Ghi ở Mù Cang Chải
- Cập nhật: Thứ ba, 21/2/2012 | 2:48:00 PM
YBĐT - Đối với vùng cao, đảm bảo an ninh lương thực là việc làm tối quan trọng, việc đảm bảo diện tích lúa hai vụ sẽ hứa hẹn đem lại một lượng lương thực lớn, bởi năm nay huyện phấn đấu năng suất đạt 43 tạ/ha.
Đến nay, nhiều diện tích lúa đã được người dân Mù Cang Chải gieo cấy xong.
|
Chúng tôi lên Mù Cang Chải khi cái giá lạnh của mùa đông vẫn còn đậm đặc, nhất là tại địa phận các xã phía dưới chân đèo Khau Phạ như: Cao Phạ, Nậm Có. Trời mưa và rét nhưng vượt qua đèo Khau Phạ thấy thoáng đãng và đã có nắng. Sau tết vài tuần mà hoa đào, hoa mận, hoa tớ dảy vẫn còn nở bung khắp những vườn nhà bên triền đồi. Có lẽ vì vậy nên mảnh đất này luôn là điểm dừng chân của các nhà nhiếp ảnh hay những người ham mê khám phá.
Dù biết khí hậu vùng cao thời gian này có nhiều biến đổi bất thường, tuy nhiên tại các điểm dừng chân chúng tôi không hề nghe thấy chuyện mạ hay trâu, bò chết rét như những năm trước. Chẳng thế mà trong buổi làm việc, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện - Phạm Thị Thu Hà tâm sự, từ công tác tuyên truyền vận động và hướng dẫn mà nhận thức của bà con đã từng bước được nâng lên rất nhiều. Đến nay, hầu hết bà con dân tộc đã biết áp dụng KHKT vào sản xuất, đặc biệt là việc phòng chống rét cho mạ nên cán bộ nông nghiệp đỡ vất vả hơn.
Cụ thể như vụ này, theo đăng ký từ các xã, toàn huyện sẽ cấy 1.022 ha lúa, vượt 22 ha so với kế hoạch giao, trong đó lúa thuần là 200 ha và lúa lai là 800 ha. Cùng với 4.348 kg nilon được cấp, bà con đã đăng ký mua thêm 1 tấn để che hết diện tích.
Điều đáng nói là ngay sau tết, khác với mọi năm, bà con đã tập trung ra đồng cấy lúa, đến nay hầu hết diện tích ở các xã khu 2 và khu 3, 4 như: Nậm Khắt, Púng Luông, Zế Su Phình… đã được cấy xong. Riêng khu 1 là Nậm Có và Cao Phạ, kế hoạch gieo cấy là 43ha và 19 ha, nhưng do áp thấp nhiệt đới, thời tiết trở lạnh, bà con vẫn đang chăm sóc mạ để chờ thời tiết ấm hơn sẽ tiến hành cấy. Đối với vùng thấp việc áp dụng KHKT vào sản xuất thật quá bình thường, nhưng đối với vùng cao, bà con đã sử dụng nilon chống rét cho mạ, quả là một sự chuyển biến lớn.
Để kiểm tra thực tế, chúng tôi xuống Nậm Có. Cái giá lạnh của vùng cao lại càng khốc liệt hơn khi gió rét từ cánh đồng Mường Lò lồng lộng thổi lên. Phó chủ tịch UBND xã - Tạ Anh Tuấn vẫn tự tin bảo: “Dù thời điểm này lúa chưa xuống đồng nhưng do các hộ dân gieo mạ đúng kỹ thuật và thời gian nên Nậm Có sẽ cấy hết diện tích và đảm bảo đúng khung thời vụ".
Đối với vùng cao, đảm bảo an ninh lương thực là việc làm tối quan trọng, việc đảm bảo diện tích lúa hai vụ sẽ hứa hẹn đem lại một lượng lương thực lớn, bởi năm nay huyện phấn đấu năng suất đạt 43 tạ/ha. Tuy nhiên với tiềm năng của mình, cùng với lúa ruộng, vụ này Mù Cang Chải phấn đấu trồng thêm 1.500 ha ngô, trong đó ngô trên ruộng một vụ là 400 ha.
Trưởng bản Tàng Ghênh - Giàng A Dê cho biết: “Năm nay cả bản được Nhà nước hỗ trợ 120 kg giống, mà là giống ngô mới nên rất phấn khởi, nhận được tin nhà nào cũng cử người xuống nhận. Mình phát từ sáng rồi cũng sắp hết, bản đã phổ biến kế hoạch gieo trồng, bà con đã làm đất để tổ chức gieo trồng cho cập thời vụ!”. Dọc đường đi, thỉnh thoảng chúng tôi bắt gặp cảnh những chú trâu đang đủng đỉnh nhai rơm bên thùng gỗ, bất chấp cái lạnh giá của vùng cao.
Phó chủ tịch UBND huyện Lê Trọng Khang cười bảo, đấy là kết quả của phong trào “3 xanh” đang được triển khai trong toàn huyện là “xanh rừng, xanh đồng ruộng và xanh nhà” trong đó về chỉ tiêu tùy theo số trâu, bò mỗi hộ phải dự trữ từ một đến hai tấn rơm trong mùa rét. Tuy mới phát động nhưng kết quả bước đầu hết sức khả quan, nếu vụ rét năm 2011 toàn huyện có trên 2.000 con gia súc bị chết rét thì đến năm nay tính đến thời điểm này số gia súc chết rét mới chỉ là 73 con, phần lớn là bê, nghé.
Công nghiệp hóa trên cánh đồng Mù Cang Chải.
Đối với vùng cao như Mù Cang Chải, cùng với phát triển nông lâm nghiệp, chăn nuôi đại gia súc được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn để xoá đói giảm nghèo. Tuy nhiên, với tập quán thả rông gia súc và điều kiện tự nhiên vùng cao khắc nghiệt mà hàng năm, số gia súc bị chết do rét và đói rất nhiều, thậm chí nhiều hơn cả số gia súc mới tăng đàn. Chẳng vậy mà, mặc dù có tiềm năng phát triển chăn nuôi với những chính sách hỗ trợ đặc thù nhưng tổng đàn đại gia súc của huyện vùng cao này mãi ở con số từ vạn tư đến vạn rưỡi con. Năm nay mới đi vào triển khai mà đã có những chuyển biến, kết quả được thể hiện rõ trong việc hạn chế số gia súc chết rét, thực sự là dấu hiệu tích cực cho những năm tiếp theo.
Cùng với cuộc vận động "3 xanh”, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhân dân các dân tộc trong huyện Mù Cang Chải đang triển khai mạnh mẽ phong trào “5 có, 5 không”. Đó là việc xây dựng Đảng, chính quyền, cơ quan, ban, ngành trong sạch, vững mạnh toàn diện; mọi nhà đều có đường từ nhà ra đến đường của bản rộng từ 1 đến 1,5 mét; 80% trở lên hộ gia đình có nhà vệ sinh, 70% trở lên có chuồng trâu, bò, lợn; 100 % các cặp kết hôn đều đăng ký, 100% trẻ sinh ra có giấy khai sinh; 90% trở lên cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và 80% trở lên chủ hộ được học tập, quán triệt nghị quyết các cấp. Dân không di dịch cư tự do, theo tà đạo và truyền đạo trái phép; giảm 6% hộ nghèo.
Còn 5 không là: Không thả rông gia súc, không trồng cây thuốc phiện và 3 bỏ; không đốt rừng, phá rừng làm nương rẫy; không khai thác buôn bán lâm sản trái phép; không tảo hôn và sinh con thứ 3. Đây thực sự là những vấn đề sát sườn của cuộc sống, những vấn đề tưởng đơn giản nhưng là khó khăn của vùng cao bao năm nay, nếu thực hiện được sẽ là yếu tố quyết định để thay đổi cuộc sống của người dân vùng cao Mù Cang Chải.
Nguyễn Đình
Các tin khác
Lúc 10h, sáng 21/2, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết mức 44,57 – 44,79 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.
Kể từ hôm nay (21/2), mặt hàng xăng sẽ được miễn thuế nhập khẩu. Các mặt hàng dầu hỏa, nhiên liệu diesel có mức thuế là 3% thay vì 5% như trước.
YBĐT - Vụ đông xuân năm 2011 - 2012, huyện Văn Yên (Yên Bái) thực hiện gieo cấy trên 1.700 ha diện tích, chủ yếu là giống lúa lai, còn lại là các loại giống lúa thuần chất lượng cao.
YBĐT - Có 7 xã trên địa bàn huyện Trấn Yên đăng ký trồng mới 480 ha tre măng Bát độ. >>Thành quả của mối liên kết doanh nghiệp - nông dân