Sữa lưu thông trên thị trường buộc phải ghi nhãn tiếng Việt
- Cập nhật: Thứ năm, 13/10/2011 | 1:59:05 PM
Từ 1/1/2012, các sản phẩm sữa lưu thông trên thị trường Việt Nam sẽ buộc phải ghi nhãn hàng hóa, thành phần, định lượng, các chất phụ gia, tên nhà sản xuất, lời cảnh báo nguy hiểm và nguồn gốc xuất xứ... bằng tiếng Việt.
Sữa dành cho trẻ em bán ra thị trường phải đăng ký, kê khai giá bán.
|
Ngày 12/10, Bộ Công Thương có văn bản gửi các đơn vị có liên quan xin ý kiến đóng góp cho dự thảo Thông tư quy định ghi nhãn đối với sản phẩm sữa lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Theo dự thảo, các sản phẩm dự kiến phải ghi nhãn mác gồm sữa sản xuất trong nước, chế biến, đóng gói, nhập khẩu để lưu thông và kinh doanh trên thị trường. Riêng sữa không sử dụng làm thực phẩm, tạm nhập tái xuất, quá cảnh, làm quà biếu, quà tặng, trợ cấp cho các vùng dịch bệnh, thiên tai hoặc sử dụng làm mẫu giới thiệu, trưng bày... được miễn quy định bắt buộc phải ghi nhãn mác.
Cũng theo dự thảo của Bộ Công Thương, nhãn sản phẩm này phải thể hiện được những nội dung cơ bản, cần thiết, giúp người tiêu dùng nhận biết và làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ hàng. Đồng thời, nhãn sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chí cần thiết giúp cơ quan chức năng tiện kiểm tra, kiểm soát.
Những tiêu chí bắt buộc phải có là định lượng, xuất xứ, thành phần của sản phẩm. Trên nhãn hàng hóa này cũng phải thể hiện được các nội dung cơ bản gồm tên sản phẩm sữa, tên tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm, định lượng, ngày sản xuất, hạn dùng, xuất xứ, thông tin dinh dưỡng, cảnh báo vệ sinh thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn sử dụng và bảo quản, an toàn... Các nội dung này được thể hiện bằng tiếng Việt. Màu sắc chữ, hình vẽ, ký hiệu trên nhãn phải rõ ràng, có màu tương phản trên màu nền sản phẩm.
Đối với các sản phẩm sữa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì đơn vị phân phối phải có nhãn phụ kèm theo. Bản dịch ra tiếng Việt phải đảm bảo đúng nội dung gốc...
Các tổ chức, cá nhân đơn vị sản xuất, chế biến đóng gói khi đưa sản phẩm ra thị trường phải chịu trách nhiệm về các thông tin công bố trên bao bì sản phẩm và phải đăng ký với Sở Công Thương. Nếu các nội dung ghi trên không rõ ràng, dẫn đến hiểu lầm của người tiêu dùng thì tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp gây hậu quả có thể bị truy tố trước pháp luật.
Bộ Công Thương đề xuất áp dụng quy chế ghi nhãn mác xuất xứ đối với sản phẩm sữa lưu thông trên thị trường từ ngày 1/1/2012. Các sản phẩm có hạn dùng và đã dán nhãn mác trường thời điểm này vẫn tiếp tục được lưu hành trên thị trường.
Hiện tại, các sản phẩm sữa lưu thông trên thị trường đều có gắn nhãn mác. Tuy nhiên, các quy định này chưa cụ thể, rõ ràng nên mỗi nơi thực hiện một kiểu dẫn đến thị trường sữa không chỉ loạn giá mà còn loạn cả chất lượng.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng quy định các doanh nghiệp phải niêm yết công khai giá bán. Đồng thời đối với một số loại sản phẩm, nhà sản xuất, phân phối phải đăng ký giá bán ra thị trường.
(Theo HNMO)
Các tin khác
YBĐT - Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Khánh Hòa - Minh Xuân có tổng mức đầu tư 180 tỷ đồng do Sở GTVT Yên Bái làm chủ đầu tư được khởi công tháng 10/2009. Theo kế hoạch công trình được hoàn thành vào tháng 6/2011, nhưng sau 24 tháng, triển khai tuyến đường mới chỉ đạt khoảng 70% khối lượng.
YBĐT - Theo thống kê của Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão - tìm kiếm cứu nạn thành phố Yên Bái: 9 tháng đầu năm, trên địa bàn thành phố đã xảy ra nhiều đợt mưa lớn kéo dài kèm theo lốc xoáy, gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của nhân dân ước tính khoảng 450 triệu đồng.
YBĐT - Trạm Bảo vệ thực vật thị xã Nghĩa Lộ tiếp tục đưa vào thử nghiệm mô hình rau an toàn IMP tại tổ 21, phường Pú Trạng.
Chính phủ đã quyết định gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (DN) năm 2011 của những DN sử dụng nhiều lao động trong một số ngành, nhằm tháo gỡ khó khăn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.