Bên dòng nước mát

  • Cập nhật: Thứ ba, 20/12/2011 | 2:59:38 PM

YBĐT - Đi như dò dẫm từng bước một rồi cũng qua đỉnh đèo Khau Phạ bởi màn sương đặc quánh bao quanh sườn núi. Băng qua rừng thông cổ thụ trên con đường bê tông ngoằn nghèo uốn lượn mãi lên cao để đến Nậm Khắt.

Một góc xã Nậm Khắt.
Một góc xã Nậm Khắt.

Theo tiếng đồng bào thì Nậm Khắt có nghĩa là “dòng nước mát”. Đây là nơi quần tụ của 4.343 khẩu người Mông sống dưới 739 mái nhà.

Nói đến Nậm Khắt (Mù Cang Chải) là nói đến một mảnh đất tương đối bằng phẳng trên độ cao gần 1.000 mét với đất  rộng tới hơn 300 ha. Cũng vì địa thế đẹp như vậy mà ngay từ những năm 40 của thế kỷ trước, thực dân Pháp đã cho quân nhảy dù xuống Nậm Khắt để xây dựng sân bay và làm căn cứ quân sự nhằm án ngữ một vùng rộng lớn của Tây Bắc.

Ở Nậm Khắt, táo mèo (tiếng Mông gọi là tu zi) nhiều vô kể. Trên đường đi, trong vườn nhà, nhất là trên rừng, chỗ nào cũng xanh um táo mèo. Ngay tại sân trụ sở xã, một cây táo mèo thân to người ôm không xuể. Mấy năm gần đây, nhận thức được giá trị kinh tế của loài cây này, với sự hỗ trợ của Nhà nước, người Mông ở Nậm Khắt đã nhân giống tu zi rồi trồng trên đồi núi nên diện tích và sản lượng quả đặc sản này ngày càng tăng. Nậm Khắt xứng đáng với tên gọi “xứ sở của táo mèo”.

Nhờ sự đầu tư hàng trăm tỷ đồng của Nhà nước thông qua các chương trình dự án, giờ đây bộ mặt của Nậm Khắt từ lạc hậu, đói nghèo nay đã đổi thay. Đường từ Đội I (Đội lâm sinh số I Lâm trường Púng Luông) vào trung tâm xã đã được bê tông hóa, con đường lớn nối từ ngã ba Kim về Nậm Khắt rồi đi Sơn La vẫn đang tiếp tục thi công. Đầu năm 2010, điện lưới quốc gia đã tỏa sáng 7/9 thôn, bản; hệ thống trường học, trạm y tế, trụ sở chính quyền… đều được xây dựng khang trang, to đẹp.

Sẽ là khiếm khuyết nếu nói về Nậm Khắt mà không nhắc đến những con người tôi đã gặp nơi đây, từ chị Su, chị Mỷ, cô Pàng cặm cụi may vá bên hiên nhà, đến anh Chang Thế Sửu - Chủ tịch UBND xã cởi mở và nhanh nhẹn, mới được cấp trên luân chuyển từ Dế Xu Phình sang mà nắm khá đầy đủ và tường tận tình hình kinh tế - xã hội của xã.

Thăm những khu rừng nguyên sinh ở Nậm Khắt gặp cán bộ kiểm lâm Nguyễn Thành Vinh cùng đội bảo vệ đi kiểm tra rừng và nhắc nhở bà con tích cực phòng chống cháy rừng mùa khô 2011 - 2012. Trò chuyện với cán bộ kiểm lâm thấy được niềm vui, niềm tự hào của anh khi nói đến ý thức bảo vệ 5.650 ha rừng của người dân Nậm Khắt; tình trạng chặt phá rừng không xảy ra, nhiều năm liền rừng Nậm Khắt không bị cháy.

Quay về điểm giao dịch Nậm Khắt của Ngân hàng Chính sách xã hội lại gặp tổ cán bộ tín dụng đi giao dịch ở xã vừa chăm chú ghi chép, đánh máy vi tính vừa trò chuyện với dân bản, những câu hỏi ân cần như: “Hôm nay đến vay vốn thì hôm nào nhà mình làm xong nhà”, “Đợt này nhà mình mua con trâu có to không? Trâu mua về phải chăm sóc cẩn thận, không để đói rét trong vụ đông xuân này nhé!”. Rất nhiều anh chị người Mông đến vay vốn mà dùng ngón tay điểm chỉ vào sổ sách, dù nhiều người trong số ấy đã biết chữ quốc ngữ. Thào Tung Chua, người bản Phua Khắt lăn đầu ngón tay trỏ dính đầy mực dấu vào sổ vay vốn rồi quay ra giải thích: “Điểm chỉ chắc chắn hơn dùng bút ký nên bà con thích điểm chỉ hơn”.

Ngay phía bên trụ sở xã là ngôi nhà khang trang, to đẹp của Trạm Y tế xã. Y sỹ Phạm Văn Hải ân cần căn dặn bệnh nhân Hờ A Lử uống thuốc đúng theo đơn và nhớ  phải giữ  gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe trong mùa đông; ốm, đau phải ra trạm xá , tuyệt đối không để người bệnh ở nhà rồi mời thầy mo, thầy cúng đến làm lễ. Ở Nậm Khắt, hình ảnh xúc động nhất là những thầy cô giáo sau giờ dạy học thay phiên nhau xuống bếp nấu ăn cho học sinh bán trú. Theo các thầy cô thì đây là một trong những biện pháp để nhà trường duy trì sỹ số, nâng cao chất lượng giáo dục.

Rất, rất nhiều những hình ảnh thương mến, vui tươi ở Nậm Khắt chúng tôi ghi nhận được mà không thể kể hết ra đây. Đó chính là nhờ sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước dành cho đồng bào Mông nơi đây; là sự nỗ lực khắc phục khó khăn, hết lòng vì công việc của đội ngũ cán bộ, đảng viên được cử về xã, được phân công về cắm bản chăm lo và giúp đỡ đồng bào. Năm nay rét muộn, 9 giờ sáng nắng đã lên, sương tan, trời ấm. Thoáng đã thấy trong vườn nhà ai lấp ló nụ đào hồng, cành hoa mận trắng.                          

Lê Phiên

Các tin khác
Các cơ sở kéo sợi tơ tằm ở Trấn Yên cho thu nhập kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động,

YBĐT - Với gần 3 tỷ đồng thu về từ tiền bán kém tằm trong năm 2011, cây dâu, con tằm đang ngày càng khẳng định hiệu quả kinh tế cao trên đồng đất Tân Đồng, trở thành cây trồng chủ lực trong chiến lược phát triển kinh tế của địa phương và hướng thoát nghèo cho không ít nông dân nơi đây.

Quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, đến năm 2020 cả nước sẽ có 13 cảng cạn.

YBĐT - Cục Thuế tỉnh Yên Bái đã tổ chức Hội nghị tập huấn 2 luật thuế mới là Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và Luật Thuế bảo vệ môi trường cho gần 150 công chức.

Đồng chí Đỗ Văn Chiến - Bí thư Tỉnh ủy và lãnh đạo huyện Văn Yên kiểm tra hoạt động chế biến sản phẩm quế tại khu công nghiệp phía Tây cầu Mậu A.

YBĐT - Năm 2010 - 2011, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã có nhiều chủ trương giải pháp đẩy mạnh phát triển CN-TTCN. Các hoạt động sản xuất CN-TTCN, thương mại - dịch vụ trên địa bàn huyện Văn Yên có sự chuyển biến tích cực, tăng cả về số lượng và chất lượng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục