Xanh mùa rau giống

  • Cập nhật: Thứ ba, 3/1/2012 | 10:31:01 AM

YBĐT - Hiện, thôn Đồng Phú, thị trấn Yên Thế, huyện Lục Yên (Yên Bái) được biết đến là vựa rau giống xuất khẩu lớn nhất của huyện Lục Yên, hàng năm cung cấp đủ loại rau giống cho thị trường trong, ngoài huyện và sang cả các tỉnh bạn như Lào Cai, Hà Giang. Trung bình mỗi hộ dân Đồng Phú, nhà ít một vụ cũng thu 40 triệu đồng, nhà nhiều ngót trăm triệu.

Mỗi vụ, anh Thắng thu trên dưới 60 triệu đồng từ rau giống.
Mỗi vụ, anh Thắng thu trên dưới 60 triệu đồng từ rau giống.

Ông Nguyễn Thanh Sơn- Trưởng thôn Đồng Phú vui mừng chia sẻ: “Mấy năm gần đây, nhờ trồng rau giống mà đời sống của bà con trong thôn nâng lên rõ rệt. Từ chỗ chỉ có có vài ba hộ trồng đến nay đã thu hút được hàng chục hộ tham gia, nhiều hộ đã xây được nhà to trị giá hàng trăm triệu đồng”.

Thôn Đồng Phú có 101 hộ dân với gần 400 nhân khẩu, trên 60% trong đó làm nghề nông thuần túy. Trước đây, đời sống bà con trong thôn chủ yếu trông vào hai vụ lúa và cây ngô đông, tuy nhiên, các loại cây này chỉ đảm bảo một phần nhỏ đời sống hằng ngày, mang tính chất tự cung tự cấp chứ chưa trở thành hàng hóa. Khoảng 3, 4 năm trở lại đây, thay cho trồng ngô đông, nhiều hộ dân đã biết chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng bằng việc triển khai mô hình trồng rau giống xuất khẩu ngay trên những thửa ruộng mà vụ đông hàng năm thường trồng ngô nhưng năng suất thấp.

Một trong những gia đình đi tiên phong, vừa có uy tín với khách hàng vừa có thu nhập cao nhất, nhì thôn trong mô hình rau giống là hộ anh Cao Văn Thắng. Những năm trước, cả nhà anh chỉ có vài ba sào ruộng, cuộc sống khó khăn, vất vả. Sau khi đi học hỏi kinh nghiệm của bà con nông dân miền xuôi, anh mạnh dạn vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội, của anh em, họ hàng, đồng thời tích cực tham khảo tài liệu kỹ thuật. Để chăm sóc rau giống tốt nhất, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, anh chọn su hào, bắp cải làm hai giống chính áp dụng thử nghiệm.

Cứ kết thúc vụ lúa mùa, anh làm ngay đất trồng vụ đông, đáp ứng tốt yêu cầu đất tơi xốp, đồng thời chú trọng khâu phân bón, chủ yếu là phân hữu cơ hoai mục, phân chuồng kết hợp với tro trắng... Chu kỳ rau giống từ lúc bắt đầu gieo đến khi thu hoạch dao động từ 25 đến 28 ngày, sâu bệnh ít, chủ yếu là bệnh nấm nên việc chọn thuốc trừ bệnh khá đơn giản. Ngay trong vụ đầu tiên thử nghiệm, gia đình anh đã lãi hơn 10 triệu đồng, cao gấp 3 lần so với mọi năm trồng ngô.

Thấy hiệu quả cao, đến năm 2005, anh mạnh dạn mở rộng diện tích. Hiện tại, anh có ba sào rau giống vụ đông, trung bình mỗi vụ bán 4 lần trong vòng 3 tháng, trừ chi phí lãi trên dưới 60 triệu đồng. Anh Thắng chia sẻ: “ Là nông dân lam lũ, chúng tôi luôn cố gắng phát huy lợi thế từ mảnh đất của gia đình để nâng cao thu nhập. Cũng chính nhờ cây rau giống, gia đình tôi đã thoát nghèo”.

Thấy được hiệu quả từ mô hình của gia đình anh Cao Văn Thắng, nhiều hộ dân trong thôn cũng đã học hỏi, làm theo thông qua việc chuyển đổi từ cây ngô đông sang trồng giống rau bắp cải, su hào, súp lơ... Đến nay, toàn thôn có gần 2ha rau giống với trên dưới 20 hộ tham gia, nhà ít cũng có 1 sào, hộ nhiều tới 6 sào, trung bình mỗi vụ rau giống, bà con trong thôn thu trên dưới 500 triệu đồng.

Có mặt tại thôn vào những ngày chuẩn bị bước vào năm mới mới thấy không khí thật nhộn nhịp. Trên những cách đồng rau giống, người người tấp nập nhổ rau, xếp bó, đóng thùng. Những chiếc xe Minsk, xe thồ của các thương nhân đến từ Xuân Long (huyện Yên Bình), tỉnh Hà Giang, Lào Cai đang xếp những thùng rau giống xanh ngắt lên xe.

Nhờ rau giống mà những ngôi nhà mái cọ hai, ba gian trước kia của Đồng Phú  đã thay mới bằng những ngôi nhà xây hai tầng khang trang, những ngôi nhà sàn còn thơm mùi sơn dầu... Toàn thôn hiện chỉ còn 2 hộ nghèo, tỷ lệ gia đình có mức sống khá trở lên đạt gần 60%. Một tư duy mới trong làm ăn đã đâm chồi nảy nụ từ chính người nông dân một nắng hai sương.

Khắc Điệp    

Các tin khác
Ông hương giới thiệu về giống tre măng Điền Trúc.

Từ sự tình cờ, “Điền Trúc” xuất hiện trên đất Thượng Bằng La (Văn Chấn), trải qua nhiều biến cố thăng trầm nhưng gốc rễ của loại tre măng này vẫn bám trụ vững vàng trên những dải núi Tè, núi Hán “anh hùng”. Sắc xanh của chúng lan tỏa từ bờ ao, vườn cây rồi hòa vào bạt ngàn những thảm rừng 661 dưới chân đèo Lũng Lô…

3 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào hệ thống các khu công nghiệp quốc gia. (Ảnh minh họa)

YBĐT - 365 ngày của năm 2011 đã qua đi. Lại thêm một năm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Yên Bái cùng cả nước vượt qua bao khó khăn tạo nên những giá trị to lớn.

Tạo hình sản phẩm sứ cách điện ở Công ty cổ phần Sứ kỹ thuật Hoàng Liên Sơn.

YBĐT - Ba lĩnh vực được xác định chủ đạo trong sản xuất công nghiệp Yên Bái là chế biến nông - lâm sản, khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng năm 2011 cũng đều gặp khó.

Sản phẩm ngô vụ đông ở Mường Lò, thị xã Nghĩa Lộ

YBĐT - Năm 2011 - năm đầy khó khăn đối với ngành nông nghiệp Yên Bái nhưng cũng là năm ghi nhận nhiều nỗ lực không mệt mỏi của toàn ngành và của hàng ngàn nông dân trong tỉnh đưa sản xuất nông nghiệp từng bước vượt qua khó khăn, đạt mức tăng trưởng ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục