“Ghìm cương” lạm phát
- Cập nhật: Thứ tư, 16/2/2011 | 7:57:08 AM
Làm thế nào để kiểm soát giá cả, ghìm cương lạm phát là vấn đề được đặt ra hiện nay.
Tạo tâm lý, lòng tin cho người tiêu dùng bằng chính sách nhất quán, đồng bộ.
|
Hạ lãi suất - chống lạm phát?
Theo Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội, ông Vũ Viết Ngoạn, trong nửa năm 2010, dù tỷ giá được ghìm lại nhưng chỉ số CPI cuối năm vẫn tăng 11,75%. Do đó, cú điều chỉnh tỷ giá vừa rồi của Ngân hàng (NH) Nhà nước thêm 9,3% chắc chắn sẽ khiến CPI chịu tác động không nhỏ.
Vì vậy, cần phải có những biện pháp kinh tế, trước tiên là quản lý thị trường, giá cả để tránh tăng giá một cách bất hợp lý nhân điều chỉnh tỷ giá, nhưng đồng thời cũng phải đẩy mạnh tuyên truyền.
“Nếu như biết rút kinh nghiệm từ những năm trước về điều hành giá cả, giữ được thị trường tài chính, tiền tệ ổn định hơn. Đặc biệt là các giải pháp vĩ mô giảm tổng cầu của nền kinh tế, thì hy vọng sẽ đạt được mức lạm phát 7% như mong muốn, mặc dù không đơn giản”, ông Ngoạn nói.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng bối cảnh hiện nay giảm lãi suất (LS) sẽ có tác động tích cực tới chỉ số giá CPI. Về lý thuyết, nghe có vẻ nghịch lý vì giảm LS dẫn tới tăng cung tiền, tăng tổng phương tiện thanh toán và gây ra lạm phát.
Nhưng tại Việt Nam, 90% nguồn tín dụng của hệ thống NH dành cho doanh nghiệp (DN) nên khi hạ LS thì chi phí sản xuất, giá thành sản phẩm hạ xuống. DN hoạt động tốt, sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường nội địa. Còn nếu LS quá cao, DN khoanh tay ngồi chơi, hàng trong nước không sản xuất được, hàng hóa nước ngoài ùa vào, giá cả sẽ leo thang.
“Khi nền kinh tế tăng trưởng quá nóng, các quốc gia phát triển tăng LS để kiềm chế tiêu dùng, giảm giá xuống. Nhưng đó là các quốc gia có cơ cấu tín dụng tiêu dùng chiếm tới 70% trong hệ thống NH. Tại VN, với 90% tín dụng NH dành cho DN, khi LS giảm, DN giống một cánh đồng đang khát nước, nếu mở van cho nước vào ruộng, lúa sẽ mọc tốt hơn”, ông Thành ví von.
“DN có hoạt động, sản xuất thì nền kinh tế mới tăng trưởng được xuất khẩu, hạn chế nhập siêu khi đó mới tăng cường được dữ trữ ngoại hối. Tăng dự trữ ngoại hối có đủ khả năng can thiệp tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô”, ông Thành chia sẻ.
Cần giải pháp đồng bộ
TS Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NH Nhà nước lại tỏ ra cẩn trọng hơn. Theo ông Kiêm, để hóa giải áp lực lạm phát mà chỉ giải quyết vấn đề LS thì không đủ. Hiện tại, LS cao một phần do đồn thổi, nhưng cung - cầu vốn có căng thẳng thực sự. Ngoài ra, tâm lý sợ lạm phát cao, sợ đồng tiền mất giá, cho nên đã sinh ra sự găm giữ, đầu cơ vốn không đưa được vào sản xuất kinh doanh. Vì vậy, trước mắt phải làm cả biện pháp kinh tế và tâm lý để giảm lạm phát xuống trước. Muốn vậy, cần phải có giải pháp đồng bộ như sắp xếp lại cơ cấu thu, chi để giảm bội chi ngân sách càng nhiều càng tốt. Phải chi, đầu tư trúng và đúng các đối tượng cần khuyến khích để mang lại hiệu quả cao.
“Giảm bội chi sẽ tác động giảm sức ép lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng”, ông Kiêm nói. Nhập siêu tuy giảm so với trước kia, nhưng vẫn ở mức độ rất cao, đang kích giá hàng nhập khẩu lên, là nguyên nhân trực tiếp gây ra lạm phát. Vì vậy, cần phải đẩy mạnh xuất khẩu để tăng hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ mặt hàng nhập khẩu chưa cần thiết, không phục vụ trực tiếp sản xuất - kinh doanh, hạn chế tới mức tối đa…
Đặc biệt, theo ông Kiêm, với các khoản tín dụng không tạo ra khả năng sử dụng lao động, tạo sức mua, tạo thu nhập thì phải kiên quyết sắp xếp lại. Các DN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh, tiết giảm chi phí, cơ cấu lại hoạt động, sản xuất cho hiệu quả.
Cuối cùng, cần giải quyết thông tin về chính sách minh bạch, rõ ràng. “Chính sách điều hành nhất quán, thống nhất cao mới tạo động lực trong thực hiện, lòng tin của thị trường, tránh được găm giữ, đầu cơ đồn thổi, tăng giá. Cần có sự thận trọng nhất định nếu không mục tiêu kiểm soát lạm phát 7% trong năm nay rất mong manh” ông Kiêm nhấn mạnh.
Đối với việc tăng giá các mặt hàng than, điện, xăng dầu, TS Kiêm cho rằng khi điều chỉnh giá sẽ “ăn” trực tiếp vào chi phí của tất cả các mặt hàng khác, đẩy giá thành tăng lên. Lúc này khả năng thanh khoản hệ thống NH tốt, tiền thu về chưa chi ra nhiều có thể thích hợp để điều chỉnh, nhưng cần cân nhắc điều chỉnh như thế nào, phối hợp ra sao, cái gì trước, cái gì sau phải thông qua việc tính toán định lượng các con số cụ thể.
Đồng quan điểm trên, chuyên gia Bùi Kiến Thành chia sẻ ngân sách có hạn nên giá xăng không thể giữ mãi, điện cũng phải tăng để kêu gọi thu hút đầu tư. Nhưng quan trọng là phải xem chỉ số giá tiêu dùng chịu tác động của nhân tố nào mạnh nhất để biết làm gì trước, cái gì sau. Theo ông Thành, tăng giá, điện, than, xăng dầu để DN có nguyên liệu hoạt động, nền kinh tế không bị trì trệ. Nhưng “tăng giá cũng cần phải có giải pháp đồng bộ đi kèm như hạn chế đầu tư dàn trải, thất thoát. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN, tránh độc quyền sản phẩm… để hạ giá thành. Đồng thời, phân loại các hộ nghèo để có hỗ trợ thích đáng”, ông Thành bày tỏ.
(Theo TNO)
Các tin khác
YBĐT - Xuân Lai là xã nghèo của huyện Yên Bình với trên 85% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.
YBĐT - Rau ở Mường Lò ngon, ngọt còn nhờ khí hậu trong lành, đất đai màu mỡ, trong đấy chứa nhiều vi chất quý hiếm mà không phải cánh đồng nào, vùng quê nào cũng có được.
YBĐT - Là xã đi đầu của huyện Lục Yên về thực hiện chủ trương sản xuất ngô đông theo hướng hàng hoá, vụ đông năm 2010, xã Lâm Thượng tiếp tục chỉ đạo bà con nhân dân tận dụng tối đa diện tích đất nông nghiệp để trồng ngô đông.
Ngày 14-2, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, xuất khẩu gạo đến giữa tháng 2 đạt trên 600.000 tấn, đạt giá trị trên 300 triệu USD.