Lục Yên: Chủ động phòng chống đói, rét cho gia súc

  • Cập nhật: Thứ hai, 28/11/2011 | 2:52:06 PM

YBĐT - Trải qua nhiều đợt rét đậm, rét hại từ cuối năm 2010 đến nay, huyện Lục Yên (Yên Bái) có tới 773 con trâu, bò, dê bị chết, thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng.

Cán bộ khuyến nông huyện Lục Yên hướng dẫn kỹ thuật làm cây rơm cho các hộ dân.
Cán bộ khuyến nông huyện Lục Yên hướng dẫn kỹ thuật làm cây rơm cho các hộ dân.

Để chủ động chống rét cho đàn gia súc, ngay từ đầu mùa đông năm nay, huyện Lục Yên đã triển khai các phương án phòng chống rét cho đàn gia súc, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại về kinh tế cho người chăn nuôi.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp của tình hình thời tiết, nền nhiệt độ luôn thay đổi bất thường, nhất là khi có mưa gió đi kèm có thể gây nên những thiệt hại nặng nề, nên việc sớm triển khai các giải pháp chống rét cho đàn gia súc là vấn đề cấp thiết. Theo ông Hoàng Văn Số -Trưởng phòng Nông nghiệp huyện, qua hai đợt rét đậm, rét hại cuối năm 2010 và đầu năm nay có thể thấy nhiều người dân vẫn còn chủ quan trong việc phòng chống đói rét cho vật nuôi. Họ vẫn giữ thói quen thả rông, không làm chuồng trại nuôi nhốt. Bên cạnh đó, công tác dự trữ thức ăn cho gia súc vào mùa đông chưa phổ biến.

Trên cơ sở rút kinh nghiệm từ những năm trước, huyện đã ban hành chỉ thị, chỉ đạo các phòng chuyên môn phối hợp với xã, thị trấn hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các giải pháp phòng chống đói, rét cho gia súc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động dự trữ cỏ, rơm, lá ngô làm thức ăn và tận dụng chăn, vải, bạt cũ ủ ấm cho gia súc trong những ngày đông giá rét.

Chúng tôi đến thôn 1, xã Minh Xuân giữa lúc người dân vừa thu hoạch xong lúa mùa, rơm rạ đã được phơi khô ráo chất thành những cây rơm lớn, nhiều người cẩn thận hơn còn quận thành bó rồi cho vào những chiếc lều gỗ chắc chắn. Vừa đưa tay phủ tấm lá cọ lên cây rơm, anh Hoàng Tiến Khoái vừa cho biết: “Năm ngoái, nhà mình có 2 con trâu bị chết rét, thiệt hại hàng chục triệu đồng. Vì thế năm nay, toàn bộ rơm rạ của 5 sào ruộng mình đều phơi cẩn thận rồi chất thành cây rơm.

Bên cạnh đó, gia đình còn phải trồng thêm cỏ để làm thức ăn cho 5 con trâu trong những ngày giá rét”. Theo trưởng thôn Nguyễn Quang Thưởng, toàn thôn có gần 400 con trâu, bò, dê thì 100% đều làm chuồng trại. Đến này đã có 70/90 hộ làm cây rơm dự trữ thức ăn cho vật nuôi. Ông Số cho biết: “Để giúp người dân nâng cao ý thức dự trữ thức ăn cho vật nuôi trong mùa đông, năm nay huyện đã trích ngân sách làm 1.300 mô hình cây rơm tại các địa phương. Mỗi hộ tham gia sẽ được hỗ trợ 150 nghìn đồng/cây rơm và được cán bộ khuyến nông xuống tận nơi hướng dẫn kỹ thuật”.

Song song với công tác dự trữ thức ăn, các phòng chuyên môn cũng tăng cường cán bộ xuống cơ sở trực tiếp hướng dẫn người dân cách làm chuồng trại, quây bạt chắn gió cho gia súc. Tuyên truyền cho người dân không thả rông gia súc khi nhiệt độ xuống thấp và luôn giữ nền chuồng khô ráo, sạch sẽ để phòng, chống các bệnh cho gia súc trong mùa đông. Trạm Thú y huyện chủ động tiêm phòng các bệnh truyền nhiễm, đề phòng dịch lở mồm long móng trên đàn đại gia súc. Các cơ quan, đơn vị chức năng hướng dẫn, kiểm tra, giám sát tình hình phòng chống đói, rét cho đàn gia súc trên địa bàn huyện.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, tại nhiều địa phương công tác phòng chống đói rét cho gia súc vẫn còn nhiều tồn tại do tập quán sản xuất lạc hậu của người dân nơi đây, nhất là ở các xã vùng cao như xã Tân Phượng có gần 900 con trâu, bò, tuy nhiên chỉ có 30% được nuôi nhốt tại chuồng, còn lại vẫn là thả rông trên đồi. Chính điều này đã khiến địa phương này có số gia súc bị chết rét nhiều nhất trong thời gian qua. Bên cạnh đó, do số lượng gia súc nhiều nên lượng rơm rạ dữ trữ không thể đủ, trong khi các loại có lại mọc rất chậm vào mùa đông.

Sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền cùng với các giải pháp phòng chống đói, rét cho đàn gia súc là hết sức cần thiết để bảo vệ đàn gia súc. Tuy nhiên, mỗi người dân cũng cần phải nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm trong việc làm chuồng trại, dữ trữ thức ăn, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn vật nuôi của mình, có như vậy mới hạn chế được thiệt hại do thiên tai gây ra.

Hùng Cường

Các tin khác
Vườn bưởi của gia đình ông Lưu Đức Dũng năm nay cho thu nhập 65 triệu đồng.

YBĐT - Sau nhiều cố gắng nỗ lực của các nhà khoa học và bà con nông dân, bưởi Đại Minh (xã Đại Minh, huyện Yên Bình) đã cho những mùa quả bội thu và mang lại thu nhập cao cho nhiều hộ gia đình. Nhưng, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, hiện nay bưởi Đại Minh rất cần có sự đầu tư xây dựng thương hiệu để giải quyết bài toán đầu ra cho sản phẩm.

Tại thị trấn Yên Bình hiện nay cũng đã có nhiều trung tâm bán hàng tự chọn phục vụ người dân.

YBĐT - Cùng với thu hút đầu tư vào các lĩnh vực huyện Yên Bình xác định sẽ hình thành, đẩy mạnh hoạt động thương mại và dịch vụ tại 2 thị trấn Yên Bình, Thác Bà. >>Yên Bình nâng cao nhận thức trong xúc tiến đầu tư

Doanh nghiệp xăng dầu đầu mối sẽ tăng mức trích Quỹ bình ổn giá với mặt hàng xăng thêm 250 đồng/lít ở nhiệt độ thực tế (từ 300 đồng/lít lên 550 đồng/lít) từ 11h trưa nay (28/11).

Đầu tuần, giá vàng tăng mạnh.

Giá vàng thế giới đang lên mạnh giúp cho giá kim loại quý trong nước tăng vọt vào sáng đầu tuần (28/11), tái vượt ngưỡng 45 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá giữa hai thị trường vẫn lớn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục