Tổng quan kinh tế Yên Bái năm 2011

  • Cập nhật: Thứ ba, 10/1/2012 | 3:59:55 PM

YBĐT - Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, những thành tựu về kinh tế đạt được trong năm 2011, trong đó có nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm đầu các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng bộ, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh Yên Bái, đây là điều kiện thuận lợi kinh tế tỉnh ta bứt phá trong những năm tới.

Công nhân Công ty cổ phần Cá tầm Phương Bắc chăm sóc cá tầm.
(Ảnh: Hà Linh)
Công nhân Công ty cổ phần Cá tầm Phương Bắc chăm sóc cá tầm. (Ảnh: Hà Linh)

Năm 2011 là năm thế giới và trong nước có nhiều biến động lớn, động đất, sóng thần, bão lũ xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới; khủng hoảng nợ công của một số nước có nền kinh tế mạnh ở Châu Âu làm cho phục hồi kinh tế thế giới sau khủng hoảng diễn ra chậm chạp. Những biến động này đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế đất nước ta. Trong nước, sản xuất gặp nhiều khó khăn, thiên tai xảy ra ở nhiều vùng, sàn bất động sản đóng băng, tín dụng đen đổ vỡ dây chuyền, lạm phát tăng cao… làm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trong nước chỉ đạt 5,9%. Tất cả những khó khăn trên tác động mạnh đến sự phát triển kinh tế của tỉnh.

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI với những chủ trương, quyết sách đúng đắn và Nghị quyết 11 của Chính phủ tập trung vào cắt giảm đầu tư công, thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, chính sách tài khóa chặt chẽ… cùng với thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội đã tạo cho kinh tế  của các tỉnh, trong đó có tỉnh ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Tỉnh ủy, những chủ trương, giải pháp cụ thể, thiết thực của UBND tỉnh, sự nỗ lực của các địa phương, các thành phần kinh tế, nên mặc dù các công trình dự kiến đầu tư năm 2011 phải cắt giảm nhưng kinh tế tỉnh ta năm 2011 vẫn giữ được tốc độ phát triển khá.

Tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 4.281,25 tỷ đồng (giá cố định 1994), tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) so với năm 2010 tăng 13,5%, đạt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Yên Bái đứng thứ 3/12 tỉnh vùng Tây Bắc (gồm Yên Bái, Lào Cai, Hà Giang, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Cao Bằng, Bắc Cạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ và Hòa Bình) và là tỉnh duy nhất trong khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 tăng so với năm 2010.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2011 tuy chuyển dịch chậm nhưng vẫn theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 32,9%, công nghiệp - xây dựng 33,86% và dịch vụ là 32,24% (tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm gần 1%, công nghiệp - xây dựng và thương mại cơ bản ổn định). Dự ước GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 13,51 triệu đồng, vượt 4% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 20,63% so với năm 2010 và đứng thứ 8/12 tỉnh vùng Tây Bắc.

Sản xuất nông, lâm nghiệp - thủy sản tuy có bị ảnh hưởng rét đậm, rét hại đầu năm, thời vụ gieo trồng phải chậm lại và đàn trâu, bò chết rét tới trên 7.000 con nhưng với sự chỉ đạo sát sao của các địa phương và tinh thần khắc phục khó khăn, chủ động của bà con nông dân nên sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2011 vẫn đạt khá, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra và tăng khá so với cùng kỳ. Diện tích gieo trồng cây nông nghiệp cả năm vượt kế hoạch 0,8% và vượt 2,38% so với năm 2010. N

ăng suất lúa cả năm đạt 47,3 tạ/ha, vượt 0,6% so với kế hoạch, sản lượng lương thực có hạt cả năm đạt 267.792,7 tấn, vượt 3% kế hoạch, tăng 6,8% (tăng 16.995 tấn) so với năm 2010. Trong đó sản lượng thóc đạt 194.629 tấn, vượt 2,4% kế hoạch, tăng 4,6%; ngô tăng 8.427 tấn.

Yên Bái là tỉnh có sản lượng lương thực có hạt đứng thứ 5/12 tỉnh trong khu vực, bình quân lương thực đầu người đạt 353,24kg, đứng thứ 10/12 tỉnh. Sản lượng nhiều loại cây trồng tăng so với cùng kỳ nặm trước, trong đó chè búp tươi đạt 9.812 tấn, vượt kế hoạch 0,9%, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Sản xuất lâm nghiệp đạt khá cả về trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và khai thác lâm sản. Diện tích rừng trồng mới đạt trên 15.000 ha, bằng 100% kế hoạch và vượt 2% so với  cùng kỳ năm trước, đưa tổng diện tích đất có rừng của toàn tỉnh lên 425.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 59,7%. Yên Bái là tỉnh đứng thứ 2 về trồng rừng và về độ che phủ của rừng trong khu vực, đứng thứ 5 cả nước về mật độ che phủ của rừng. Trong năm đã khai thác 265 ngàn m3 gỗ, tăng 32,5% so với năm 2010.

Công tác chăm sóc, bảo vệ, phòng chống cháy rừng có nhiều tiến bộ. số vụ cháy rừng giảm 34 vụ so với cùng kỳ năm trước và diện tích rừng bị cháy chỉ có 14,9ha. Trong sản xuất công nghiệp, tỉnh tập trung chỉ đạo phát triển vào các lĩnh vực tỉnh có thế mạnh như khai thác, chế biến khoáng sản, nông, lâm sản, vật liệu xây dựng. Dự ước gía trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 1994) đạt 3.326 tỷ đồng (chưa có giá trị phân phối điện), tăng 18% so với năm trước. Trong đó công nghiệp Trung ương tăng 0,8%; công nghiệp địa phương tăng 23,9%, riêng công nghiệp ngoài Nhà nước tăng 24,1%; công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tăng 89,4% so với năm 2010.

Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng khá so với năm 2010, như: quặng sắt tăng 2,56 lần, fenspat bột tăng 2,45 lần, gỗ xẻ XDCB tăng 45,4%, giấy bìa các loại tăng 17%, gạch xây tăng 16%, đá bột tăng 24,5%...

Cơ cấu kinh tế của tỉnh năm 2011 tuy chuyển dịch chậm nhưng vẫn theo hướng tích cực. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp thủy sản chiếm 32,9%, công nghiệp - xây dựng 33,86% và dịch vụ là 32,24% (tỷ trọng nông, lâm nghiệp giảm gần 1%, công nghiệp - xây dựng và thương mại cơ bản ổn định). Dự ước GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 13,51 triệu đồng, vượt 4% so với Nghị quyết HĐND tỉnh, tăng 20,63% so với năm 2010 và đứng thứ 8/12 tỉnh vùng Tây Bắc.
Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 của tỉnh đứng thứ 2/12 tỉnh trong khu vực. Năm 2011 là năm giá cả nhiều mặt hàng tăng cao, kinh tế nhiều vùng khó khăn, sức mua hạn chế,  nhưng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh ở cả 3 khu vực:  kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân vẫn tăng khá. Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 6.497,8 tỷ đồng, vượt 12% kế hoạch và tăng 21,27% so với cùng kỳ (kinh tế khu vực Nhà nước tăng 21,67%, kinh tế tập thể tăng 20,06% và kinh tế tư nhân tăng 20.38%).

Công tác xúc tiến thương mại, quản lý thị trường, chống hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại tiếp tục được đẩy mạnh; tỉnh đã phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm khắc những hành vi vi phạm pháp luật về thương mại, thị trường, đầu cơ tăng giá bất hợp lý. Tuy kinh tế thế giới chậm phục hồi chậm sau khủng hoảng, sức mua giảm, một số thị trường xuất khẩu truyền thống bị thu hẹp, nhiều mặt hàng có khối lượng xuất khẩu lớn giảm (chè giảm 22,71%, quế giảm 44,26%, hàng nông sản khắc giảm 27,47%) nhưng do các doanh nghiệp bám sát thị trường và tích cực khai thác thị trường mới nên giá trị xuất khẩu năm 2011 tuy chưa đạt kế hoạch, nhưng vẫn tăng 18,63% so với cùng kỳ năm trước và là tỉnh có giá trị hàng hóa xuất khẩu địa phương đứng thứ 4/12 tỉnh trong khu vực.

Tình hình văn hoá, xã hội trên địa bàn tỉnh ổn định, chính sách an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đã góp phần tăng cường củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. Với nhiều giải pháp tích cực, đồng bộ và sự cố gắng sản xuất của nhân dân nên tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh năm 2011 giảm còn 26,5%, đứng thứ 4/12 tỉnh trong khu vực về tỷ lệ hộ nghèo. Trong năm, tỉnh đã đào tạo việc làm mới cho 17.500 lao động và là tỉnh đứng thứ 2 trong khu vực về giải quyết nhiều việc làm cho lao động. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 37,7% , đứng đầu trong khu vực Tây Bắc về lao động qua đào tạo.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trong phát triển kinh tế của tỉnh cũng còn nhiều hạn chế, nhiều chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch HĐND tỉnh đề ra. Trong cơ cấu kinh tế, nhóm ngành công nghiệp - xây dựng đạt 33,86%/35,3% kế hoạch. Trong chăn nuôi ngoài đàn gia cầm tăng 5,35%, đàn gia súc chính đều giảm (đàn trâu giảm 12,02%, đàn bò giảm 32,21%, đàn lợn giảm 5%) so với cùng thời điểm 2010. Giá trị sản xuất công nghiệp mới đạt 93,1% kế hoạch năm, trong đó giá trị sản xuất công nghiệp Trung ương đạt 86,4%, công nghiệp địa phương đạt 97,3% kế hoạch.

Ảnh hưởng của chính sách thắt chặt tín dụng, hạn mức tín dụng cho vay được kiểm soát chặt chẽ, việc tiếp cận các nguồn vốn vay cho đầu tư cũng như sản xuất gặp khó khăn Nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu đạt thấp so với kế hoạch, trong đó khai thác quặng sắt đạt 81%, sứ công nghiệp đạt 83,8%, xi măng bao+clanhke thương phẩm đạt 90%, đá bột, đá hạt đạt 55,4%, fenspat bột đạt 68,5%...

Yếu tố phục vụ sản xuất như vật tư đầu vào, nhiên liệu, lãi suất ngân hàng đều tăng cao, dẫn đến chi phí sản xuất tăng, hiệu quả sản xuất thấp. Kim ngạch xuất khẩu tuy tăng so với cùng kỳ, nhưng mới đạt 94,04% kế hoạch. Riêng sản xuất và tiêu thụ chè do nguyên liệu đầu vào chưa bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, máy móc thiết bị chế biến lạc hậu nên tiêu thụ khó khăn; hiện sản phẩm chè còn tồn kho trên 1400 tấn. Du lịch vẫn trong tình trạng kém phát triển, Yên Bái chủ yếu vẫn là điểm dừng chân của khách du lịch.

Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế đất nước, những thành tựu về kinh tế đạt được trong năm 2011, trong đó có nhiều chỉ tiêu thuộc nhóm đầu các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng bộ, các thành phần kinh tế và nhân dân trong tỉnh, đây là điều kiện thuận lợi kinh tế tỉnh ta bứt phá trong những năm tới.

Trần Thi

Các tin khác
Khu vực sản xuất gỗ ván ép của Công ty cổ phần Chế biến lâm sản Thành Đạt. (Ảnh: Quang Thiều)

YBĐT - Sau 10 năm xây dựng và phát triển, với nhiều chính sách thu hút đầu tư CN-TTCN đã tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế thành phố cùng những hiệu ứng tích cực về xã hội và việc làm.

Cán bộ kiểm lâm Văn Yên tuần tra bảo vệ rừng.

YBĐT - Bằng sự nỗ lực của các ngành, các cấp, mùa khô 2010-2011, huyện Văn Yên (Yên Bái) đã không để xảy ra vụ cháy rừng nào. Không chủ quan với những thành tích đã đạt được, mùa khô 2011-2012, Ban chỉ huy PCCCR của huyện và các xã luôn chủ động, sẵn sàng ứng biến khi có cháy rừng xảy ra.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2011, trong đó có nội dung giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì hoàn thiện dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Cần hạn chế tình trạng chăn rông để bảo vệ đàn gia súc khi trời rét đậm. Ảnh Quang Tuấn

YBĐT - Theo Sở NN & PTNT tỉnh Yên Bái, rét đậm rét hại trong những ngày qua đã làm 28 trâu bò bị chết rét, trong đó ở huyện Mù Cang Chải có 17 con, Văn Chấn 7 con, Văn Yên 3 con và Yên Bình 1 con. >> Văn Yên chủ động phòng chống rét cho gia súc / Đã có bài học, đừng để lặp lại!

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục