Cây măng tre Điền Trúc ở Yên Bái

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/1/2012 | 9:30:08 AM

Từ sự tình cờ, “Điền Trúc” xuất hiện trên đất Thượng Bằng La (Văn Chấn), trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng gốc rễ của loại tre măng này vẫn bám trụ vững vàng trên những dải núi Tè, núi Hán “anh hùng”. Sắc xanh của chúng lan tỏa từ bờ ao, vườn cây rồi hòa vào bạt ngàn những thảm rừng 661 dưới chân đèo Lũng Lô…

Ông hương giới thiệu về giống tre măng Điền Trúc.
Ông hương giới thiệu về giống tre măng Điền Trúc.

“Hữu duyên… tương ngộ”

Trung tuần tháng 4-5/2008, từ thôn Mỏ, thôn Dạ đến thôn Hán, thôn Thắm… trở nên náo nức, đông vui như ngày hội. Từng đoàn xe 4 dàn bánh rầm rộ tiến vào Thượng Bằng La. Trên thùng những chiếc xe trọng tải lớn này là hàng trăm nghìn cây giống tre Điền Trúc có nguồn gốc tận bên Đài Loan-Trung Quốc. Với tổng đầu tư lên tới 24 tỷ đồng, Dự án măng Điền Trúc sẽ trồng thí điểm 2.000ha tại xã Thượng Bằng La, trong đó có kèm theo xây dựng các hạng mục như cầu, cống và đường giao thông.

Mặc dù xuất hiện rầm rộ như vậy nhưng ít ai biết rằng Điền Trúc có mặt trên Thượng Bằng La lại là một sự tình cờ thú vị. Lão điền Hoàng Hữu Hương, thôn Dạ, với mái tóc hoa râm say sưa kể lại cái duyên giữa đất - người và măng Điền Trúc.

Điền Trúc là loại măng tre có giá trị rất cao trong thị trường xuất khẩu sang các nước Đông Âu và Tây Âu... Ngoài việc mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân, cây tre được trồng ở vùng đầu nguồn, đất dốc để bảo vệ đất, chống xói mòn, chắn gió, hạn chế dòng chảy, hạn chế tác hại của lũ quét, cải thiện môi trường, góp phần phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Thân cây tre khoảng từ 3 đến 5 tuổi còn dùng làm nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến giấy, vật liệu xây dựng, mỹ nghệ, ván ép, tăm tre, đũa…

Chuyện là có vị giám đốc của một doanh nghiệp chuyên về nông-lâm nghiệp trong một lần lên thăm người quen tại mảnh đất dưới chân đèo Lũng Lô đã rất ấn tượng với những cây tre, cây luồng và khí hậu, đất trời nơi đây. Vị này đã chủ động đặt vấn đề với các cấp chính quyền từ xã, huyện rồi tỉnh về việc đưa một giống tre lá to, dài có gốc tích tận Đài Loan về trồng lấy măng.

Sau khi được phê duyệt, Dự án được triển khai ngay với quy mô khá lớn. Hàng trăm nghìn cây giống được vận chuyển đến từng ngõ ngách của 10 thôn, bản. Nhiều diện tích lúa được thu hoạch sớm để lấy chỗ cho việc xây dựng vườn ươm.

Ông Hoàng Duy Hiền, thôn Mỏ, từng đảm nhiệm vị trí quản lý điều hành cho Dự án nhớ lại: “Toàn xã thành lập tới 17 tổ sản xuất măng Điền Trúc, mỗi tổ trung bình từ 10-20 thành viên, đảm nhiệm các nhiệm vụ từ ươm cây, gieo trồng đến chăm sóc. Cây giống được công ty cho xe vận chuyển đến tận chân đồi, ngoài ra, tại những nơi không có đường giao thông còn được hỗ trợ thêm một con ngựa để vận chuyển cây giống”.

Như vậy là không qua một kênh dự án, một sự kêu gọi đầu tư nào mà Điền Trúc -giống tre măng có nguồn gốc tận bên Đài Loan lại bỗng nhiên xuất hiện trên đất Thượng Bằng La. Và cũng chẳng cần phải có thời gian để làm quen, Điền Trúc đã nhanh chóng nhận được “cảm tình” của người dân. Không khí nhà nhà trồng măng, người người trồng măng thời điểm đó là minh chứng rõ nhất cho mối lương duyên này.

Trồng một lần thu lời cả trăm năm!

Dự án đang triển khai rầm rộ thì đến đầu năm 2009, do chưa thống nhất về các điều khoản sử dụng đất với UBND tỉnh, doanh nghiệp tạm dừng dự án, khi đó toàn xã Thượng Bằng La đã trồng được trên 1.000ha. Lo sợ trước sự thất bại của dự án, hàng trăm ha măng bị người dân phá bỏ để trồng các loại cây lâm nghiệp khác như: keo, mỡ, bạch đàn..., hàng loạt tổ trồng măng cũng tự giải thể, Điền Trúc đứng trước nguy cơ bị xóa sổ hoàn toàn.

Câu chuyện về một giống tre lạ, lá to, dài cũng dần không được nhiều người nhắc đến. Mọi chuyện có lẽ cũng đã đi vào dĩ vãng nếu như giữa năm 2011 măng Điền Trúc không cho thu hoạch và lợi nhuận kinh tế cao như vậy. Mùa măng đến, thương lái từ khắp nơi đổ xô về mua măng, trong đó có cả những doanh nghiệp chuyên về sản xuất kinh doanh măng như: Vạn Đạt, Văn Như Ý… Măng lớn, củ to, bán được giá, chuyện nhiều gia đình thu hàng chục đến hàng trăm triệu đồng từ măng Điền Trúc không còn là chuyện lạ.

Nhớ lại những gốc Điền trúc chi chít măng, ông Hiền trầm trồ: “Loại này măng to lắm, có những cây đường kính lên tới 20cm ấy chứ. Mỗi gốc trung bình có tới hàng chục cây măng, thế nên vụ vừa rồi nhà tôi chỉ có 160 gốc nhưng thu được hàng tấn măng, bán với giá thị trường cũng bỏ túi được chục triệu đồng”.

Nhưng để nói về quy mô và hiệu quả giá trị kinh tế của loại măng này phải kể đến tổ hợp tác trồng măng Điền Trúc tại thôn Dạ - một trong hai tổ sản xuất “hiếm hoi” còn sót lại. Với diện tích hơn 20ha, tổ sản xuất này bán ra thị trường trên 30 tấn măng, thu về hơn 100 triệu đồng.

Nhớ lại quãng thời gian đến từng nhà vận động các thành viên duy trì sản xuất, rồi những ngày mưa gió, rét căm căm cùng nhau kéo điện, dựng lều trên rừng Điền Trúc, ông Hương, thành viên tổ hợp tác trồng măng điền trúc tại thôn Dạ vẫn tự hỏi: “Sao ngày đó mình lại tâm huyết với cây măng này đến thế?”.

Dẫn tôi đi xem từng khóm Điền Trúc trong vườn, ông Hương say sưa nói về giống măng này: “Đây là loại cây trồng một lần nhưng cho lợi nhuận cả trăm năm”. Rồi như để chứng minh cho nhận định này, ông nhẩm tính: Tôi cứ tính rẻ cho chu kỳ của Điền Trúc là 50 năm. Chỉ mất hơn 2 năm để cây sinh trưởng phát triển, còn lại hàng năm đều cho thu hoạch. Trong khi đó chu kỳ của các loại cây lâm nghiệp khác như keo, bồ đề, bạch đàn… thường là 7 năm.

Như vậy, 1 chu kỳ so với 7 chu kỳ trong vòng 50 năm, rõ ràng loại tre măng này có khả năng phủ xanh đất trống đồi trọc, chống xói mòn hơn nhiều so với các loại cây khác. Đó là chưa kể đến với bộ rễ chùm, chúng có khả năng giữ nước rất tốt”.

Theo Chủ tịch UBND xã Hà Đình Giang, diện tích măng cho thu hoạch trên địa bàn hiện không còn nhiều, chỉ khoảng hơn 400ha. Tuy nhiên từ hiệu quả thực tế mà loại tre măng này mang lại đã tho thấy nó rất thích hợp với mảnh đất Thượng Bằng La. Mặc dù mới là năm đầu tiên cho thu hoạch nhưng măng Điền Trúc đã cho sản lượng và hiệu quả kinh tế khá lớn, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Cái “duyên” đã đưa măng Điền Trúc đến với đất và người Thượng Bằng La anh hùng, để rồi qua nhiều sóng gió thăng trầm loại măng này đã vươn lên bám trụ mạnh mẽ. Rời những dãy núi Tè, núi Hán dưới chân đèo Lũng Lô, tôi cảm nhận được hơi thở của mùa xuân đang “lấp ló” đâu đó dưới những rừng tre trúc rì rào. Tin tưởng rằng, Điền Trúc sẽ góp phần làm cho đời sống của bà con nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc hơn.

Hùng Cường

Các tin khác
3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào hệ thống các khu công nghiệp quốc gia. (Ảnh minh họa)

YBĐT - 365 ngày của năm 2011 đã qua đi. Lại thêm một năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng cả nước vượt qua bao khó khăn tạo nên những giá trị to lớn.

Tạo hình sản phẩm sứ cách điện ở Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

YBĐT - Ba lĩnh vực được xác định chủ đạo trong sản xuất công nghiệp Yên Bái là chế biến nông - lâm sản, khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng năm 2011 cũng đều gặp khó.

Sản phẩm ngô vụ đông ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ

YBĐT - Năm 2011 - năm đầy khó khăn đối với ngành nông nghiệp Yên Bái nhưng cũng là năm ghi nhận nhiều nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành và của hàng ngàn nông dân trong tỉnh đưa sản xuất nông nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng ổn định.

Ảnh minh họa

YBĐT - Năm 2011, khắc phục khó khăn, ngành đã nỗ lực tìm kiếm các nguồn lực để đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông - ông Đỗ Văn Dự - Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Yên Bái đã trao đổi với phóng viên YBĐT như thế khi năm cũ vừa kết thúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục