Từ 2021–2030 sẽ thặng dư thương mại
- Cập nhật: Thứ sáu, 17/2/2012 | 8:19:24 AM
Thông tin từ Bộ Công Thương cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến 2030.
|
Theo đó, chiến lược quy định rõ quan điểm, mục tiêu phát triển, định hướng xuất khẩu, định hướng nhập khẩu và giải pháp thực hiện chiến lược.
Mục tiêu tổng quát của chiến lược là tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đến năm 2020 tăng gấp 3 lần năm 2010, bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD. Đặc biệt, cán cân thương mại được cân bằng và mục tiêu cụ thể là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 11 - 12%/năm trong thời kỳ 2011 – 2020. Trong đó giai đoạn 2011 - 2015 tăng trưởng bình quân 12%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 tăng trưởng bình quân 11%/năm và duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 10% thời kỳ 2021-2030.
Bên cạnh đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng nhập khẩu thấp hơn tăng trưởng xuất khẩu; giảm dần thâm hụt thương mại, kiểm soát nhập siêu ở mức dưới 10% kim ngạch xuất khẩu vào năm 2015 và tiến tới cân bằng cán cân thương mại vào năm 2020; thặng dư thương mại thời kỳ 2021 - 2030.
Định hướng xuất khẩu sẽ được phát triển theo mô hình tăng trưởng bền vững và hợp lý, vừa mở rộng quy mô xuất khẩu, vừa chú trọng nâng cao giá trị gia tăng xuất khẩu. Định hướng phát triển xuất khẩu đưa ra 4 nhóm ngành cụ thể:
Nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sẽ có lộ trình giảm dần xuất khẩu khoáng sản thô; đầu tư công nghệ để tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá cả để tăng giá trị xuất khẩu. Định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 11,2% năm 2010 xuống còn 4,4% vào năm 2020.
Nhóm hàng nông, lâm, thủy sản (là nhóm hàng có lợi thế và năng lực cạnh tranh dài hạn nhưng giá trị gia tăng còn thấp), cần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng; chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, phát triển sản phẩm xuất khẩu có ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.
Nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo (là nhóm hàng có tiềm năng phát triển và thị trường thế giới có nhu cầu) phát triển sản phẩm có hàm lượng công nghệ và chất xám cao, phát triển công nghiệm hỗ trợ… định hướng tỷ trọng nhóm hàng này trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu từ 40,1% năm 2010 lên 62,9% vào năm 2020.
Nhóm hàng mới (nằm trong nhóm hàng hoá khác), sẽ rà soát các mặt hàng mới có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu.
Định hướng nhập khẩu, chủ động điều chỉnh nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu hàng hóa, đồng thời phát triển sản xuất nguyên, nhiên, phụ liệu phục vụ các ngành hàng xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu trong nước và phát triển công nghiệp hỗ trợ, kiểm soát chặt việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu trong dài hạn.
Để đạt được các mục tiêu, chiến lược đã đưa ra các giải pháp cụ thể về phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển thị trường, chính sách tài chính, tín dụng và đầu tư phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, giao nhận kho vận, đào tạo phát triển nguồn nhân lực…
Ngoài ra, chiến lược giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội ngành hàng xây dựng Chương trình hành động để thực hiện chiến lược trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào quý I năm 2012. Bên cạnh đó, giao Bộ Công Thương hướng dẫn các Bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương xây dựng Chương trình hành động thực hiện chiến lược theo chức năng, thẩm quyền.
(Theo VOV)
Các tin khác
Ngày 16-2, Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho biết đã cho Vinashin vay 292 tỷ đồng với lãi suất 0% và thời hạn tối đa 12 tháng.
Đại diện các doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu đầu mối cho rằng cách quản lý việc phân phối của các đại lý, tổng đại lý hiện nay có nhiều kẽ hở, mà tự thân họ quản không xuể.
Sáng nay, 16-2, tại Hà Nội, Tổng Cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ KH-CN) đã công bố kết quả Giải thưởng Chất lượng Quốc gia 2011.
YBĐT - Đã thành thông lệ, cứ mỗi khi tết đến xuân về các công ty lâm nghiệp, ban quản lý rừng huyện, thị, trường học, các tổ chức xã hội và hàng vạn bà con nhân dân các dân tộc Yên Bái lại lên đồi trồng cây, trồng rừng.