Rét đậm ở Mù Cang Chải: Cán bộ lo bao nhiêu dân thờ ơ bấy nhiêu
- Cập nhật: Thứ ba, 25/1/2011 | 9:24:39 AM
YBĐT - Tính đến ngày 18/1, toàn huyện Mù Cang Chải đã có 353 con trâu, bò chết rét, 5 - 10% trong tổng số 65% diện tích mạ đã gieo bị chết. Số mạ còn lại sinh trưởng chậm, có nguy cơ chết toàn bộ nếu thời tiết tiếp tục rét hại trong những ngày tới.
100% số mạ đã gieo sinh trưởng kém, nhiều khả năng 50% sẽ chết nếu rét hại tiếp tục kéo dài.
|
Số gia súc chết tăng từng ngày
Rét đậm, rét hại hoành hành ở Mù Cang Chải từ ngày 12/1, ngày đỉnh điểm của rét, nhiệt độ xuống dưới 60C thì Mù Cang Chải bắt đầu có gia súc chết rét với số lượng 77 con. Ngày 15/1 thời tiết rét đậm, toàn huyện có tới 89 con gia súc bị chết, ngày 17/1 ấm hơn một chút những vẫn có đến 76 con chết, với diễn biến thời tiết như hiện nay thì số gia súc chết của Mù Cang Chải vẫn đang tăng lên từng ngày.
Sự chủ quan cùng với tập quán thả rông gia súc của người dân vẫn là những nguyên nhân chính dẫn đến đàn gia súc bị chết.
Chị Vừ Thị Giàng, bản Khao Mang, xã Khao Mang cho biết: "Mình vừa bán được một con trâu đực 20 triệu đồng, vẫn còn 4 con nữa". Nhìn 4 con trâu cột trong chuồng, xung quanh chỉ có 4 cái cột dựng lên để lợp mái, một cán bộ Sở Nông nghiệp hỏi: “Con trâu giá trị như thế mà không chăm sóc, che chắn chuồng trại, đắp ấm cho nó?” - Chị Giàng chỉ nhoẻn miệng cười không nói gì. Chỉ vài phút sau chúng tôi quay lại thì chị Giàng đã đuổi trâu lên núi thả, sự chủ quan của chị Giàng có thể sẽ phải trả giá trong những ngày tới, vì rét đậm vẫn còn tiếp tục.
Có những hộ nghèo như Kíu A Sanh ở bản Háng Là Ha b có 2 con trâu thì đã chết cả hai ở trên rừng. A Sanh cho biết: "Mấy ngày trước mình lên rừng đuổi trâu về để cấy lúa thì nó đã chết rồi, giờ không biết lấy gì để làm ruộng?". Số hộ có gia súc chết rét ở Khao Mang chủ yếu là của những hộ gia đình nghèo, nhận thức còn hạn chế, mặc dù đã được nhắc nhở, hướng dẫn nhưng vẫn không có chuyển biến.
Theo lời của Chủ tịch xã Khao Mang Giàng A Vàng, toàn xã có 683 hộ dân, nhà nào cũng có trâu, bò, ít thì một còn nhiều thì cả chục con. Đến thời điểm này xã đã có 21 con chết rét, trong số 1.300 con gia súc thì 50% số đó vẫn nằm trên rừng chưa đuổi về được. Nếu có đuổi về thì cũng không có chuồng để nhốt, không có cỏ để cho ăn. Theo quan sát những hộ chúng tôi đến thăm thì đều có dự trữ rơm rạ khô, đây có thể nói là một bước đột phá thay đổi trong tập quán của người Mông. Tuy nhiên, cách bảo quản và sử dụng rơm khô cho trâu, bò thì số nhiều còn chưa biết kể cả việc bổ sung thức ăn tinh cho gia súc cũng hầu như chưa làm bao giờ.
50% số gia súc vẫn còn ở trên rừng
Vẫn còn nhiều người dân xã Khao Mang còn chủ quan với việc phòng, chống rét cho gia súc.
50% tổng số gia súc của Mù Cang Chải vẫn thả rông trên rừng đó là lời khẳng định nhưng có chút dè dặt của ông Nguyễn Thành Nho - Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện, vì có thể con số còn lớn hơn. Ông Nho cho biết thêm: "Những tháng cuối năm, bệnh dịch, thời tiết giá rét hoành hành khiến cho chăn nuôi đại gia súc gặp nhiều khó khăn. Huyện cũng chỉ vừa mới công bố hết dịch lở mồm long móng và gỡ bỏ trạm kiểm soát gia súc trong ngày 18/1. Số lượng 47 con trâu, bò chết trong đợt dịch khiến, người dân chưa kịp trở tay thì lại đến rét đậm, rét hại.
Trong quá trình chỉ đạo phòng chống rét cho gia súc, mặc dù đã rất quyết liệt, cắm cán bộ tại xã hướng dẫn người dân che chắn chuồng trại, đốt lửa sưởi ấm, bổ sung thức ăn tinh để tăng khả năng chống rét, trực tiếp lên rừng đuổi trâu về cho dân nhưng hiệu quả vẫn chưa cao".
Được biết, UBND huyện Mù Cang Chải đã giao cho các phòng, ban phụ trách xã vào cuộc để tham gia chống rét. Theo lời của một cán bộ Chi cục Thuế huyện được giao về cùng giúp dân chống rét cho gia súc tại xã Cao Phạ thì dường như người dân ở đây chẳng mấy quan tâm đến sự sống chết của gia súc. Thấy cán bộ về bản, vận động lên rừng đuổi trâu thì dửng dưng mặc kệ, mặc cán bộ tự lên rừng đuổi về buộc ở nhà, hôm sau đến thì chỉ còn lại cái chuồng không. Xã Cao Phạ đang là xã có số trâu, bò nhiều nhất huyện với 55 con, ngày 17/1 vừa qua đã bị chết 16 con, có ngày rét đậm chết tới 30 con.
Rút kinh nghiệm những thiệt hại do đợt rét từ năm 2008, Mù Cang Chải đã có nhiều nỗ lực trong công tác chỉ đạo phòng chống rét cho gia súc. Tuy nhiên đến nay sự chuyển biến của người dân còn rất chậm.
Anh Dũng
Các tin khác
YBĐT - Năm 2011, ngành GTVT đã đề ra các giải pháp cụ thể như: tập trung chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ công tác thi công các công trình trọng điểm đảm bảo chất lượng và tiến độ thi công theo yêu cầu chỉ đạo.
YBĐT - Những ngày cuối tháng 1, mặt hàng rau xanh tại các chợ trên địa bàn thành phố Yên Bái rất khan hiếm và đắt đỏ. Người tiêu dùng kêu trời khi giá rau xanh thay đổi từng ngày.
Các loại xăng, dầu sẽ chịu thuế bảo vệ môi trường từ 300 - 1.000 đồng bắt đầu từ năm 2012, theo dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do Bộ Tài chính đang soạn thảo.
YBĐT - Năm 2010 là năm đầy những biến động bất lợi trong sản xuất kinh doanh đối với Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.