Bình ổn giá cuối năm vẫn là bài toán phức tạp

  • Cập nhật: Thứ hai, 3/10/2011 | 2:00:15 PM

Theo Bộ Công thương, trong 9 tháng đầu năm, giá cả các loại hàng hóa còn nhiều biến động do ảnh hưởng các yếu tố như thời tiết, dịch bệnh và còn phụ thuộc nhiều vào thị trường thế giới.

Nguồn cung của một số hàng hóa, vật tư thiết yếu còn thiếu bền vững, trong một số thời điểm nhất định, một số mặt hàng thực phẩm có sự bất ổn về nguồn cung do dịch bệnh (đối với thịt lợn) và giảm sút diện tích canh tác (đối với rau, củ, quả ở các tỉnh xung quanh Hà Nội), ảnh hưởng đến giá cả thị trường và tác động tới CPI chung của cả nước.

Tuy vậy, Bộ Công thương đánh giá, nhìn chung thị trường trong nước tiếp tục phát triển, duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân hàng tháng trên 20% so với cùng kỳ năm trước, cung cầu các hàng hóa thiết yếu được bảo đảm, đáp ứng đủ các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của mọi tầng lớp dân cư, kết cấu hạ tầng thương mại tiếp tục được nâng cấp, mở rộng và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa.

Các chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các trung tâm lớn tiếp tục được duy trì và mở rộng, tạo thuận lợi cho sản xuất, lưu thông các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Năm 2011, TP Hồ Chí Minh đã có kế hoạch thực hiện chương trình bình ổn thị trường đối với 9 mặt hàng, tổng kinh phí 437,22 tỷ đồng. Hiện hàng bình ổn chiếm 20 - 30% thị phần trên thị trường thành phố với 37 doanh nghiệp tham gia. Tính đến đầu tháng 9 năm 2011, tại TP đã có 3.773 điểm bán hàng bình ổn và hơn 200 cửa hàng tiện ích. Ngoài các điểm bán hàng cố định, chương trình còn thực hiện 199 chuyến hàng lưu động tại các vùng sâu, vùng xa. 

Với TP Hà Nội cũng đã dành 475 tỷ đồng tạm ứng cho 17 doanh nghiệp để mua tạm trữ 10 nhóm hàng phục vụ công tác bình ổn giá. Tính đến tháng 15/8/2011, Hà Nội có 561 điểm bán hàng bình ổn, trong đó có 271 điểm bán hàng ở khu vực ngoại thành, tăng gấp 3 lần so với năm 2010.

Bên cạnh đó, vai trò của các doanh nghiệp nhà nước trong nỗ lực bình ổn thị trường và cung ứng hàng hóa, dịch vụ đến người tiêu dùng trong 9 tháng qua đã được phát huy ở mức độ nhất định. Cơ cấu thành phần kinh tế nhà nước trong tổng mức bán lẻ tăng từ 9,8% năm 2008 lên hơn 11% trong 9 tháng năm 2011; trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm từ 3,4% năm 2008 xuống khoảng 2,8%.

Nhìn chung, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ xã hội 9 tháng đầu năm 2011 của cả nước ước đạt 1.392,8 nghìn tỷ đồng, tăng 22,8% so với cùng kỳ năm 2010. Tuy tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước nhưng thị trường còn thiếu ổn định và bền vững, mức tăng qua các tháng không cao (phần lớn tăng dưới 2%/tháng), đồng thời các nhóm du lịch và khách sạn, nhà hàng đều tăng thấp hơn mức tăng chung, điều này cho thấy ảnh hưởng của lạm phát cao làm suy giảm sức mua thực và xu hướng tiết giảm các khoản chi tiêu không cần thiết.

Theo dự báo, thị trường hàng hóa các tháng còn lại của năm 2011 có thể diễn biến phức tạp, chịu tác động bởi nhiều yếu tố chủ quan và khách quan, trong đó đáng chú ý là áp lực lạm phát đang nổi lên, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm. Tình hình sản xuất kinh doanh tiếp tục khó khăn do mặt bằng lãi suất còn cao, chi phí đầu vào cao... Dự kiến tổng mức bán lẻ năm 2011 tăng khoảng 22% so với năm 2010, đạt 1.880 nghìn tỷ đồng.

Để thực hiện mục tiêu khống chế mức tăng giá năm 2011 khoảng 18%, trong những tháng tới, nhiệm vụ điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường giá cả sẽ còn nặng nề và phức tạp. Vì vậy, Bộ Công thương cho rằng cần triển khai thực hiện các giải pháp như: Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát diễn biến cung cầu hàng hóa, giá cả, thị trường; chủ động và linh hoạt có các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm bảo đảm sản xuất, đáp ứng nhu cầu của xã hội, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá, góp phần kiềm chế lạm phát.

Bên cạnh đó là tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại nội địa để góp phần bình ổn thị trường; phối hợp với Liên minh Hợp tác xã trong việc tiêu thụ hàng hóa công nghiệp và nông nghiệp. Tăng cường kiểm soát thị trường, đảm bảo cung ứng tốt những mặt hàng trọng yếu như xăng dầu, phân bón, sắt thép, giấy in, xi măng, gạo, dược phẩm...; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá, gian lận thương mại, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, kiểm soát chặt chẽ chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm hàng hoá lưu thông trên thị trường.

* Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: Không để thiếu hàng, sốt giá lương thực, thực phẩm

Liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất, bình ổn  thị trường lương thực, thực phẩm, Văn phòng Chính phủ cho biết Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vừa chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục nắm chắc  tình hình sản xuất, nhất là tại những vùng sản xuất trực tiếp chịu tác động bất lợi của thiên tai, dịch bệnh, chủ động  có biện pháp chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ về kỹ thuật, giống… để bảo đảm nguồn hàng đáp ứng  kịp nhu cầu thị trường.

Người dân mua hàng tại một cửa hàng bình ổn giá tại quận 12 (TPHCM). Ảnh: CAO THĂNG

Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phối hợp với Bộ Công thương, các địa phương tổ chức tốt lưu thông hàng hóa, không để thiếu hàng, sốt giá. Trường hợp cần thiết  phải hỗ trợ  trực tiếp cho người nông dân sản xuất vụ Đông ở miền Bắc, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn làm việc với Bộ Tài chính để đề xuất  cụ thể…

Liên quan đến vấn đề thịt bò Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam, trên cơ sở đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc mở cửa thị trường thịt bò cho Hoa Kỳ, Thủ tướng đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trao đổi với Đại sứ quán Hoa Kỳ để nêu rõ thiện chí của Việt Nam đã mở cửa thị trường cho thịt bò Hoa Kỳ, một số vướng mắc còn lại là vấn đề kỹ thuật cấp chuyên gia cần bàn giải quyết.

Thủ tướng cũng giao Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các Bộ liên quan căn cứ theo quy định của Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm để bàn giải quyết các vấn đề liên quan, trong đó chú ý sớm ban hành các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật (kể cả nội tạng trắng, đỏ) để làm cơ sở xem xét cho phép nhập khẩu vào Việt Nam.

(Theo HNMO - SGGP)

Các tin khác

Vào phiên châu Á sáng 3/10, giá vàng vượt qua mốc đã lình xình gần như trong suốt tuần trước, 1.624-1625 USD/ounce, để giao dịch ở 1.630 USD/ounce.

Ảnh chỉ mang tính minh họa

YBĐT - Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 5 từ đêm ngày 29/9 đến ngày 30/9 trên địa bàn toàn tỉnh Yên Bái đã có mưa kèm gió lốc. Lượng mưa đo được trung bình từ 21,3 mm đến 58,8 mm.

IMF dự báo lạm phát của Việt Nam năm 2011 là 19%.

Đoàn công tác của Ngân hàng thế giới (WB) đã tới Việt Nam theo lời mời của Bộ Tài chính để đánh giá hiệu quả quản lý nợ công theo các tiêu chí của công cụ DeMPA (Debt Management Performace Asessment Tool).

YBĐT - Đêm 30 tháng 9 rạng sáng 1 tháng 10 năm 2011, mưa và lốc tố đã xảy ra tại nhiều địa phương trên địa bàn của huyện Văn Yên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục