Thành phố Yên Bái: Tăng cường quản lý giết mổ gia súc, gia cầm
- Cập nhật: Thứ tư, 23/11/2011 | 9:05:38 AM
YBĐT - Hiện nay, tình trạng dịch bệnh trên gia súc, gia cầm đang có những diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương trong cả nước. Đặc biệt, những tháng cuối năm và trước tết Nguyên đán, tình hình vận chuyển và giết mổ trái phép gia súc, gia cầm diễn ra rất phức tạp.
Trang trại chăn nuôi lợn thịt của gia đình anh Vũ Thanh Hà, thôn Long Thành, xã Tuy Lộc (thành phố Yên Bái).
|
Với phương châm “Tăng cường giám sát, chủ động phòng ngừa, phát hiện dập tắt kịp thời”, Trạm Thú y thành phố Yên Bái đã triển khai kế hoạch, thường xuyên tiêm phòng đến các xã phường trên địa bàn. Trong 10 tháng đầu năm 2011, Trạm đã tiêm phòng 18.931 liều lở mồm long móng, 7.500 liều tụ huyết trùng, 6.500 liều vắc xin phòng dịch tả cho lợn, 5.966 liều phòng dại cho chó và tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển.
Từ đầu năm đến nay, Trạm đã kiểm dịch vận chuyển 10.818 con gia súc và 6.950 con gia cầm; kiểm soát giết mổ 24.437 con gia súc và 57.595 con gia cầm; kiểm tra vệ sinh thú y 21 điểm giết mổ và 93 bàn, quầy kinh doanh thịt gia súc gia cầm gắn với đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để từng bước nâng cao ý thức và nhận thức của người dân trong phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi.
Tuy nhiên, công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển trên địa bàn thành phố vẫn gặp không ít khó khăn. Hiện thành phố có 7 chợ phường và 5 chợ xã với hàng chục hộ kinh doanh thịt gia súc, gia cầm. Ngoài ra còn có 40 - 50 hộ đến từ các xã: Hậu Bổng, Minh Quân, Bảo Hưng, Liên Phương của huyện Trấn Yên và huyện Hạ Hòa (Phú Thọ) chuyên bán rong các sản phẩm thịt lợn hàng ngày. Theo bà Lê Thị Phúc, Trạm trưởng Trạm Thú y thành phố, đây là địa bàn tiêu thụ thực phẩm lớn nhất trong tỉnh nên khi chưa công bố dịch thì không thể cấm các trường hợp bán rong vào thành phố nên tình trạng này vẫn diễn ra hàng ngày.
Trạm cũng đã bố trí các chốt chặn từ 3- 5 người làm công tác kiểm dịch vận chuyển tại các khu vực cửa ngõ vào thành phố như tuyến quốc lộ trên địa bàn xã Phúc Lộc, cầu Văn Phú, cầu Yên Bái. Song song với đó, Trạm còn tổ chức các đợt tiêm phòng định kỳ cho gia súc cộng với tăng cường khử trùng tiêu độc, kiểm dịch động vật và kiểm soát giết mổ.
Trước sự việc tại một số chợ trên địa bàn thành phố xuất hiện các hộ bán các sản phẩm gia cầm đông lạnh, bà Phúc cũng cho biết thêm: “Hiện thành phố chỉ có hai cơ sở nhập gà đông lạnh về kinh doanh là cơ sở Bình Dung tại phường Yên Ninh và cơ sở Ngọc Mai ở phường Hồng Hà. Cả hai cơ sở này đều có đầy đủ giấy tờ xác nhận nguồn gốc sản phẩm, hàng ngày Trạm vẫn cử người kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch”.
Thực tế hiện nay công tác kiểm soát, giết mổ gia súc, gia cầm vẫn đang kiểm tra chủ yếu ở các bàn, quầy tại các chợ khi mà gia súc, gia cầm đã được giết mổ xong mới đưa về chợ. Cán bộ thú y lại chỉ kiểm tra bằng cảm quan nên sản phẩm đó có an toàn dịch bệnh hay không thì cũng rất khó phát hiện.
Theo quy trình kiểm soát giết mổ thì phải kiểm tra lâm sàng rồi mới đến công đoạn giết mổ và khám thịt rồi mới đến lăn dấu. Tuy nhiên ở mỗi phường lại có 5 -7 cơ sở giết mổ nhỏ lẻ trong khi lực lượng cán bộ thú y mỏng nên việc kiểm soát giết mổ vẫn chưa đảm bảo theo đúng quy trình. Để giải quyết tình trạng này thì nhu cầu có lò giết mổ tập trung ở thành phố là thiết yếu.
Thành phố cũng đã có cơ chế hỗ trợ về mặt bằng cũng như vốn đầu tư cho các tổ chức, cá nhân xây dựng các lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Song, do vốn đầu tư lớn, lợi nhuận lại thấp cộng với những nguyên nhân khách quan khác nên đến nay vẫn chưa có tổ chức hay cá nhân nào đứng ra lập dự án xây dựng.
Trong những tháng cuối năm này, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm trên địa bàn tăng cao, việc vận chuyển gia súc, gia cầm cũng tăng mạnh dẫn đến nguy cơ tái phát dịch bệnh và khó kiểm soát là không tránh khỏi. Chính vì vậy, công tác phòng chống dịch bệnh đòi hỏi phải có sự kiểm tra chặt chẽ từ các cơ sở giết mổ đến nơi tiêu thụ. Thành phố cũng xây dựng các giải pháp chủ động phòng chống, ngăn chặn không để dịch bệnh xảy ra. Theo đó, người chăn nuôi không nên bán gia súc, gia cầm chưa đến tuổi giết thịt hoặc khi có dịch. Giống mua phải có nguồn gốc rõ ràng.
Bên cạnh đó, Trạm Thú y cũng tăng cường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra việc buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm tại các chợ; đẩy mạnh công tác kiểm soát giết mổ, kiểm dịch vận chuyển buôn bán động vật và sản phẩm động vật; tổ chức tiêm phòng và phun thuốc tiêu độc khử trùng tại các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm ở 17 xã, phường; đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo các cơ sở giết mổ vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phun tiêu độc khử trùng khu vực giết mổ sau mỗi lần giết mổ.
Đối với các chợ buôn bán, cơ sở kinh doanh động vật và sản phẩm động vật cần vệ sinh, phun thuốc khử trùng toàn bộ khu vực bán động vật và sản phẩm động vật, phương tiện vận chuyển động vật. Có như vậy mới hạn chế được nguy cơ lây lan dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Chỉ còn hơn một tháng nữa sẽ kết thúc năm 2011, trong nỗ lực chung của ngành thuế, những cán bộ thuế của Chi cục Thuế huyện Lục Yên (Yên Bái) đã vượt qua khó khăn, phấn đấu hoàn thành kế hoạch thu 27,5 tỷ đồng trong thời gian sớm nhất.
YBĐT - Huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) hiện có 756,2 ha chè, trong đó, diện tích chè cho thu hoạch 385,2 ha, sản lượng chè búp tươi 10 tháng đầu năm ước đạt trên 40.000 tấn, giảm 15% so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là Việt Nam trở thành nước có thu nhập trung bình, nên chính sách đầu tư của các nước, các tổ chức quốc tế vào Việt Nam cũng thay đổi.
YBĐT - Vụ mùa 2011, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái đã đưa vào trồng thử nghiệm 10 sào lúa lai 3 dòng LS1 tại xã Y Can (Trấn Yên).