Kinh nghiệm phòng chống lụt bão ở Lục Yên

  • Cập nhật: Thứ ba, 21/6/2011 | 9:18:05 AM

YBĐT - Bước vào mùa mưa lũ năm nay huyện Lục Yên đã chủ động xây dựng phương án phòng chống bão lũ và tìm kiếm cứu nạn, trong đó vẫn tập trung theo phương châm “4 tại chỗ” và giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra.

Các đơn vị thi công đang tiến hành nâng cao mặt đường tại khu vực làng Sâng (xã Tân Lĩnh) để giúp cho người dân và các phương tiện lưu thông trong mùa mưa lũ.
Các đơn vị thi công đang tiến hành nâng cao mặt đường tại khu vực làng Sâng (xã Tân Lĩnh) để giúp cho người dân và các phương tiện lưu thông trong mùa mưa lũ.

Năm 2010, mưa bão đã làm đổ 32 ngôi nhà, tốc mái gần 400 nóc nhà, 7 ha lúa và hoa màu mất trắng, nhiều điểm sạt lở trên hệ thống điện, đường… tổng thiệt hại lên tới hơn 3,1 tỷ đồng. Hội nghị tổng kết huyện Lục Yên đã rút ra 5 bài học kinh nghiệm trong công tác PCBL làm cơ sở cho công tác chủ động phòng tránh, khắc phục kịp thời do thiên tai gây ra trong các năm tiếp theo. Đó là phải làm tốt công tác thông tin truyên truyền, dự báo, cảnh báo tình hình mưa lũ để nhân dân nắm, biết cách phòng tránh, đồng thời các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ động tốt phương án PCBL&TKCN của đơn vị mình, đặc biệt là phương châm 4 tại chỗ để phòng khi có mưa lũ xảy ra.

Trong chỉ đạo điều hành phải có đầu mối, phân công cụ thể cho các ngành, thành viên, theo dõi nắm bắt tình hình cụ thể, cần làm tốt công tác hiệp đồng cụ thể, chặt chẽ; huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác PCBL&TKCN. Phòng tránh ngay từ đầu mùa mưa bão, khi có bão lũ xảy ra phải huy động lực lượng, phương tiện ứng phó kịp thời; có các biện pháp, giải pháp hữu hiệu khắc phục hậu quả nhanh chóng.

Ban chỉ huy PCBL&TKCN các cấp phải thường xuyên kiện toàn bảo đảm đúng, đủ thành phần; có phương án, kế hoạch, tổ chức giao nhiệm vụ cụ thể cho các lực lượng, các ngành trước các tình huống dự kiến có thể xảy ra. Đặc biệt là cần có chính sách hỗ trợ khẩn cấp, kịp thời cho nhân dân vùng thiệt hại, sớm ổn định cuộc sống, khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất.

Ông Hoàng Văn Số - Trưởng phòng Nông nghiệp huyện cho biết: “Trên cơ sở 5 bài học kinh nghiệm được rút ra, huyện đã chủ động xây dựng phương án và triển khai các nhiệm vụ cụ thể”. Theo đó, tại Làng Sâng (xã Tân Lĩnh) đầu mối giao thông quan trọng nối các xã vùng ngoài với xã, thị trấn vùng trong thường xuyên bị ngập úng khi có mưa lớn cộng với nước sông dâng cao, huyện đã bố trí túc trực 1 xuồng máy của công an huyện và 2 xuồng máy của dân để sẵn sàng ứng phó khi xảy ra ngập lụt.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công con đường Khánh Hòa - Yên Thế, các nhà thiết kế đã nâng cao mặt bằng nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt, tạo điều kiện cho việc lưu thông, đi lại của người dân khi có mưa lũ xảy ra.

Ngoài ra, tại khu vực cầu Lạnh (xã Liễu Đô) mỗi khi mưa to thì hơn 7 ha lúa, hoa màu và cuộc sống của 70 hộ dân thường xuyên bị ngập chìm trong nước. Hiện khu vực này vẫn chưa có giải pháp gì thực sự hữu hiệu để xử lý, trước mắt chỉ có thể chuẩn bị bè, mảng, lựa chọn điểm tập kết để vận chuyển người dân và tài sản đến khu vực an toàn khi có mưa lũ xảy ra.

Ngoài ra, tại hai điểm dễ xảy ra sạt lở là khu Làng Chuông (xã Tân Lĩnh) và đoạn đường Tân Phượng - Lâm Thượng, huyện đã tiến hành chuẩn bị các phương tiện ứng cứu trong trường hợp xấu xảy ra, đồng thời tuyên truyền người dân không đi lại các khu vực này khi có mưa bão.

Hiện nay công tác thông tin về tình hình, diễn biến của thời tiết đến với người dân không phải dễ, do nhiều nơi bà con sống rải rác, cách xa nhau nên thông tin không chính xác và kịp thời. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, vận động người dân di dời khỏi những khu vực nguy hiểm và bố trí tái định cư cho họ gặp rất nhiều khó khăn.

Trong tổng số 131 hộ cần phải di dời hiện mới chỉ thực hiện được 49 hộ, còn lại đa số các hộ vẫn đang nằm trong khu vực nguy hiểm. Được biết, các hộ còn lại đa phần nằm rải rác tại chân núi đá, có một số trường hợp lại không muốn di dời, đồng thời kinh phí hỗ trợ di dời vẫn chưa được bổ sung hoặc các địa phương chưa bố trí được khu vực tái định cư cho các hộ dân.

Giải quyết vấn đề này, theo các đơn vị chức năng chủ yếu vẫn là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được tầm nguy hiểm của thiên tai từ đó có các giải pháp phòng tránh.

Cường Hùng

Các tin khác

YBĐT - Để bảo vệ tốt cho đàn gia súc, gia cầm không bị dịch bệnh phát sinh gây hại và giúp các hộ chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao, Trạm Thú y huyện Yên Bình đang khẩn trương thực hiện kế hoạch tiêm phòng vac xin, phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm của 26 xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Ngày 20-6, trả lời phóng viên báo chí, liên quan đề nghị tăng phí giao dịch ngoại mạng và thu phí rút tiền nội mạng qua thẻ ATM, bà Nguyễn Thu Hà - Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam, cho biết Hội thẻ chưa có văn bản nào đề xuất với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về vấn đề trên.

Bộ Công thương vừa đề xuất sửa đổi Luật Điện lực, theo đó, áp dụng giá điện khác nhau đối với các địa bàn, khu vực có điều kiện kinh tế xã hội khác nhau, đảm bảo cân bằng lợi ích tương đối của đơn vị điện lực và khách hàng sử dụng điện.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa hoàn tất dự thảo Nghị định Quản lý kinh doanh vàng miếng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục