Các ngân hàng thực hiện Nghị quyết11/NQ-CP: Nhiều giải pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng

  • Cập nhật: Thứ tư, 16/3/2011 | 9:23:13 AM

YBĐT - Trong cơ cấu cho vay, các ngân hàng sẽ hạn chế tối đa đầu tư vào các khu vực phi sản xuất như: bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng...và dành ưu tiên số 1 cho nông nghiệp, nông thôn, đối tượng được ưu tiên tiếp theo là xuất khẩu, kế đến là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Các chương trình tín dụng vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội sẽ tiếp tục được triển khai.
Ảnh: Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tại huyện Lục Yên.
Các chương trình tín dụng vay ưu đãi của ngân hàng chính sách xã hội sẽ tiếp tục được triển khai. Ảnh: Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội tại huyện Lục Yên.

Ngân hàng là một công cụ đắc lực giúp Chính phủ kiểm soát lạm phát và chống suy giảm kinh tế. Do đó, biện pháp đầu tiên được Chính phủ đề ra trong Nghị quyết số 11/NQ - CP về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội là thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng bảo đảm tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2011 dưới 20%.

Thực hiện Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị số 01/CT – NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có những giải pháp thiết thực và cụ thể. NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái đã xây dựng phương án cụ thể, quán triệt Nghị quyết của Chính phủ và Chỉ thị của NHNN Việt Nam tới toàn bộ hệ thống ngân hàng trên địa bàn.

Ông Bùi Trung Thu – Giám đốc NHNN Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: “Kiềm chế lạm phát là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành ngân hàng. Do vậy, mặc dù mức tăng trưởng tín dụng đầu năm 2011 được xây dựng từ 18 - 20%, nhưng sau khi tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp với tình hình chung, NHNN tỉnh đã điều chỉnh xuống còn từ 16 – 18%, đồng thời đẩy nhanh việc huy động vốn để tạo vốn cho nền kinh tế”.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra để vừa đảm bảo vốn cho kinh tế phát triển vừa thực hiện chính sách kiềm chế lạm phát. Giải pháp đầu tiên là cho vay có hiệu quả, chất lượng đối với từng dự án đầu tư, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu không vượt quá 2,5%.

Trong cơ cấu cho vay, các ngân hàng sẽ hạn chế tối đa đầu tư vào các khu vực phi sản xuất như: bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng...và dành ưu tiên số 1 cho nông nghiệp, nông thôn, đối tượng được ưu tiên tiếp theo là xuất khẩu, kế đến là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Hiện nay, cơ cấu cho vay ở khu vực phi sản xuất đang chiếm 9% tổng dư nợ của các ngân hàng trên địa bàn. Mục tiêu của NHNN trong thời gian tới sẽ giảm cơ cấu cho vay thuộc lĩnh vực này xuống còn 8%.

Riêng đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, đơn vị chiếm 20% tổng dư nợ của toàn ngành, vẫn tiếp tục triển khai tốt các chính sách cho vay tín dụng ưu đãi đến hộ nghèo, chương trình cho vay học sinh, sinh viên...phục vụ mục tiêu xoá đói giảm nghèo.

Tăng lượng vốn huy động, đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng là yêu cầu bắt buộc trong giai đoạn hiện nay đối với ngành ngân hàng. Nhưng với tình hình lạm phát và giá cả tiêu dùng tăng cao trong những tháng đầu năm thì đây không phải là một bài toán dễ giải.

Để thu hút tiền gửi dân cư, các ngân hàng đã thực hiện huy động thông qua việc sử dụng các kỳ hạn tiền gửi khác nhau, linh hoạt, đa dạng hoá các hình thức. Tuy nhiên, đối với một tỉnh miền núi còn gặp nhiều khó khăn như Yên Bái, cơ cấu nguồn vốn huy động tại địa phương có tăng nhưng cũng mới chiếm 50% tổng nguồn vốn huy động của các ngân hàng và chủ yếu là kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng.

 

Các ngân hàng dành ưu tiên số một vốn cho nông nghiệp, nông thôn. Ảnh: Nông dân xã Tuy Lộc (TP. Yên Bái) chăm sóc rau vụ đông. (Ảnh: Thanh Miền)

Trong khi đó, các dự án vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng từ 50% trở lên, nên nguồn vốn trung và dài hạn Yên Bái phụ thuộc chủ yếu vào trung ương.

Các ngân hàng sẽ tranh thủ mọi nguồn vốn của ngân hàng thương mại trung ương và vốn chưa giải ngân từ các dự án để đáp ứng nhu cầu sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp. Đồng thời, NHNN cũng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các ngân hàng về chất lượng tín dụng, hỗ trợ lãi suất, chấp hành các quy định về tỷ lệ an toàn của tổ chức hoạt động tín dụng.

Nhận định đây sẽ là một năm đầy khó khăn, từng ngân hàng thương mại cũng có những giải pháp cụ thể để từng bước vượt qua trong giai đoạn này. Để thực hiện mục tiêu giảm tốc độ tăng trưởng tín dụng từ 30% xuống còn 19%, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Chi nhánh tỉnh Yên Bái cũng đã cụ thể hoá các nội dung của Nghị quyết thành hành động.

Ông Phạm Trung Tùng – Phó giám đốc Ngân hàng cho biết: “Ngân hàng sẽ chỉ tập trung cho vay các dự án đã ký kết, những dự án lớn năm nay sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất luôn, các dự án mới tạm thời chưa xem xét; doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả, khách hàng truyền thống sẽ được ưu tiên hàng đầu.

Ngân hàng sẽ tăng cường huy động bổ sung nguồn vốn cho vay, cắt giảm từ 10 – 15% chi phí hoạt động. Đồng thời, Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục làm tốt công tác an sinh xã hội, hỗ trợ 30 tỷ đồng cho huyện Mù Cang Chải theo Nghị quyết 30a/NQ-CP của Chính phủ trong giai đoạn 2011 – 2013”.

Với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, các ngân hàng cũng có nhiều hình thức huy động vốn, thu hút khách hàng. Ông Nguyễn Mạnh Hồng – Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: “Ngân hàng vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên vốn cho “tam nông” theo Nghị định 41 của Chính phủ, giải ngân cho những dự án đã cam kết từ năm 2010.

Với phương châm “năng nhặt chặt bị”, Ngân hàng sẽ đẩy mạnh việc huy động tiền gửi tại khu vực nông thôn từ hệ thống phòng giao dịch tại tất cả các huyện, thị. Thực tế là, hơn 60% số vốn huy động của Ngân hàng thuộc khu vực này. Các hình thức huy động cũng đa dạng hơn, không chỉ theo năm, theo quý mà đã theo tuần, theo tháng, hình thức rút gốc linh hoạt để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng”.

Năm nay sẽ là một năm thực sự khó khăn đối với các doanh nghiệp, các ngân hàng thu hẹp cửa đối với nhiều dự án, đặc biệt đối với dự án dài hạn có vốn đầu tư từ 10 tỷ đồng trở lên sẽ khó nhận được vốn vay.

Để kinh doanh có hiệu quả trong thời buổi lạm phát, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư, sản xuất những mặt hàng thị trường có nhu cầu cao, tập trung khai khác có hiệu quả thế mạnh của địa phương và tiết kiệm tối đa cho phí sản xuất để có vốn tái đầu tư.

 Hồng Khanh

Các tin khác
Sẽ thí điểm kiểm kê, đánh giá lại tài sản doanh nghiệp từ 1/7/2011

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành quyết định về việc thí điểm kiểm kê và đánh giá lai tài sản và vốn của một số doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tại thời điểm 0 giờ ngày 1/7/2011.

Chế biến cá tra xuất khẩu tại Nhà máy Chế biến thủy sản Ấn Độ Dương.

Bộ NN&PTNT vừa ban hành thông tư quy định việc chứng nhận, xác nhận thủy sản xuất khẩu vào thị trường châu Âu (EU).

Đây là tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong phiên làm việc sáng 15/3 của Chính phủ về tình hình triển khai Nghị quyết 11 về các giải pháp kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và an sinh xã hội.

Đề án “Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với cá nhân kinh doanh, hộ kinh doanh” hướng đến những hộ và cá nhân kinh doanh thu nhập thấp. (Ảnh: Các hộ kinh doanh mua hóa đơn tại Chi cục Thuế thành phố Yên Bái).

YBĐT - Năm 2010, Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã xây dựng và triển khai Đề án Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục