Đổi thay nhờ cây chè
- Cập nhật: Thứ năm, 7/7/2011 | 3:27:08 PM
YBĐT - Từ việc thay đổi nhận thức, đến nay người dân xã Trung Tâm, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã biết đẩy mạnh việc trồng cây lâm nghiệp, hàng năm xã đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng Nhà nước giao.
Xã Trung Tâm (Lục Yên) có 862 hộ gia đình với gần 4.000 nhân khẩu, xã có 4 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó dân tộc Dao Trắng chiếm 68% còn lại là các dân tộc: Tày, Nùng và Kinh. Trước đây người Dao chỉ biết lên nương lên rẫy, tập tục sinh sống còn lạc hậu nên đời sống hết sức khó khăn.
Trước thực trạng đó, cùng với tuyên truyền, vận động bà con chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà và trồng cây lúa nước... xã Trung Tâm đã mạnh dạn vận động bà con người Dao chuyển sang trồng chè. Đến nay, toàn xã đã có hơn 50 ha chè. Từ cây chè, bộ mặt kinh tế ở đây đã thay đổi rõ rệt, nhà trồng nhiều mỗi năm cũng thu được hàng chục triệu đồng, so với việc trồng ngô lúa trên nương rẫy trước đây thì cây chè đem lại hiệu quả gấp chục lần, không những vậy, cây chè đã làm thay đổi cuộc sống của người Dao, giúp họ đỡ cực nhọc hơn.
Điển hình như gia đình ông Trương Văn Thảnh ở thôn Sài Dưới, là một hộ trước đây chỉ biết lên rừng hái măng, hái chít, hay đốt nương làm rẫy, quanh năm làm việc cực nhọc mà vẫn thiếu ăn. Nhờ học hỏi và được hỗ trợ của Nhà nước, gia đình ông đã trồng 15 sào chè, từ bán chè mỗi năm gia đình ông thu về hơn chục triệu đồng. Có tiền ông đã sửa sang nhà cửa, cho con cái đi học, ông không còn lao động cực nhọc như trước đó nữa.
Ông Thảnh tâm sự: “Trước đây nhà tôi chỉ biết vào rừng tìm măng, tìm chít và đốt nương làm rẫy thôi, nên đói ăn lắm. Từ ngày trồng chè, vợ con và tôi không phải vất vả nhiều nữa, mỗi năm bán chè cũng được hơn chục triệu đồng”.
Hiện cả xã đã có 4 hộ gia đình tham gia sản xuất, kinh doanh chè, nhiều hộ sản xuất, kinh doanh chè phát triển nhanh chóng. Gia đình anh Lê Hồng Thám, trước đây là hộ nghèo, từ khi đầu tư mua máy móc để sản xuất chè, hàng năm cũng cho gia đình anh vài chục triệu đồng, đến nay, gia đình anh không những đã thoát nghèo mà còn tạo được việc làm thường xuyên cho những lao động nhàn rỗi trong gia đình.
Anh Thám tâm sự: “Ruộng nương nhà tôi ít lắm, thấy dân trồng chè nhiều mà phải bán đi nơi xa, vay được vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện nên tôi đã mua máy về sao chè. Bà con có chè là bán được ngay, nhà tôi từ khi làm chè cũng bắt đầu có của ăn của để. Chè sao khô bán rất dễ”.
Từ trồng chè mà bà con xã Trung Tâm đã thu về mỗi năm hơn 500 triệu đồng, theo đó, tỉ lệ hộ nghèo trong xã cũng giảm từ 3 - 5%/năm.
Về những hiệu quả thiết thực của cây chè, ông Lý Văn Quy - Chủ tịch UBND xã vui mừng nói: “Trước đây người Dao chỉ biết vào rừng, tình trạng đốt nương, phá rừng làm rẫy thường xuyên xảy ra, mà đói nghèo đeo đẳng quanh năm. Từ khi trồng chè bà con đã thay đổi nhận thức, không đốt nương làm rẫy nữa mà họ đã tận dụng hết đất trống để trồng chè. Cây chè đã làm cuộc sống của người Dao no ấm hơn, số hộ nghèo đã giảm nhanh chóng”.
Từ việc thay đổi nhận thức, đến nay người dân xã Trung Tâm đã biết đẩy mạnh việc trồng cây lâm nghiệp, hàng năm xã đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng Nhà nước giao.
Triệu Huấn
Các tin khác
Giá vàng trong nước sáng nay tiếp tục tăng mạnh từ 100.000 đồng đến 160.000 đồng/lượng, do vàng thế giới phục hồi. Sau hai ngày, vàng trong nước đã tăng khoảng 200.000 đồng/lượng.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải tỉnh, thành về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP.
YBĐT - Những ngày cuối tháng 6, nhà nông Văn Chấn (Yên Bái) như chạy đua với thời gian để thu chiêm, làm mùa.
YBĐT - Hội thảo tham vấn “Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại tỉnh Yên Bái” lấy ý kiến của cấp, các ngành, các nhà khoa học tham gia góp ý vào Báo cáo đánh giá tác động của BĐKH đến các lĩnh vực và các giải pháp chiến lược ứng phó với BĐKH của tỉnh Yên Bái.