Người bạn của nông dân
- Cập nhật: Thứ năm, 7/7/2011 | 3:29:34 PM
YBĐT - 5 năm qua, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh Yên Bái đã tham gia Dự án khí sinh học, vận động thực hiện được 1.934 công trình khí sinh học đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường.
Cán bộ khuyến nông hướng dẫn bà con nông dân sử dụng nông cụ sạ hàng.
|
Thực hiện Nghị định số 13/CP ngày 2/3/1993 của Thủ tướng Chính phủ về công tác khuyến nông, hệ thống khuyến nông tỉnh Yên Bái được thành lập tháng 3 năm 1994. Kể từ khi thành lập đến nay, đặc biệt 5 năm qua (2006 - 2010) hoạt động khuyến nông Yên Bái đã không ngừng được đổi mới, hoạt động hiệu quả. Các hoạt động khuyến nông đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn và thực hiện thành công các chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh như: chương trình khuyến nông cây lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả, chương trình khuyến nông về chăn nuôi - thuỷ sản; chương trình khuyến lâm...
Công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) nông - lâm nghiệp cho nông dân được thực hiện thường xuyên, đảm bảo tính thời vụ, thời sự, bám sát với nhu cầu của nông dân và định hướng phát triển nông - lâm nghiệp của tỉnh nên đã có những bước tiến mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Đã phối hợp với các đơn vị, các tổ chức đoàn thể tổ chức mở nhiều khóa đào tạo bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ khuyến nông, tiến bộ KHKT, công nghệ mới cho cán bộ khuyến nông, khuyến nông viên cơ sở (KNVCS), cộng tác viên khuyến nông và 7.928 lớp cho 324.000 lượt hộ nông dân. Nhiều tiến bộ KHKT mới được áp dụng vào sản xuất như: kỹ thuật làm mạ ném, chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng bảo đảm vệ sinh môi trường, trồng cỏ thâm canh, trồng tre măng Bát Độ, hầm Biogas...
5 năm qua, hệ thống khuyến nông toàn tỉnh đã tham gia Dự án khí sinh học, vận động thực hiện được 1.934 công trình khí sinh học đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội và môi trường. Tổ chức xây dựng 83 loại mô hình về cây trồng, vật nuôi, tiến bộ kỹ thuật mới với gần 350 điểm trình diễn tại khắp các vùng trong tỉnh.
Điển hình, từ việc thực hiện mô hình trình diễn lúa chất lượng cao bằng các giống: Chiêm hương, LT2, HT1... cho năng suất đạt trên 50 tạ/ha/vụ tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên, Văn Chấn, đến nay sản xuất lúa chất lượng cao đã thành vùng tập trung, được xác định là chương trình kinh tế trọng tâm của tỉnh, mỗi năm diện tích gieo cấy lúa hàng hóa chất lượng cao tại tỉnh đạt gần 4.000 ha. Từ 0,1 ha mô hình mạ che nilon tại xã Minh Quán (Trấn Yên) đã phát huy tác dụng tốt, khắc phục được tình trạng mạ chết rét vụ đông Xuân và đảm bảo đủ mạ cho thâm canh tăng vụ cho vùng cao và đã trở thành phổ biến của nông dân.
Hoặc mô hình khuyến công về máy làm đất đã góp phần tăng năng suất lao động 20-30 lần, tiết kiệm lao động, giảm chi phí đầu tư, đảm bảo kịp thời vụ, nâng cao hiệu quả sản xuất, mô hình chăn nuôi lợn thịt hướng nạc đảm bảo vệ sinh môi trường đã giúp bà con nông dân nhận thức tích cực hơn trong việc áp dụng qui trình kỹ thuật chăn nuôi theo hướng bảo đảm vệ sinh môi trường trong điều kiện phát triển chăn nuôi qui mô hộ gia đình.
Trong hoạt động tư vấn - dịch vụ khuyến nông, đã liên kết với một số công ty, doanh nghiệp, các hộ nông dân triển khai các hoạt động tư vấn, dịch vụ về phát triển nông, lâm nghiệp như: tư vấn về khoa học kỹ thuật, giới thiệu, cung ứng một số cây, con giống tiến bộ; tư vấn, cung ứng và xây dựng các mô hình ứng dụng sản phẩm phân bón sinh học: ước mơ nhà nông, NEB-26, Urea king, Wegh trên một số loại cây trồng, tư vấn sản xuất chè an toàn qua đông tại xã Bảo Hưng có sử dụng sản phẩm phân bón sinh học NEB-26 và Ureaking … đã giúp nông dân biết ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích và hướng tới phát triển một nền nông nghiệp sạch và bền vững.
Công tác xã hội hóa khuyến nông cũng ngày càng được đẩy mạnh, hệ thống khuyến nông thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các vụ, viện, trường, các tổ chức, đoàn thể từ Trung ương đến cơ sở để chuyển giao kỹ thuật nông – lâm nghiệp, thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ về Khuyến nông, Nghị quyết số 26/NQ- TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng và Chương trình hành động số 62 của Tỉnh ủy về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, góp phần đưa hoạt động khuyến nông sâu rộng, đi vào mọi tầng lớp nông dân. Đã xây dựng và duy trì sinh hoạt thường xuyên được 215 câu lạc bộ khuyến nông tự nguyện với 6.480 hội viên, đây là nguồn lực rất quan trọng trong việc tiếp nhận các tiến bộ KHKT và công nghệ mới áp dụng nhanh và hiệu quả vào sản xuất…
Với phương thức và hình thức hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng, công tác khuyến nông đã tạo mối liên kết xã hội hoá công tác khuyến nông sâu rộng tới nông dân và thực sự là người bạn của nông dân, là cầu nối giữa nghiên cứu khoa học với việc ứng dụng các tiến bộ KHKT mới vào sản xuất. Hoạt động của hệ thống khuyến nông đã đáp ứng được nhu cầu của nông dân, góp phần nâng cao dân trí cho nông dân, xóa bỏ dần tập quán sản xuất lạc hậu, tạo lập tư duy, tiến bộ mới trong sản xuất nông - lâm nghiệp, tạo nên sự tăng trưởng mạnh mẽ về năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực và đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh.
Tuy nhiên, hoạt động khuyến nông phải hoàn thiện và đổi mới hơn nữa để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thời gian tới. Ngành nông nghiệp, nông thôn Việt Nam nói chung và nền nông nghiệp Yên Bái đứng trước những cơ hội và thách thức mới. Để từng bước tham gia vào thị trường thương mại thế giới, ngành nông nghiệp phải có sự thay đổi nhanh, với những giải pháp phù hợp để tồn tại và cạnh tranh. Trong đó chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật mới, công nghệ cao ngày càng trở nên cấp thiết, công tác khuyến nông cần có những đổi mới về cơ chế, tổ chức, quản lý, góp phần vào sự nghiệp phát triển nông nghiệp và nông thôn của tỉnh.
Nguyễn Thị Hán
Các tin khác
YBĐT - Từ việc thay đổi nhận thức, đến nay người dân xã Trung Tâm, huyện Lục Yên (Yên Bái) đã biết đẩy mạnh việc trồng cây lâm nghiệp, hàng năm xã đều hoàn thành vượt chỉ tiêu kế hoạch trồng rừng Nhà nước giao.
Giá vàng trong nước sáng nay tiếp tục tăng mạnh từ 100.000 đồng đến 160.000 đồng/lượng, do vàng thế giới phục hồi. Sau hai ngày, vàng trong nước đã tăng khoảng 200.000 đồng/lượng.
Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Sở Giao thông Vận tải tỉnh, thành về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên xe ô tô theo quy định tại Nghị định 91/2009/NĐ-CP.
YBĐT - Những ngày cuối tháng 6, nhà nông Văn Chấn (Yên Bái) như chạy đua với thời gian để thu chiêm, làm mùa.