Khơi nguồn nội lực nông thôn mới

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/1/2012 | 11:46:40 AM

YBĐT - Có phải xuân hay lòng người dân Tân Đồng phơi phới xuân khi mà công cuộc xây dựng nông thôn mới đang mở ra bao vận hội tốt đẹp để mỗi người dân nơi đây được thoả sức lựa chọn cho mình, cho con cháu mình những cơ hội đổi đời mà chỉ nay mới có; được chung tay góp sức cùng Đảng, cùng Chính phủ xây dựng nông thôn mới trên quê núi ngày một giàu đẹp, văn minh.

Các cơ sở kéo sợi tơ tằm ở Trấn Yên cho thu nhập kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. (Ảnh: Hoàng Đô)
Các cơ sở kéo sợi tơ tằm ở Trấn Yên cho thu nhập kinh tế cao và giải quyết việc làm cho nhiều lao động. (Ảnh: Hoàng Đô)

Nội lực đã có

Không phải ngẫu nhiên Tân Đồng (Trấn Yên) lại được chọn làm xã điểm thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh Yên Bái. Tuy sớm ra khỏi Chương trình 135 nhưng Tân Đồng đã nhanh chóng có được một hệ thống cơ sở hạ tầng “điện, đường, trường, trạm” đầu tư tương đối hoàn thiện.

Ông Phí Văn Chí - Phó chủ tịch UBND xã, Phó ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Tân Đồng khẳng định: Từ khi có Chương trình 135 và các nguồn vốn chương trình, dự án khác đầu tư vào địa bàn xã đã tạo ra một sự chuyển động lớn về nhận thức, làm thay đổi hẳn cách nghĩ, cách làm của người dân địa phương. Trước đây, vì quá khó khăn, túng quẫn rồi nghĩ quẩn mà không ít người lao vào rượu chè, bài bạc, thậm chí sa chân vào vũng lầy ma tuý nên đã nghèo càng nghèo thêm…

Còn giờ, đường sá mở ra rộng rãi, giao thương phát triển, người dân đã sống được bằng đồng đất quê hương, bằng nghề rừng và đất rừng. Đặc biệt, khi mà các dịch vụ chế biến nông lâm sản ăn theo nghề rừng phát triển mạnh, nông dân có thêm nhiều cơ hội chọn lựa việc làm, tăng thu nhập nên nạn rượu chè, bài bạc, nhất là ma tuý đã hết hẳn. Hiện Tân Đồng đang có gần 200 lao động nông nhàn làm việc tại 16 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, 3 cơ sở nghiền lá quế, 50 lò sấy sắn khô và rất nhiều lò chưng cất tinh dầu quế tại gia đình… Chuyện nông dân trong xã đi học lái ô tô và mua được xe ô tô con không còn là điều hiếm thấy ở một địa phương từng khó khăn nhất nhì Trấn Yên trước đây...

Người dân Tân Đồng đang giàu lên trông thấy. Chẳng thế mà xã đã có 16,1% hộ khá, 11,2 % hộ giàu, 20 hộ mua được xe ô tô các loại. Đặc biệt, với bình quân 11,3 triệu đồng/người/năm, hiện thu nhập của người dân ở đây đang cao hơn gấp 1,2 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh. Năm 2011, tính sơ sơ nông dân Tân Đồng đã thu về trên 11 tỷ đồng từ cây quế, khoảng 1,3 tỷ đồng từ măng tre Bát độ và trên dưới 21 tỷ đồng từ nuôi tằm.

Chỉ nhìn vào những con số này đủ thấy tiềm lực kinh tế trong dân là rất lớn. Tham gia Chương trình 135 và quyết tâm rút ra khỏi sự bảo trợ đặc biệt này của Chính phủ, người dân Tân Đồng đã rất nỗ lực. Ý thức tự lực tự cường, đặc biệt là việc phát huy nội lực của nhân dân tham gia xây dựng kiến thiết hạ tầng cơ sở đã được địa phương khơi nguồn thành công từ đó. Đây là tiền đề vững chắc để thêm một lần nữa Tân Đồng huy động sức dân đóng góp xây dựng nông thôn mới.
                               
Lòng dân đã thuận

Ông Phí Văn Chí phấn khởi bộc bạch: “Khởi đầu thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương như thế là rất thành công, bởi lòng dân đã thuận, trên dưới một quyết tâm. Không chỉ lãnh đạo địa phương mà mỗi người dân đã tự nhận thức và thấy rõ đây chính là cơ hội cho họ, cho đời con cháu họ và cơ hội tốt cho địa phương”.

Sự đồng thuận trong dân, sự quyết tâm trên dưới một lòng của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tầng lớp nhân dân tham gia chương trình xây dựng nông thôn mới ở Tân Đồng thể hiện rất rõ qua việc hiến đất mở đường giao thông nông thôn. Người dỡ rào, người chặt cây nhường đất, điển hình có những người hiến cho tập thể trên một nghìn mét vuông đất vườn nhà như gia đình anh Hoàng Anh Tuấn ở thôn 4.

Hỏi chuyện hiến đất, anh Tuấn cười bảo: “Quyết định hiến cho thôn trên một nghìn mét vuông đất vườn màu mỡ mà bao đời ông cha để lại để mở mới con đường liên thôn đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới chạy qua vườn nhà là một điều không dễ đối với gia đình. Tiếc là bởi cả mảnh vườn rộng rãi, vuông vức là thế, giờ cho đất làm đường nghĩa là chấp nhận cắt nát nó. Ban đầu bố mẹ, vợ con tôi còn chần chừ đôi chút, sau rồi nghĩ lại, nếu mình không chịu hy sinh một phần lợi ích đồng nghĩa với việc mình đã làm cho thôn mất đi một cơ hội tốt hiếm có; sau này và không biết đến bao giờ người dân trong thôn mới có đủ lực để tự bỏ tiền ra làm được con đường bê tông rộng 3,5m thuận lợi như khi đang có nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước thế này. Mình gương mẫu và chấp nhận hy sinh để có cơ hội tốt cho dân làng, cho đời đời con cháu mình…”.

Giờ thì tôi đã hiểu công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới ở Tân Đồng hiệu quả đến mức nào. Theo anh Chí: “Trong tuyên truyền, vận động nhân dân, chỉ cần làm rõ điều dân muốn biết: Ấy là xây dựng nông thôn mới cho ai? - Là cho dân chứ không phải cho cán bộ xã; Nông thôn mới từ đâu? - Từ chính mỗi gia đình người dân chứ không ai khác… thì bà con hiểu và đồng lòng thực hiện. Cái khó với Tân Đồng trong thực hiện chương trình này là các chỉ tiêu về giao thông.

Tiêu chí này với các địa phương miền xuôi đã khó, với địa phương miền núi, địa bàn rộng, dân cư phân tán và thưa thớt như Tân Đồng thì việc huy động nguồn đóng góp của nhân dân lại càng khó hơn. Bởi thế, đối với các công trình giao thông trục thôn, liên thôn, xã đề nghị Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế 70 - 30 (dân đóng góp 30%); các công trình giao thông nội đồng, nội thôn thì “cưa đôi” 50 - 50… Đến khó như việc hiến đất làm đường, hiến đất xây dựng nhà sinh hoạt văn hoá, người dân còn tự nguyện, tự giác thì tôi tin chỉ cần có cơ chế phù hợp sẽ khơi được nguồn nội lực đóng góp to lớn trong dân”.

Đến nay, Tân Đồng đã thành lập được Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng các tiểu ban thực hiện Đề án và đã hoàn thiện một phần quy hoạch Đề án. Hiện, xã mới đạt 2/19 tiêu chí và 12/44 chỉ tiêu trong Bộ chỉ tiêu nông thôn mới. Năm 2011, tỉnh và huyện đầu tư 1 tỷ đồng từ vốn ngân sách để địa phương xây dựng tuyến đường khu trung tâm thôn 3 dài 700 mét. Năm 2012, Tân Đồng tập trung bê tông hoá và mở mới gần 11 km đường giao thông; cải tạo nâng cấp hệ thống mương máng, công trình thuỷ lợi; xây mới và nâng cấp trường học; hệ thống điện, nước sinh hoạt, nhà văn hoá… với tổng kinh phí 39.918 triệu đồng, trong đó dân đóng góp 11.141 triệu đồng, phấn đấu đến năm 2015 hoàn thành cả 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. 

Sức dân như nước, dẫu còn rất nhiều việc phải làm nhưng trên thuận dưới theo, viễn cảnh về một nông thôn mới Tân Đồng sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa.

 Phạm Minh

Các tin khác
Ba ba trong ao nuôi của ông Đoàn Vũ Nghề.

YBĐT - Tân Mão qua đi - một năm đầy khó khăn và thách thức đối với nông dân Yên Bái khi phải đối mặt với thiên tai, dịch bệnh, giá cả vật tư, phân bón, thị trường nhiều biến động... nhưng với sự năng động, cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, những nhà nông cũng đã cùng nhau vượt qua khó khăn và giành được một mùa vụ bội thu.

Công nhân Công ty cổ phần Kinh doanh Chế biến lâm, nông sản xuất khẩu chọn lọc ván thanh.
(Ảnh: Hồng Duyên)

YBĐT - Năm 2012, Ngành Công thương Yên Bái sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết và xác định giải pháp riêng cho từng chỉ tiêu nhiệm vụ, phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền các địa phương triển khai các giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến, hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật trong sản xuất kinh doanh

Cán bộ kiểm lâm Trạm Km7, xã Âu Lâu (TP Yên Bái) đo khối lượng gỗ pơ mu buôn lậu bị tịch thu.
(Ảnh: Hà Linh)

YBĐT - Ngày 20/12/2011, Chủ tịch UBND huyện Trấn Yên đã có Chỉ thị số 11/CT-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) mùa khô năm 2011. Đây được xem là biện pháp mạnh của chính quyền địa phương trước nguy cơ cháy rừng đang ở mức cao.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ, để đáp ứng được giá thành kế hoạch của sản xuất điện năm nay và phân bổ thêm 1 phần chi phí lỗ về kinh doanh điện của năm 2011, giá điện trong năm 2012 sẽ tăng nhưng ở mức kìm chế và được tính toán kỹ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục