Vị thế cây chè Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ tư, 14/3/2012 | 9:04:37 AM

YBĐT - Bao thế hệ người Văn Chấn (Yên Bái) sinh ra bên gốc chè, lớn lên nhờ tán chè, chuyện học hành, nhà cửa, rồi dựng vợ, gả chồng cũng đều từ nương chè mà ra. Vị thế cây chè ở Văn Chấn có ý nghĩa rất lớn với nền kinh tế và cuộc sống của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Nông dân xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) thu hái chè búp tươi.
(Ảnh: H.N)
Nông dân xã Sơn Thịnh (Văn Chấn) thu hái chè búp tươi. (Ảnh: H.N)

Bên cạnh sự nổi tiếng của vùng chè thủy tổ Suối Giàng với những cây chè Shan tuyết thân to, người ôm không xuể, tán lá rộng cả chục người trèo hái, chè  Văn Chấn có mặt ở khắp nơi từ Tân Thịnh, Cát Thịnh đến Sơn Thịnh, ở 8 xã vùng ngoài như Nghĩa Tâm, Đại Lịch, Thượng Bằng La... hay các xã vùng cao như Nậm Búng, Gia Hội... Đâu đâu cũng bát ngát nương chè; đồi chè như bát úp, sóng chè uốn lượn từ chân lên đến đỉnh đồi, những bản làng sung túc dưới nương chè tươi tốt, những nhà máy chế biến chè xanh, đen nằm khắp các vùng nguyên liệu từ Trần Phú, Nghĩa Lộ đến Liên Sơn... Văn Chấn thật xứng với tên gọi “huyện chè” còn người dân nơi đây có quyền tự hào khi khoe với bạn bè bốn phương chén chè thơm ngon như một đặc sản của quê hương mình.

Theo số liệu thống kê đến hết năm 2011, tổng diện tích chè của huyện Văn Chấn  đạt 4.354 ha, trong đó diện tích chè kinh doanh là 3.854 ha, chè kiến thiết cơ bản 500 ha; sản lượng chè búp tươi đạt 41.700 tấn, năng suất bình quân đạt trên 97 tạ/ha; tổng giá trị chè búp tươi năm 2011 đạt trên 150 tỷ đồng. Đó là những con số thuyết phục để Văn Chấn thực sự là “huyện chè”. Nó còn đáng quý hơn khi cây chè trực tiếp giải quyết công ăn việc làm cho trên 2,5 vạn lao động và đảm bảo đời sống cho trên 7 vạn nhân khẩu của huyện. Như vậy có nghĩa là một nửa số dân của huyện Văn Chấn sống nhờ vào cây chè.

Mấy năm qua, thực hiện Chương trình nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè theo Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Yên Bái, việc trồng chè đã được nâng lên một tầm cao mới với việc sử dụng các giống chè có năng suất, chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp chế biến như: LDP1, LDP2, Phúc Vân Tiên, Bát Tiên, Shan tuyết... Giai đoạn  2006 - 2011, diện tích chè trồng mới đạt 1.175 ha.

Đáng quý hơn, phần lớn diện tích này là trồng cải tạo thay những nương chè giống cũ, năng suất, chất lượng thấp bằng giống mới cho năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao hơn. Nhiều năm qua, giá chè ổn định ở mức khá (từ 2.700 đồng đến 3.800 đồng/kg) giúp người làm chè sống được với cây chè. Chính vì thế, công tác chăm sóc, thâm canh, thu hái được các doanh nghiệp, các hộ dân chú trọng đầu tư đồng bộ; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất như: trồng mới, trồng cải tạo bằng chè giâm cành, thu hái chè bằng máy..., mối quan hệ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè được cải thiện và ràng buộc chặt chẽ hơn; một số doanh nghiệp đã thực hiện tái đầu tư vào vùng nguyên liệu bằng phương thức ứng trước phân bón, hỗ trợ mua máy hái chè, đốn chè... cho các hộ trồng chè giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả lao động, đảm bảo đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy.

Nếu chỉ xét riêng khía cạnh nông nghiệp, nông dân và nhất là những đóng góp của cây chè với đời sống dân sinh thì ngành chè Văn Chấn đã có được những kết quả tốt. Tuy nhiên, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, lĩnh vực trực tiếp mang lại giá trị kinh tế cao thì ngành chè Văn Chấn vẫn còn những điều đáng bàn. Không phủ nhận lĩnh vực chế biến, kinh doanh chè là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị sản xuất và đóng góp lớn cho ngân sách địa phương như về vùng chè Văn Chấn mới thấy vẫn những nhà máy Trần Phú, Nghĩa Lộ, Liên Sơn... rền vang tiếng máy, khói trắng lan tỏa vào trời mây, thậm chí số lượng các cơ sở chế biến không ngừng ra đời nhưng từng đó lại không đủ nâng tầm cho búp chè Văn Chấn nếu không muốn nói là ngược lại.

Theo báo cáo thống kê, đến hết năm 2011 trên địa bàn huyện có 60 nhà máy, cơ sở tham gia chế biến chè, tổng công suất thiết kế của các đơn vị đạt trên 740 tấn chè búp tươi/ngày, gấp 3,5 lần khả năng đáp ứng của vùng nguyên liệu. Quá nhiều nhà máy chế biến, công suất vượt xa sản lượng đã khiến nhiều vùng chè trở nên hỗn loạn, đặc biệt phần lớn các cơ sở chế biến chè đều sử dụng công nghệ Orthodox, dây chuyền thiết bị cũ lạc hậu, sản xuất thủ công, cơ sở vật chất nghèo nàn chưa đảm bảo vệ sinh công nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm... dẫn tới sản phẩm chế biến chủ yếu là chè đen bán thành phẩm giá thành thấp, khả năng cạnh tranh chưa cao.

Thực tế cho thấy, mấu chốt hiện nay đối với ngành chè Văn Chấn là tập nâng cao chất lượng sản phẩm trong khâu chế biến. Chỉ có sản phẩm chè xanh, chè đen chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì thương hiệu và giá trị của chè Văn Chấn mới được nâng lên, thị trường tiêu thụ mới được rộng mở, từ đó tác động ngược trở lại quá trình trồng, chăm sóc và thu hái của bà con nông dân. Khi ấy vị thế cây chè mới tiếp tục được nâng lên để người Văn Chấn không chỉ sống nhờ vào cây chè mà còn làm giàu được từ cây chè.

Lê Phiên

Các tin khác

Bộ Tài chính vừa ban hành hướng dẫn về việc gia hạn nộp thuế thêm 3 tháng đối với số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phải nộp quý 1-2011 (chậm nhất vào 30-7-2012), quý 2-2011 (chậm nhất đến ngày 30-10-2012) của doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam vừa có văn bản số 1392 yêu cầu các ngân hàng VietinBank, BIDV, VietcomBank và Agribank ưu tiên đáp ứng nhu cầu ngoại tệ cho các doanh nghiệp nhập khẩu phân bón, đặc biệt là nhập khẩu phân Kali do trong nước chưa sản xuất được.

Toàn cảnh Hội nghị tọa đàm với doanh nghiệp.

YBĐT - Ngày 13/3, Cục Thuế tỉnh Yên Bái tổ chức Hội nghị Đối thoại với các doanh nghiệp. Gần 150 đại biểu đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham dự Hội nghị.

YBĐT - Đó là ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Chiến - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tại Hội nghị tổng kết Nghị quyết 02 - NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái về phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè diễn ra ngày 13/3 tại huyện Văn Chấn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục