Các doanh nghiệp làm gì trong cơn bão giá
- Cập nhật: Thứ hai, 21/3/2011 | 9:13:36 AM
YBĐT - Tỷ giá, lãi suất, giá xăng, dầu, điện, nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh đã tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải làm gì trong bão giá hiện nay?
Các nhà phân tích kinh tế cho rằng, năm 2011 sẽ là một năm đầy khó khăn, thách thức đối với mỗi doanh nghiệp và được dự báo là khốc liệt hơn nhiều so với năm 2008 bởi các chi phí như lãi suất, tỷ giá đầu vào nguyên liệu, giá điện, giá xăng dầu cùng tăng lên một lúc, Chính phủ ban hành các giải pháp về chính sách tài khoá và tiền tệ trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc cắt giảm chi tiêu công…là khó khăn.
Để vượt qua thách thức này, các doanh nghiệp cần sắp xếp lại sản xuất trên cơ sở tiềm năng của mình, tính toán kỹ các chi phí đầu vào dễ gây lỗ từ đó có hướng sản xuất kinh doanh cụ thể. Tiết giảm tối đa chi phí sản xuất (xăng xe, điện, nước, thậm chí phải tái cơ cấu sản xuất) hoặc sắp xếp bố trí nguồn nhân lực phù hợp với các vị trí quản lý, sản xuất. Thường xuyên cập nhật thông tin về thị trường trong và ngoài nước để dự báo tình hình diễn biến thị trường mà có hướng phát triển.
Trong bối cảnh lạm phát như hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều có một mức độ ảnh hưởng, chi phối khác nhau. Do vậy, hơn ai hết là doanh nghiệp phải tự đánh giá và nhìn nhận mình một cách thấu đáo xem đâu là mặt mạnh, đâu là khó khăn, tồn tại để tháo gỡ. Chẳng hạn khi lãi suất đang cao, ngân hàng thắt chặt tín dụng thì doanh nghiệp cân nhắc kỹ và chỉ đầu tư vốn vào các danh mục, hạng mục cần thiết chứ không dàn trải như trước và huy động vốn hợp lý.
Bên cạnh đó đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng không nên tăng giá hoặc tăng giá bán quá cao vào lúc này, bởi doanh nghiệp nào cũng tăng giá, dẫn tới lạm phát tăng cao thì sức mua cũng yếu đi. Mà sức mua đã yếu đi thì cũng đồng nghĩa với doanh nghiệp không bán được hàng, không bán được hàng ứ đọng vốn…và cái vòng luẩn quẩn đó dần dần đưa doanh nghiệp đến bờ phá sản.
Công ty TNHH Yên Phú là doanh nghiệp chuyên sản xuất bao bì các loại, sản phẩm ống nước PPR và nguyên liệu phụ gia phục vụ cho ngành nhựa cũng gặp không ít khó khăn. Giá nguyên liệu hạt nhựa Công ty phải nhập khẩu tăng 4 ngàn đồng/kg, giá điện tăng mất 200 triệu đồng/năm, cước vận tải cũng tăng, công nhân cũng đòi tăng lương trong khi giá bán sản phẩm không thể tăng.
Trước thực trạng đó Công ty đã triển khai một loạt giải pháp để ổn định sản xuất là đầu tư 6 tỷ đồng để xây dựng lắp đặt dây chuyền hạt nhựa tại chỗ với công suất 4 tấn hạt/ngày, nhằm giảm giá thành và chủ động nguyên liệu, tạo việc làm cho 20 lao động; tiết kiệm điện bằng thay thế các loại bóng điện sợi đốt bằng bóng Compac tiết kiệm điện năng, đồng thời rà soát và thay thế, sửa chữa các động cơ cho vừa với công suất; vận động công nhân tiết kiệm tối đa nguyên liệu trong sản xuất...những giải pháp đó đã và đang góp phần ổn định sản xuất.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Vượng – Giám đốc Công ty cũng thẳng thắn cho biết: “Giá cả tăng là một áp lực lớn đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng. Công ty Yên Phú đã áp dụng một số giải pháp để hạ giá thành sản xuất, cắt giảm những chi phí không cần thiết để bù vào tăng giá nguyên vật liệu nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa căn cơ và lâu dài. Dẫu đã ổn định được sản xuất nhưng trong năm 2011 này Công ty không dám nghĩ tới lợi nhuận mà chỉ cố gắng đảm bảo việc làm và thu nhập cho cán bộ công nhân viên. Đến một lúc nào đó mà không trụ được nữa thì đành “nằm im” để chờ thời chứ không cố sản xuất bằng mọi giá”.
Những khó khăn đó có lẽ không riêng ở Công ty Yên Phú mà là khó khăn chung của hầu hết các doanh nghiệp. Nhưng mỗi doanh nghiệp biết nhận biết rõ về điểm mạnh, điểm yếu của mình, biết cách đặt nghị lực, niềm tin, ý chí của mình vào đúng chỗ để biến khó khăn thành cơ hội khẳng định mình để từ đó có những quyết định mang tính chiến lược, chiến thuật doanh nghiệp vẫn sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Nhận định đúng thời cơ, thách thức cùng hướng chỉ đạo phù hợp và sự nỗ lực của các doanh nghiệp chắc chắn doanh nghiệp vẫn sẽ vượt qua trong bão giá này.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT - Do ảnh hưởng của đợt rét đậm, rét hại, trong 3 tháng năm 2011 (đặc biệt là đợt rét đậm, rét hại trung tuần tháng 3), tỉnh Yên Bái có tổng số 3.152 con trâu, 621 con bò, 56 con dê, ngựa bị chết rét; gần 2.271 ha lúa và 4.371ha lúa thuần bị thiệt hại.
YBĐT - Năm 2010, tỉnh Yên Bái xếp hạng ở vị trí thứ 21/63 tỉnh thành, tăng 2 bậc so với năm 2009, so với các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc thì tỉnh Yên Bái xếp ở vị trí thứ 2, sau tỉnh Lào Cai.
Kể từ ngày 1/5 tới, doanh nghiệp được chính thức khởi tạo, phát hành và sử dụng các loại hóa đơn điên tử như: hóa đơn xuất khẩu, hóa đơn thuế giá trị gia tăng, hóa đơn bán hàng…
Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây đưa ra đề xuất triển khai đồng bộ 5 nhóm giải pháp nhằm tăng cường chống Đô la hóa