Yên Bình: Hướng tới giảm nghèo bền vững

  • Cập nhật: Thứ tư, 13/4/2011 | 10:23:08 AM

YBĐT - Cùng với các nguồn lực đầu tư có hiệu quả của Nhà nước, huyện Yên Bình đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững.

Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra mô hình trồng ngô lai tại xã Đại Minh.
Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra mô hình trồng ngô lai tại xã Đại Minh.

Cùng với các nguồn lực đầu tư có hiệu quả của Nhà nước như Chương trình 134, 135, các chương trình mục tiêu quốc gia về xóa đói, giảm nghèo, huyện Yên Bình đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH - HĐH, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững. Trong đó, tập trung chỉ đạo nhân dân chuyển dịch toàn diện cơ cấu nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, coi trọng phát triển kinh tế vùng nhằm phát huy tiềm năng lợi thế sẵn có của từng vùng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Đến nay Yên Bình đã hình thành một số vùng chuyên canh, thâm canh sản xuất hàng hóa như vùng lúa, vùng cây màu tại các xã vùng Đông hồ Thác Bà và vùng hạ huyện, vùng chăn nuôi hàng hóa tại các xã vùng thượng huyện và vùng phía Tây hồ Thác Bà…

Nhiều mô hình sản xuất mới mang lại hiệu quả cao như mô hình trồng xen sắn với cây lâm nghiệp, mô hình trồng lạc, chăn nuôi đại gia súc, chăn nuôi thủy đặc sản đã góp phần đưa bình quân giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt trên 45 triệu đồng/ năm.

Bên cạnh đó, Yên Bình còn tạo ra được một môi trường kinh doanh thuận lợi, khuyến khích hỗ trợ cho các thành phần kinh tế đầu tư vào các lĩnh vực nghành nghề nhằm khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên dồi dào, sử dụng nhiều lao động của địa phương. Tranh thủ các nguồn vốn đầu tư cho phát triển và xóa đói, giảm nghèo, ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng cho các vùng nghèo nên tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm từ 30, 83% năm 2005 xuống còn 5,83% vào cuối năm 2010.

Tuy nhiên, công tác xóa đói giảm nghèo tại huyện Yên Bình vẫn còn những vấn đề đặt ra cần giải quyết như công tác xóa đói giảm nghèo đã thực sự bền vững chưa? Thu nhập bình quân đầu người của các hộ thoát nghèo tuy đạt mục tiêu đề ra song chưa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của người dân. Các hộ nghèo còn thiếu đất sản xuất, vốn, lao động có kỹ thuật và thường không có việc làm ổn định, thu nhập thấp, gia đình đông con, dễ gặp rủi ro do lũ lụt, hạn hán, cháy rừng…

Những hạn chế về kinh tế chính là rào cản đối với người nghèo trong việc tiếp cận các điều kiện phúc lợi trong giáo dục, y tế và văn hóa xã hội. Ngoài ra, nhận thức và năng lực tự vươn lên thoát nghèo của người nghèo, vai trò của chính quyền cơ sở, các tổ chức đoàn thể, các doanh nghiệp tham gia vào công tác xóa đói giảm nghèo còn hạn chế. Giúp các hộ nghèo thoát nghèo bền vững, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương đang là mục tiêu quan trọng mà Đảng bộ huyện Yên Bình hướng tới.

Đảng bộ huyện đặt ra mục tiêu từ nay đến năm 2015, mỗi năm tỷ lệ hộ nghèo giảm 4% theo tiêu chí của từng thời kỳ. Để thực hiện được mục tiêu này, Đảng bộ huyện cần tập trung lãnh chỉ đạo, nâng cao năng lực của các tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên, huy động sự vào cuộc của tất cả các tổ chức chính trị xã hội tham gia công tác xóa đói, giảm nghèo tại địa phương.

Tập trung đưa ra các giải pháp mang tính đột phá, trong đó, tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế sẵn có của địa phương, tận dụng tốt mọi nguồn lực đầu tư từ bên ngoài. Kết hợp chặt chẽ việc sử dụng đất và nguồn lao động tại chỗ để giải quyết việc làm và xóa đói giảm nghèo.

Chú trọng phát triển nghề rừng gắn với chăn nuôi đại gia súc để thu hút lao động tại chỗ, nhất là đồng bào vùng dân tộc. Đẩy mạnh việc thực hiện công tác đào tạo nghề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo Quyết định 1956 của Chính phủ, tạo điều kiện cho lao động vùng nghèo đi xuất khẩu lao động, tạo ra nhiều việc làm phi nông nghiệp.

Thông qua hệ thống khuyến nông, khuyến lâm viên cơ sở đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, giúp người nghèo về giống, vốn, vật tư kỹ thuật để họ được tiếp cận các phương thức sản xuất mới. Đặc biệt, đội ngũ cán bộ cơ sở, các trưởng thôn, bản, các tổ chức hội, đoàn thể phải là lực lượng xung kích, trong việc thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo. Có như vậy, các hộ nghèo ở Yên Bình mới thực sự được thoát nghèo bền vững.

Mạnh Cường

Các tin khác
Toàn cảnh buổi làm việc.

YBĐT - Tình hình ô nhiễm nguồn nước sông Chảy đoạn tiếp giáp với tỉnh Yên Bái, chảy qua huyện Đoan Hùng, được phát hiện từ ngày 20 đến 21/3/2011.

Thu thuế nhà đất đầu năm 2011 tại phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.

YBĐT - Năm 2011, Chi cục Thuế thành phố Yên Bái được giao dự toán thu cân đối ngân sách 150 tỷ đồng.

Ngày 12.4, tổ máy số 2 của Nhà máy thủy điện Sơn La đã chính thức chạy không tải để chuẩn bị đưa điện lên điện lưới quốc gia. Đây là sự kiện quan trọng trong bối cảnh cả nước đang thiếu hụt điện năng.

YBĐT - Tích cực chủ động trong công tác BVR - PCCCR, Yên Bái đã có nhiều biện pháp xử lý ngăn chặn cháy rừng xảy ra, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do lửa rừng gây ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục