. Tuy vậy, không phải xã nào cũng có đủ số chuồng trâu và che chắn tốt như ở xã Hát Lừu. Thậm chí ở nhiều xã mặc dù cán bộ xuống vận động làm chuồng trại bằng vật liệu có sẵn, mặc áo ấm cho trâu bò, không chăn thả gia súc khi trời rét nhưng nhiều hộ dân vẫn thả đàn trâu lên rừng. Có hộ trâu chết trên rừng vài ngày mới phát hiện ra.

Nhiều hộ dù đã dẫn trâu bò về chuồng nhưng không che chắn cẩn thận, gió lùa tứ phía nên trâu bò vẫn chết. Điển hình như xã Trạm Tấu có 70% số hộ làm chuồng trại cho gia súc, nhưng do không che chắn cẩn thận nên vẫn có 22 con trâu, bò bị chết. Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp huyện, số lượng chuồng trâu bò được hỗ trợ năm 2008 - 2010 là 1.861 chiếc, trong đó hỗ trợ bằng chương trình 30a là 1.450 chiếc và 411 chuồng được hỗ trợ từ chương trình 135. Hiện nay ở Trạm Tấu vẫn còn đến 45-50% số gia súc bà con vẫn thả rông trên rừng.

Khi tôi rời Trạm Tấu lại hay tin một đợt không khí lạnh đang tiếp tục tăng cường. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc bà con vùng cao nơi đây còn phải tiếp tục khẩn trương gồng mình chống chọi lại giá rét, để hạn chế tối đa những thiệt hại về sức kéo khi vụ sản xuất đông xuân đang tới rất gần.

 Văn Thông

Các tin khác
Họp báo giới thiệu về Liên hoan các doanh nghiệp Rồng Vàng lần thứ 10.

“20 năm trước, tư tưởng của người dân Việt Nam là mến khách nhưng không khỏi băn khoăn với chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Ngày nay, với những thành quả các doanh nghiệp FDI đã cống hiến cho nền kinh tế, chúng ta hoàn toàn có thể vui mừng với chủ trương đúng đắn này”.

Lực lượng quản lý thị trường Yên Bái triển khai đợt cao điểm kiểm tra kiểm soát thị trường dịp Tết, chống hàng giả, hàng kém chất lượng...

YBĐT - Trong dịp Tết Nguyên đán Tân Mão, lực lượng QLTT đã bắt giữ, xử lý 12 vụ kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

YBĐT - Mùa đông năm 2011, thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, sức khỏe mà giá các mặt hàng quần áo đang tăng chóng mặt làm đảo lộn đời sống của người dân.

Thanh Phúc
Người dân xã Hát Lừu (Trạm Tấu) chủ động phòng, chống rét cho gia súc.

YBĐT - Trước mắt phải che chắn chuồng trại, không để trâu bò thả rông tự nhiên và chuẩn bị rơm khô, cỏ khô, thân, lá ngô vụ đông làm thức ăn dự trữ cho gia súc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục