Bước chuyển Trạm Tấu

  • Cập nhật: Thứ tư, 6/7/2011 | 2:32:16 PM

YBĐT - Từ năm 2006 đến 2010, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã huy động nhân dân thi công được 342 km đường nông thôn; xây mới và nâng cấp 37 công trình thuỷ lợi, góp phần đưa thêm 522 ha ruộng cấy được 2 vụ so với năm 2006; đồng thời giải quyết nước sinh hoạt cho 2500 hộ.

Một góc thị trấn Trạm Tấu hôm nay
Một góc thị trấn Trạm Tấu hôm nay

Trạm Tấu là một trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước, có tổng diện tích tự nhiên 746,19 km2, trong đó đất nông nghiệp 50.715,84 ha (riêng đất trồng lúa gần 3.500 ha); đất lâm nghiệp 45.578 ha (đất rừng sản xuất 7.525 ha, đất rừng phòng hộ 38.053 ha). Dân số năm 2010  khoảng 27.800 người, mật độ bình quân 35 người/km2. Trình độ sản xuất, trình độ dân trí, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ sản xuất và đời sống của huyện đều thấp kém so với các vùng trong tỉnh. Đầu nhiệm kỳ 2006-2010, tốc độ tăng trưởng kinh tế của các huyện trong tỉnh đạt từ 9-10% thì huyện Trạm Tấu mới đạt 7,5%.

Để tạo điều kiện cho huyện Trạm Tấu phát triển kinh tế, xã hội rút ngắn khoảng cách phát triển so với các huyện trong tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ra Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 21//2006 Về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phát triển kinh tế, xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006-2010; UBND tỉnh đã ra  Quyết định số 362/QĐ-UBND ngày12/9/2006 phê duyệt Đề án về một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách phát triển kinh tế - xã hội huyện Trạm Tấu giai đoạn 2006-2010; HĐND tỉnh cũng đã có Nghị quyết số 26/2008/NQ-HĐND ngày 23/7/2008 về chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội hai huyện Trạm Tấu và huyện Mù Cang Chải, nhằm mục tiêu đưa huyện Trạm Tấu ra khỏi huyện đặc biệt khó khăn của cả nước vào năm 2010.

Quán triệt chủ trương của tỉnh, 17 ngành có liên quan đã thành lập ban chỉ đạo hoặc tổ công tác và căn cứ vào nghị quyết của Tỉnh uỷ, đề án của UBND tỉnh, cụ thể hoá thành chương trình, kế hoạch của ngành; đồng thời phối hợp chặt chẽ với huyện Trạm Tấu để tổ chức thực hiện. Huyện đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ và đề án của UBND tỉnh.

Trong 5 năm nguồn vốn đầu tư của khu vực Nhà nước vào huyện là 549.806 triệu đồng, trong đó vốn theo Nghị quyết 30a là 51.968 triệu đồng; Chương trình 135 giai đoạn II: 74.322 triệu đồng; Chương trình 134 :19.852 triệu đồng; dự án trồng mới 5 triệu ha rừng: 54.454 triệu; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ: 105.107 triệu; vốn chương trình mục tiêu quốc gia: 14.107 triệu đồng; vốn ngân sách tập trung :40.938 triệu đồng; nguồn vốn đầu tư nước ngoài 96.048 triệu đồng…

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Tỉnh uỷ, huyện đã đào tạo, bồi dưỡng 398 cán bộ từ huyện đến thôn, bản về nghiệp vụ công tác Đảng, đoàn thể, kiến thức chuyên môn, quản lý hành chính cơ sở. Trong đó có 53 đồng chí học trung cấp lý luận chính trị, 03 trung cấp hành chính; đưa 36 đồng chí là bí thư, phó bí thư, chủ tịch UBND xã đi tham quan mô hình kinh tế ở Trung Quốc.

Từ năm 2006 đến 2010, Trạm Tấu đã kiên cố hoá, nâng cấp, cải tạo được 47,8 km đến trung tâm xã; mở mới 60 km đường liên xã, liên huyện; huy động nhân dân thi công được 342 km đường nông thôn theo chính sách đặc thù của tỉnh, đạt 143% kế hoạch; xây mới và nâng cấp 37 công trình thuỷ lợi, trong đó có 24 công trình  xây mới, tăng 15 công trình, góp phần đưa thêm 522 ha ruộng cấy được 2 vụ so với năm 2006; đồng thời giải quyết nước sinh hoạt cho 2500 hộ.

  

  Nông dân xã Trạm Tấu tuyển chọn giống sắn cho vụ mới

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết và Đề án của tỉnh, do có sự đầu tư từ nhiều nguồn vốn, sự phối hợp chặt chẽ giữa huyện với các ngành, sự cố gắng của nhân dân và các thành phần kinh tế trong huyện, tranh thủ có hiệu quả vai trò của các già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ trong vận động mọi người trong bản cùng thực hiện, kinh tế - xã hội của Trạm Tấu đã có sự chuyển biến tích cực.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện năm 2010 đạt 12%, tăng 4,5% so với năm 2006. Cơ cấu kinh tế của huyện chuyển dịch đúng hướng: Tỷ trọng nông, lâm nghiệp chiếm 60,25%, giảm 3,59%; công nghiệp - xây dựng chiếm 20%, tăng 2,42%; thương mại - dịch vụ chiếm 19,75%, tăng 1,35% so với năm 2006. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 đạt 5 triệu đồng, tăng 1,64 triệu đồng, lương thực bình quân đầu người đạt 465,7kg, tăng 114,7kg so với năm 2006.

 Sản xuất nông nghiệp có bước đột phá rõ nét: khai hoang được 114,3 ha ruộng nước, đưa diện tích gieo trồng cây lương thực năm 2010 tăng 1.571 ha so với 2006, trong đó diện tích lúa đông xuân tăng 189,4 ha, diện tích lúa mùa tăng 198 ha; diện tích ngô gieo trồng cả năm tăng 1.426 ha so với năm 2006. Tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2010 đạt 12.736 tấn, tăng 2.763 tấn so với mục tiêu nghị quyết và tăng 4.408 tấn so với năm 2006. Tổng diện tích chè đạt 607 ha, trong đó trồng cải tạo 50 ha chè Shan giâm cành; sản lượng chè búp tươi đạt 659,5 tấn, tăng 439 tấn so với năm 2006. Đàn gia súc, gia cầm phát triển ổn định, tại thời điểm kiểm kê 01/10/2010, đàn trâu 5.678 con, tăng 8,52%; đàn bò 3.306 con, tăng 1,66%; đàn ngựa 1537 con, tăng 3,08%; đàn lợn 13.167 con, tăng 16,98% so với năm 2006 và đàn gia cầm có 56.733 con.

Phát triển rừng  là một nhiệm vụ trọng tâm của huyện. 5 năm qua, huyện đã trồng mới 5180 ha rừng, trong đó có 4.880 ha rừng phòng hộ, đạt 108% chỉ tiêu, 300 ha rừng sản xuất. Đã tổ chức giao khoán bảo vệ 31,876 ha rừng, tăng 13.416 ha so với năm 2006. Độ che phủ của rừng từ 45% năm 2006 tăng lên 52% năm 2010.

Sau khi chấn chỉnh, việc thực hiện Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường công tác quản lý, điều chỉnh đất đai ở vùng cao với Nghị quyết 03 đã có hiệu quả. Tại các xã Trạm Tấu, Bản Mù, Túc Đán, Phình Hồ, Bản Công, Xà Hồ, qua vận động đã có 175 hộ nhiều đất đồng ý san sẻ cho 233 hộ thiếu đất sản xuất với diện tích 130,06 ha.

Diện tích phát hiện và triệt phá cây thuốc phiện niên vụ 2009-2010 giảm 135,4 ha so với niên vụ 2006. Năm 2010, huyện được thêm 4 xã có điện lưới quốc gia, đưa số xã có điện lưới lên 11/12 xã; toàn huyện có 33/69 thôn bản và tổ dân phố, 30% số hộ sử dụng điện lưới quốc gia.

Đã khởi công xây dựng 6 trạm thuỷ điện tại các xã Phình Hồ, Trạm Tấu, Tà Xi Láng, Làng Nhì, Bản Công, Bản Mù; 10 cơ sở chế biến chè, với công suất từ 2-3 tấnbúp tươi/ngày.

Lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển khá toàn diện. Hàng năm tạo việc làm mới cho khoảng 500 - 900 lao động và đào tạo nghề ngắn hạn, trung hạn cho trên 1.000 lao động; xuất khẩu được 109 lao động. Đầu tư cơ sở vật chất cho hệ thống trường học được tăng cường; chú trọng hình thức học bán trú dân nuôi.

Duy trì 12/12 xã, thị trấn đạt chuẩn phổ cập THCS và phổ cập giáo dục tiểu học, trong đó 50% số xã đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi; 100% xã có trường mầm non. Tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp phổ thông trung học năm học 2010 đạt 100%.

Toàn huyện có 4 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 100% kế hoạch. Công tác y tế, chăm sóc sức khoẻ nhân dân đã đươc các cấp uỷ, chính quyền quan tâm; đã có 4 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tăng 3 xã so với năm 2006; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn 2,1%; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm được 32,78% so với năm 2006.

Phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư phát triển mạnh. Đến nay đã có 41% số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, tăng 16% so với năm 2006; 75% số cơ quan, đơn vị đạt đơn vị văn hoá; 4/12 xã có nhà văn hoá và tỷ lệ làng văn hoá chiếm 14,49%, tăng 8,7% so với năm 2006.

Nhân dân trong huyện đã làm mới 624 nhà vệ sinh, 142 nhà tắm, 865 chuồng nuôi trâu và có 2.225 hộ dân của 6 xã ký cam kết thực hiện xây nhà vệ sinh, nhà tắm, chuyển chuồng gia súc ra xa nhà và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.

Tuy nhiên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, một số chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội ở huyện Trạm Tấu còn đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Đàn gia súc mới đạt bình quân 97-98%; diện tích chè trồng mới đạt 91,9%; trồng rừng sản xuất mới đạt 20%, giao rừng phòng hộ và nhóm hộ quản lý mới đạt 25% kế hoạch. Tình trạng cháy rừng vẫn diễn ra, có năm gay gắt. Tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo vẫn ở mức cao nhất tỉnh( xấp xỉ 70%); vẫn còn nhiều hộ thiếu đất sản xuất cần được giúp đỡ.

Trần Thi - Thanh Hà

Các tin khác

Sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường vàng thế giới đã giúp cho vàng trong nước sáng 6/7 tăng gần 120.000 đồng/lượng so với ngày 5/7.

Gạo Viêt Nam được khách hàng quốc tế quan tâm. Ảnh minh họa

Trong bối cảnh các nước xuất khẩu gạo trên thế giới có nhiều biến động, Việt Nam đang thể hiện rõ vai trò là nhà cung cấp gạo ổn định, chất lượng đa dạng.

Các trang trại sản xuất nông lâm nghiệp nằm trong diện Tổng điều tra năm 2011.

YBĐT - Bắt đầu từ ngày 1/7/2011, tất cả huyện thị và các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Yên Bái bắt đầu triển khai cuộc Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thuỷ sản.

Theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, ngày 4.7, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức thành lập tổ soạn thảo sửa đổi pháp lệnh ngoại hối. Tổ soạn thảo sẽ do Thống đốc Nguyễn Văn Giàu làm trưởng ban.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục