Hạ lãi suất cho vay dưới 10%: Vẫn còn nhiều đất để làm

  • Cập nhật: Thứ ba, 27/3/2012 | 7:52:06 AM

Ngân hàng Nhà nước có thể cho NHTM vay theo lãi suất quy định, để NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 10%.

Lãi suất đã hạ nhưng chưa có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp.
Lãi suất đã hạ nhưng chưa có nhiều ý nghĩa với doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã đưa ra các giải pháp để có thể hạ lãi suất cho vay xuống dưới 10% trong thời gian sớm nhất.

Giảm lãi suất huy động xuống 1% là tin vui đối với cộng đồng doanh nghiệp và là tín hiệu đáng mừng của nền kinh tế. Song hành với đó, nhiều ngân hàng lớn đã công bố hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, số khách hàng được hưởng mức lãi suất cho vay thấp chỉ chiếm khoảng 1 - 1,5% tổng dư nợ của ngân hàng. Do đó, sẽ không có nhiều DN tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp. Ngoài ra, theo các ngân hàng, với mức lãi suất huy động 14%/năm, nếu cho vay khoảng 16%/năm thì ngân hàng sẽ không có lời.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, lãi suất huy động vẫn còn cao là do một số ngân hàng đẩy lãi suất lên để làm công cụ cạnh tranh thu hút vốn huy động.

Để giải quyết tình hình trên, theo ông Bùi Kiến Thành, NHNN nên thực hiện vai trò Ngân hàng Trung ương để điều tiết lưu lượng tiền tệ, cung ứng đầy đủ tín dụng cho nền kinh tế phát triển ổn định, góp phần “Ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”, và đặc biệt là Điều 3 của Nghị quyết 11 Thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu…”.

Phương án được ông Bùi Kiến Thành đưa ra là sẽ không dựa vào vốn huy động của hệ thống ngân hàng với lãi suất cao, mà vận dụng Điều 10 và Điều 11 của Luật NHNN.  Theo đó “NHNN quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất….” .

Theo Luật Ngân hàng Nhà nước

Điều 10.   Công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định việc sử dụng công cụ thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia, bao gồm tái cấp vốn, lãi suất, tỷ giá hối đoái, dự trữ bắt buộc, nghiệp vụ thị trường mở và các công cụ, biện pháp khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 11. Tái cấp vốn

1. Tái cấp vốn là hình thức cấp tín dụng của Ngân hàng Nhà nước nhằm cung ứng vốn ngắn hạn và phương tiện thanh toán cho tổ chức tín dụng.

2. Ngân hàng Nhà nước quy định và thực hiện việc tái cấp vốn cho tổ chức tín dụng theo các hình thức sau đây:

a) Cho vay có bảo đảm bằng cầm cố giấy tờ có giá;

b) Chiết khấu giấy tờ có giá;     

c) Các hình thức tái cấp vốn khác.

Căn cứ vào các điều khoản này, NHNN có thể cho NHTM vay theo lãi suất do NHNN quy định, có thể là 3-4-5% để NHTM cho doanh nghiệp vay với lãi suất dưới 10%. Không phải chờ NHTM hạ lãi suất huy động và giải quyết thanh khoản từ nguồn vốn trong nhân dân. Thanh khoản là do từ nguồn tín dụng của NHNN. 

NHNN có thể chọn một trong 3 hình thức quy định ở Mục 2, và đặc biệt là hình thức (c) “Các hình thức khác” do NHNN tự thiết lập.  Căn cứ vào điểm (c)  này NHNN có thể quy định là “Chương trinh tái cấp vốn đặc biệt” này là để thực hiện Điều 3 của Nghị quyết 11,  ưu tiên cho “Thúc đẩy sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu”. Chương trình tái cấp vốn đặc biệt này sẽ được thực hiện theo các quy tắc đảm bảo nguồn tiền đi đúng hướng, đúng mục đích: Vốn từ Chương trình này chỉ để tài trợ cho các dự án sản xuất kinh doanh, khuyến khích xuất khẩu, không cho vay các lĩnh vực phi sản xuất; Chỉ cho vay theo dự án cụ thể và chỉ giải ngân theo tiến độ; Chỉ những NHTM nào đăng ký và được Thống đốc NHNN chấp thuận mới được tham gia chương trình này; NHTM tham gia phải cam kết tuân thủ theo quy định của chương trình, phải có trách nhiệm giám định các dự án trước khi cho vay, và thu hồi vốn theo điều kiện của hợp đồng vay vốn; Hợp đồng cho vay có thể được cầm cố với NHNN; NHTM nào có động thái tiêu cực, Chủ tịch HĐQT và Tổng Giám đốc sẽ liên đới chịu trách nhiệm hình sự trước  pháp luật; NHTM nào vi phạm các quy định của chương trình sẽ bị xoá tên trong danh sách NHTM tham gia, và bị truy cứu trách nhiệm dân sự, hình sự, hay cả hai, tuỳ theo điều khoản vi phạm và độ nghiêm trọng vi phạm.

“Tôi nghĩ rằng khung luật pháp hiện hành hoàn toàn cho phép NHNN triển khai chương trình trên đây” – ông Bùi Kiến Thành khẳng định. Nếu NHNN cho rằng Điều 10 và Điều 11 của Luật NHNN chưa cho NHNN đủ quyền hạn thì NHNN có thể đề nghị với chính phủ trình ra Quốc Hội để xin bổ sung.

Theo nhận định của ông Bùi Kiến Thành, chương trình sẽ không gây ra lạm phát, vì khung tăng trưởng tín dụng đã được quy định trong Nghị quyết 11, và các quyết định tiếp theo của chính phủ. Chương trình chỉ được triển khai trong giới hạn tăng trưởng tín dụng được quy định.  Mục đích không phải là tăng nguồn tín dụng mà là kéo lãi suất cho vay xuống mức hợp lý để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh, “ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”.

Tác động gián tiếp sẽ là kéo lãi suất huy động xuống, vì NHTM sẽ bớt bị áp lực trong nhu cầu huy động vốn trong nhân dân. Tình trạng hỗn loạn trên thị trường vốn và lãi suất sẽ được khắc phục. Hoạt động kinh tế dần dần sẽ trở lại ổn định, và các số vốn vay từ chương trình tín dụng đặc biệt này sẽ được hoàn trả cho NHNN.

Cũng cần phải nói rõ là với chương trình này NHNN không “cấp vốn” cho NHTM kiểu cho không, hay “hỗ trợ lãi suất 4%” như năm 2009. NHNN chỉ cho NHTM vay với lãi suất thấp, và NHTM có trách nhiệm trả lãi và hoàn trả cho NHNN số tiền đã được NHNN cho vay theo quy định.

Ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ: Từ nay đến cuối năm, nếu lạm phát đạt được mục tiêu như Quốc hội đề ra ở mức một con số thì lúc đó lãi suất huy động sẽ giảm từ 2 - 3%/năm, về với mức 11%/năm. Khi lãi suất cho vay dao động ở mức 14 - 15%/năm thì mới đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Giảm lãi suất 1% trong tổng số 14% thì không có nhiều ý nghĩa. Chẳng hạn là 2 mà giảm xuống 1 (tức là giảm một nửa) thì mới có ý nghĩa. Tôi so sánh như vậy để thấy rằng, mức độ giảm như vậy là không lớn. Quan điểm của tôi ở đây là chúng ta xác lập xu thế giảm lãi suất mới là quan trọng. Nhưng xu thế ấy có được duy trì hay không thì còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Yếu tố lớn nhất trong câu chuyện này đó là lạm phát và sức khoẻ thực sự của hệ thống ngân hàng. Trần lãi suất huy động chỉ là một yếu tố thôi, còn cái người ta mong muốn là giảm lãi suất cho vay, xu thế, mức độ giảm đó phản ánh qua lãi suất cho vay giảm.

Giảm trần lãi suất không đồng nghĩa với giảm lãi suất cho vay. Lãi suất huy động giảm 1% thì không phải lãi suất cho vay giảm tương ứng 1%. Khi giảm lãi suất huy động có thể lãi suất cho vay không giảm; giảm nhưng với mức độ ít hơn 1% và giảm nhưng với mức độ trên 1%.

Về cơ bản, lãi suất giảm như vậy là đáng mừng cho DN. Nhưng rõ ràng mức độ giảm cũng chưa cứu được DN. Cho dù giảm từ 1-2% lãi suất cho vay thì các doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn. Với mức lãi suất giảm như vậy cũng khó có thể nói rằng họ đã phục hồi được. Cái cơ bản là DN dễ thở hơn một chút./.

(Theo VOV)

Các tin khác
Hội nghị triển khai công tác PCLB - TKCN năm 2012

YBĐT – Sáng 26/3, tại huyện Trấn Yên, Ban Chỉ huy PCLB – TKCN tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiệm vụ năm 2012. Đồng chí Hoàng Xuân Nguyên - Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ huy PCLB - TKCN tỉnh chủ trì Hội nghị.

Dây chuyền chế biến của Công ty cổ phần chè Văn Hưng.

YBĐT - Đổi mới công nghệ là việc chủ động thay thế phần quan trọng (cơ bản, cốt lõi) hay toàn bộ công nghệ đã, đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, hiệu quả hơn.

Vàng thế giới sáng nay đạt mức cao nhất trong một tuần.

Sáng nay (26-3), giá vàng trong nước tăng mạnh lên 44,15 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giảm trở lại.

Nhân dân xã Đại Minh, huyện Yên Bình tham gia làm kênh mương nội đồng theo phương châm

YBĐT - Sau hơn 5 năm (từ 2006 – 2010) và năm 2011, tổng nguồn vốn đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông) trên địa bàn huyện Yên Bình (Yên Bái) đạt trên 140 tỷ đồng. >>Các đại biểu Quốc hội khóa XIII tỉnh Yên Bái giám sát tình hình đầu tư công cho "tam nông"

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục