Lời giải cho sản xuất, kinh doanh chè

  • Cập nhật: Thứ năm, 27/10/2011 | 9:32:43 AM

YBĐT - Một trong những giải pháp quan trọng là các doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp và linh hoạt với thị trường, giảm sản phẩm chè đen xuống còn 50-60%, nâng tỷ lệ chè xanh nội tiêu và xuất khẩu lên 40 - 50%.

Lãnh đạo Ban Dân tộc và xã Suối Giàng trao đổi, tìm hướng đi cho cây chè Suối Giàng.
Lãnh đạo Ban Dân tộc và xã Suối Giàng trao đổi, tìm hướng đi cho cây chè Suối Giàng.

Hơn 40 năm đi vào sản xuất với quy mô lớn, cây chè đã phát huy được những lợi thế, hiệu quả nhất định trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tuy nhiên, việc sản xuất, kinh doanh chè đang bộc lộ những hạn chế, yếu kém trong xu thế phát triển hiện nay.

Từ vùng chè Suối Giàng

Hiện toàn tỉnh có trên 12.500 ha chè và có hàng chục vạn hộ nông dân đang sống và làm nghề chè, các cơ sở chế biến cũng phát triển không ngừng, nhiều nhà máy đã đi vào “huyền thoại” của ngành chè Việt Nam như Nhà máy chè Trần Phú với công suất 40 tấn/ngày.

Bên cạnh đó, những năm qua tỉnh đã có nhiều cơ chế, chính sách, đầu tư cho phát triển cây chè như chương trình trồng và cải tạo thay thế giống chè già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội; trồng phát triển chè Shan vùng cao, đổi mới công nghệ chế biến bằng thiết bị tiên tiến, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng sản phẩm chè có thương hiệu trên thị trường... với số vốn đầu tư hàng chục tỷ đồng.

Thế nhưng, việc sản xuất, kinh doanh chè vẫn chưa có gì sáng sủa, cuộc sống người làm chè vẫn còn nhiều khó khăn, giá trị thu nhập trên mỗi ha chè chỉ đạt trên dưới 20 triệu đồng, sản phẩm vẫn chủ yếu là chè đen, giá trị thấp. Để nâng cao vị thế và tìm lời giải cho cây chè, có nhiều người cho rằng phải cải tạo lại giống chè cũ bằng giống chè lai, chè nhập nội, có ý kiến lại cho rằng phải thay đổi cơ cấu sản phẩm chè, rà soát, nâng cấp, thậm chí thay đổi dây chuyền công nghệ chế biến chè hiện có, xây dựng thương hiệu chè Yên Bái...

Tất cả những ý kiến đó không sai nhưng có lẽ việc làm trước mắt là chúng ta tiếp tục củng cố và phát triển thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng, tiến tới xây dựng thương hiệu chè Yên Bái. Nói đến chè Shan tuyết Suối Giàng có lẽ không có người sành chè nào trên đất Việt, thậm chí cả ngoài nước mà không biết tới bởi các tiêu chuẩn “ngon, sạch, rẻ”.

Nằm trên độ cao 1.500 m so với mực nước biển, bốn mùa mây phủ, hơn 3 vạn gốc chè cổ thụ Suối Giàng có tuổi đời trên 100 năm tuổi, cây to cả người ôm, khi hái bà con phải bắc thang, dẫu không được bón phân hay phun bất cứ một loại thuốc sâu nào mà chỉ hút những tinh tuý của đất trời nhưng chè vẫn đâm chồi, nảy lộc.

Viện sĩ K.M.Djemmukhtze thuộc viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô khi đến Suối Giàng nghiên cứu đã phải thốt lên rằng: “Tôi đã đi qua 120 nước có chè trên thế giới, chưa thấy ở đâu có cây chè lâu năm như ở Suối Giàng, phải chăng đây là thủ phủ của cây chè? Năm 2006, sản phẩm chè San tuyết Suối Giàng được Hiệp hội chè Việt Nam tôn vinh thương hiệu quốc gia chè Việt. Thế nhưng sản phẩm, thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng đã dần phai mờ trên thị trường bởi chất lượng ngày một kém đi, quy trình thu hái đến chế biến không đảm bảo cùng với những lợi nhuận trước mắt mà người ta làm hỏng đi chất lượng.

Trong suốt một thời gian dài, Công ty cổ phần chè Văn Hưng là doanh nghiệp duy nhất sản xuất chè Shan tuyết Suối Giàng, có những năm Công ty sản xuất được trên 80 tấn chè, trong đó xuất khẩu trực tiếp 40 tấn sang thị trường Đức và các nước trong khối EU thu về một lượng ngoại tệ lớn. Thế nhưng cho đến nay sản phẩm chè Suối Giàng đã không còn chất lượng như xưa, vì lợi nhuận trước mắt mà người ta lấy thương hiệu Suối Giàng sản xuất vô tội vạ.

Bà VũThị Lưu - Trưởng phòng Trồng trọt Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bức xúc nói: “Cả vùng chè Suối Giàng có chưa đầy 340 ha chè, sản lượng thu hái đạt trên 500 tấn búp tươi/năm, với số chè này đưa vào chế biến được trên dưới 100 tấn chè khô, thế nhưng đi đến đâu cũng thấy người ta giới thiệu và bán sản phẩm mang thương hiệu chè Suối Giàng”. Chè Suối Giàng được bày bán từ các vùng thôn quê đến các thành phố của Yên Bái rồi Phú Thọ, Lào Cai, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng có, vậy chè ở đâu mà lắm thế?

Ông Nguyễn Phúc Nhân ở phường Minh Tân - thành phố Yên Bái nghiện trà đến mức “không ăn cũng được chứ không chè là không làm được việc gì” tâm sự: “Trước đây uống trà Suối Giàng thật sảng khoái, nước pha ra rất đẹp, uống vào vị đượm, hương thơm nhưng giờ không hiểu người ta chế biến thế nào mà nước pha ra màu đỏ, uống không có hương vị gì nữa.

Đã đến lúc các ngành chức năng không thể nương tay với những doanh nghiệp, cá nhân mượn danh thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng để sản xuất, kinh doanh bất chính. Việc đầu tiên là phải đăng ký và xây dựng thương hiệu chè Suối Giàng, Công ty cổ phần chè Văn Hưng đang sản xuất, kinh doanh và sở hữu thương hiệu chè Suối Giàng nhưng nếu Công ty không thực hiện và đảm bảo theo theo các tiêu chí: vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn, đăng ký thương hiệu, xuất xứ hàng hóa... thì phải thu hồi giao cho tổ chức, cá nhân khác sản xuất, kinh doanh. Chúng ta không thể để mất thương hiệu chè Suối Giàng nói riêng và chè Yên Bái nói chung chỉ vì doanh nghiệp, cá nhân làm ăn không chân chính, chạy theo lợi nhuận. Theo đó cũng phải tổ chức lại từ khâu thu hái đến nâng cao chất lượng chế biến để tạo ra sản phẩm chè Suối Giàng chất lượng như xưa.

 Để làm được việc đó, ngành nông nghiệp, huyện Văn Chấn, xã Suối Giàng phải làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu hiện có và tiếp tục mở rộng bằng cách trồng dặm, trồng mới mở rộng diện tích. Thực hiện quy trình chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn VIET GAP, tiêu chuẩn IFOAM, tiêu chuẩn GLOBALGAP và HACCP... Lấy lại được thương hiệu, uy tín chè Suối Giàng là nhiệm vụ sống còn. Có như vậy mới hy vọng vực dậy được vùng chè!

Đưa nguyên liệu về nhà máy để chế biến chè xanh.

Cải tạo và áp dụng sản xuất chè theo Viet Gap

Thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng lấy lại được chất lượng, uy tín trên thị trường cũng đồng nghĩa với việc quảng bá thương hiệu chè Yên Bái tới người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Song song với đó là chúng ta tiếp tục trồng cải tạo, thay thế giống chè già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội chất lượng tốt đáp ứng cho chế biến.

Thời gian qua, tỉnh Yên Bái cũng đã làm nhưng bởi tiến độ cải tạo quá chậm, bình quân mỗi năm chỉ được trên dưới 500 ha, như vậy chúng ta phải mất hơn 20 năm mới cải tạo xong, không chỉ có vậy mà diện tích lại không tập trung dẫn tới không phát huy hiệu quả. Như vậy, đến khi cải tạo xong diện tích thì cũng đến lúc chúng ta phải trồng cải tạo lại diện tích đã cải tạo ban đầu!

Khi nói về vấn đề này, ông Lại Thế Hùng - Giám đốc Dự án QSEAT cho biết: “Trồng cải tạo giống chè là một chủ trương đúng, nhưng để phát huy hiệu quả phải có sự đầu tư đồng bộ, đưa các giống mới vào trồng chúng ta cũng phải đầu tư cơ sở chế biến đi theo. Đầu tư cho 1 ha chè lai, chè nhập nội phải mất 55-60 triệu đồng và phải mất 4 năm kiến thiết cơ bản, thế nhưng khi thu hoạch bà con vẫn bán cho nhà máy chế biến chè đen, mà đã bán như vậy thì làm sao có giá cao, làm sao phát huy hiệu quả được”.

Quả vậy! Giá bán không cao, người dân không mấy mặn mà với chương trình cải tạo giống chè là lẽ đương nhiên. Để gỡ bí và nâng cao giá trị, trong thời gian gần đây các hộ gia đình đã bung ra một loạt các cơ sở chế biến chè xanh thủ công và giá bán khá cao nhưng chắc chắn không thể bền vững và lâu dài được, thậm chí còn rất dễ rơi vào vết “xe đổ” của “chè bom” những năm trước đây. Do vậy, chúng ta cần khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền máy móc, công nghệ chế biến chè xanh chất lượng cao để tiêu thụ cho nông dân và nâng cao chất lượng cũng như giá trị sản phẩm chè. Trong trồng và cải tạo chúng ta nên triển khai tập trung với diện tích lớn, chứ không nên làm nhỏ lẻ như thời gian vừa qua.

 Một trong những giải pháp quan trọng là các doanh nghiệp phải thay đổi cơ cấu sản phẩm phù hợp và linh hoạt với thị trường, giảm sản phẩm chè đen xuống còn 50-60%, nâng tỷ lệ chè xanh nội tiêu và xuất khẩu lên 40-50%. Quy hoạch và phát triển bằng được vùng sản xuất chuyên canh chè năng suất, chất lượng tốt bằng việc áp dụng sản xuất chè theo tiêu chuẩn Viet Gap. Hiện chúng ta đang tiến hành thực hiện tại Công ty cổ phần chè Văn Hưng, Công ty cổ phần chè Liên Sơn, Công ty cổ phần chè Nghĩa Lộ và một số nhóm hộ trên diện tích 2 ngàn ha.

Sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap là nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây cũng là công cụ để quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị sản phẩm và truy nguyên nguồn gốc sản phẩm, đó cũng là “giấy thông hành” cho sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, để thực hiện được cần có sự vào cuộc tích cực của các cơ quan quản lý Nhà nước, người sản xuất và doanh nghiệp. Nông dân tham gia sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap thì doanh nghiệp cũng phải sản xuất theo Viet Gap thì mới đồng bộ và nâng cao giá trị sản phẩm chè Yên Bái.

T.P

Các tin khác

Giá vàng trong nước cuối giờ chiều 26/10 đã bất ngờ lao xuống dưới mốc 45 triệu đồng/lượng, khi giảm đến gần 300 nghìn đồng/lượng so với giá đầu giờ sáng.

Nông dân thị xã Nghĩa Lộ trồng ngô đông.

YBĐT - Với những giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực quyết tâm cao của các cấp, các ngành, các địa phương và bà con nông dân trong tỉnh, hy vọng vụ đông sẽ thắng lợi trên cả 4 mặt: diện tích, năng suất, chất lượng, sản lượng, góp phần hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch sản xuất năm 2011.

Nhân dân xã Yên Bình đang khẩn trương thu hoạch nốt diện tích lúa mùa còn lại.

YBĐT - Theo kế hoạch, vụ đông năm 2011, xã Yên Bình (huyện Yên Bình) sẽ trồng 55 ha ngô trên chân ruộng 2 vụ, 5 ha ngô soi bãi, 20 ha khoai lang và 15 ha rau, đậu, đỗ các loại.

Vàng thế giới hôm qua tăng mạnh hơn 50USD một phiên.

Giá vàng trong nước sáng nay (26-10) bật tăng mạnh hơn một triệu đồng mỗi lượng, sau khi vàng thế giới đêm qua phục hồi hơn 50 USD trong một phiên.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục