Trúc Lâu: Bài học từ phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng
- Cập nhật: Thứ sáu, 18/3/2011 | 9:42:10 AM
YBĐT - Đến nay, xã Trúc Lâu (Lục Yên) đã có thêm 37 con lợn và 9 con trâu của hàng chục hộ gia đình bị chết và phải tiêu hủy, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
|
Từ ngày 28/2, khi cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân gây chết 4 con lợn của một hộ gia đình ở bản Pạu là do dịch bệnh lở mồm long móng (LMLM), đến nay, xã Trúc Lâu (Lục Yên) đã có thêm 37 con lợn và 9 con trâu của hàng chục hộ gia đình bị chết và phải tiêu hủy, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chưa dừng lại ở đó, toàn xã còn có 47 con trâu và 12 con lợn nghi mắc với những biểu hiện tương tự dịch bệnh LMLM…
Những ngày này, chị Nguyễn Thị Đượm ở bản Pạu, xã Trúc Lâu mất ăn, mất ngủ vì tiếc cho đàn lợn 28 con – nguồn thu nhập chính của cả gia đình vừa phải đem đi tiêu hủy do mắc bệnh LMLM. Cùng chung cảnh chăn nuôi thua lỗ với hàng chục hộ gia đình khác quanh đây, song ngoài sự xót xa và tiếc của, chị Đượm còn canh cánh nỗi ân hận vì sự chủ quan và thiếu kiến thức của mình.
Chị cho biết: “Khi phát hiện những dấu hiệu khác lạ ở đàn lợn nhà mình, tôi đã không kịp thời báo cáo, làm theo hướng dẫn của cơ quan chức năng mà tự ý mua thuốc về chữa bệnh cho lợn. Hiệu quả đâu không thấy, được vài hôm, cả đàn lợn 28 con lăn ra chết cả. Chỉ đến khi chính quyền địa phương và ngành thú ý nghe tin đã xuống tận nhà kiểm tra và ra quyết định tiêu hủy, tôi mới biết chứng bệnh lạ gây chết hàng loạt cho đàn lợn nhà mình chính là dịch bệnh LMLM, loại dịch bệnh rất nguy hiểm trên đàn gia súc mà mọi người vẫn được nghe tuyên truyền, khuyến cáo hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng”.
Không chỉ riêng gia đình chị Đượm, từ ngày 28/2, khi cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân gây chết 4 con lợn của một hộ gia đình ở bản Pạu là do dịch bệnh LMLM, đến nay, xã Trúc Lâu đã có thêm 37 con lợn và 9 con trâu của hàng chục hộ gia đình bị chết và phải tiêu hủy do loại dịch bệnh này, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Chưa dừng ở đó, hiện tại, toàn xã còn có 47 con trâu và 12 con lợn nghi mắc với những biểu hiện tương tự dịch bệnh LMLM và con số này sẽ còn tiếp tục tăng nếu chính quyền địa phương và ngành chức năng không kịp thời vào cuộc, khoanh vùng dập dịch.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Dũng Quỳnh – Chủ tịch UBND, Trưởng ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh xã Trúc Lâu cho biết: “Ban chỉ đạo xã đã chia thành 2 tổ xuống kiểm tra tình hình dịch bệnh tại các gia đình có trâu, lợn chết do dịch; phối hợp với Trạm Thú y tổ chức phun thuốc tiêu độc khử trùng và tiêu hủy theo đúng quy trình; tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn bà con các biện pháp phòng chống dịch bệnh; đồng thời cấm giết mổ, kiểm soát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, buôn bán gia súc đang có dịch bệnh trên địa bàn”. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế chúng tôi được biết, chính quyền địa phương mới chỉ thực sự vào cuộc khi dịch bệnh đã lây lan trên diện rộng.
Từ trường hợp dịch bệnh đầu tiên xảy ra tại bản Pạu, do tâm lý chủ quan và thiếu kiến thức của người dân, trong khi chính quyền địa phương chỉ tuyên truyền, hướng dẫn mà không giám sát chặt chẽ, tình trạng giết mổ và thả rông gia súc tập trung vẫn diễn ra thường xuyên trong và xung quanh khu vực có dịch dẫn đến dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp không chỉ trong địa bàn xã mà còn lây lan sang các xã lân cận như Phúc Lợi, Động Quan.
Đặc biệt, nguy cơ lây dịch càng dễ lan rộng hơn do Trúc Lâu là một trong những địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất huyện với hàng chục trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa quy mô lớn, trên địa bàn xã lại có tuyến quốc lộ 70 chạy qua nên là điểm tập trung buôn bán lợn giống và lợn thịt của lái buôn ở nhiều tỉnh, thành khác nhau.
LMLM là dịch bệnh nguy hiểm, khả năng lây lan và tái phát cao trên đàn gia súc, đặc biệt là ở đàn lợn, trâu, bò. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, dịch bệnh này hoàn toàn có thể phòng và trị được. Điển hình như trang trại của gia đình chị Đỗ Thị Hiền ở thôn Trung Tâm, xã Trúc Lâu, là hộ gia đình chăn nuôi lợn theo phương pháp mới với quy mô lớn nhất trong huyện, mỗi năm cho xuất chuồng 3 lứa với hàng trăm con lợn thịt.
Từ nhiều năm nay, trong khi ngành chăn nuôi huyện nhà nói riêng và cả nước nói chung lao đao vì dịch bệnh, trang trại của gia đình chị vẫn không hề bị ảnh hưởng mà làm ăn ngày càng đạt lãi suất và hiệu quả cao hơn.
Về kinh nghiệm chăm sóc và phòng chống, dịch bệnh cho đàn lợn của mình, chị Đỗ Thị Hiền chia sẻ: “Ngay sau khi xã công bố có dịch bệnh LMLM, gia đình tôi đã cho tất cả người trong trang trại nghỉ làm để hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi; rào và che kín chuồng trại, mua vôi bột và thuốc khử trùng xung quanh trang trại, mời cán bộ thú y về tiêm vắc-xin phòng dịch bệnh.
Đặc biệt trong thời gian này không được cho người ngoài hay đưa con giống khác vào trong khu vực chuồng trại, nguồn thức ăn cũng phải tự mình đi lấy về, pha chế và cho ăn để đảm bảo an toàn, sạch sẽ”.
Tình trạng chủ quan, không kịp thời ngăn chặn sẽ khiến dịch bệnh nhanh chóng lây lan trên diện rộng, hình thành những ổ dịch lớn gây thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, chính quyền các địa phương cần phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng trong việc xây dựng, triển khai các biện pháp phòng chống và dập dịch; tổ chức tuyên truyền, tập huấn và hướng dẫn phương pháp phòng chống, dịch bệnh cho người dân, kiểm tra và giám sát chặt chẽ các hoạt động vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia súc.
Bên cạnh đó, người chăn nuôi cần tích cực hợp tác với cơ quan chức năng, phải nắm được những kiến thức cơ bản để chủ động theo dõi, báo cáo tình hình dịch bệnh để phòng và trị bệnh kịp thời, tránh tình trạng vật nuôi phát bệnh nghiêm trọng mới chịu cầu cứu, vừa gây thiệt hại kinh tế gia đình, làm ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi ở địa phương.
Mai Thu
Các tin khác
YBĐT - Nằm ở phía Tây của tỉnh Yên Bái, Văn Chấn có trên 85.000 ha đất lâm nghiệp gồm trên 65.000 ha đất có rừng tự nhiên và rừng trồng với độ che phủ chiếm 52,15%. Để phòng chống cháy rừng hiệu quả, huyện Văn Chấn xác định cần phải khắc phục tận gốc nguyên nhân.
Gần 655 tỷ đồng là tổng kinh phí cho Chương trình quốc gia khống chế bệnh lở mồm long móng giai đoạn II (2011-2015), do Bộ NN&PTN vừa hoàn chỉnh, gửi xin ý kiến các bộ ngành ngày 16-3.
Trong cuộc họp của Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia hôm 17-3, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng kết luận người dân được quyền sở hữu, mua bán vàng miếng với một số đầu mối do Ngân hàng Nhà nước cấp phép.
Dự báo trên được đưa ra tại báo cáo bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2010 và triển khai thực hiện kế hoạch năm 2011 của Chính phủ, vừa được chuyển đến các đại biểu Quốc hội khóa XII.