Miễn, giảm thuế doanh nghiệp 2012 để tạo cơ hội cho 2013
- Cập nhật: Chủ nhật, 27/5/2012 | 8:05:24 AM
Nếu để khó khăn của năm 2012 lây lan sang năm 2013 thì tình hình doanh nghiệp sẽ tồi tệ hơn, khi đó Nhà nước lấy gì mà thu?!
Theo đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP HCM), UB Tài chính – Ngân sách Quốc hội không ủng hộ việc miễn thuế khoán cho các hộ kinh doanh, sản xuất nhỏ…. Nhưng tôi thấy rằng, vấn đề khoán thuế rất quan trọng đối với một địa phương như TP HCM. Bên cạnh gần nửa triệu DN hoạt động theo Luật DN còn có 300.000 hộ sản xuất, kinh doanh cá thể hoạt động khoán thuế. Lực lượng này đóng góp rất lớn vào tăng trưởng và giải quyết việc làm. Lâu nay, áp dụng cơ chế khoán thuế với các đối tượng này, mỗi lần chỉ tiêu thuế giao tăng thì khoán tăng. Lần này, nếu quan điểm của Quốc hội ủng hộ thì cơ quan thuế sẽ tính toán lại, không tăng thuế khoán để gỡ khó khăn cho họ.
“Nếu năm nay tiếp tục giãn, miễn thuế như đề nghị thì ngân sách sẽ khó khăn. Nhưng đây là sự lựa chọn khó khăn của Quốc hội trong tình hình hiện nay. Giảm thu năm 2012 có thể ảnh hưởng đến một số công trình trọng đại nhưng nếu không quyết định việc đó thì coi chừng năm 2013 chúng ta lại mất thêm một năm nữa. Nếu DN không còn gì nữa thì Nhà nước lấy gì mà thu” – ông Trần Du Lịch cảnh báo.
PV: Những tháng đầu năm chúng ta đã thành công trong kiềm chế lạm phát. Ông đã thực sự yên tâm về kết quả này?
Ông Trần Du Lịch: Việc kéo giảm giá từ cuối năm 2011 và đầu năm 2012, đặc biệt chỉ số giá tháng 4 và 5 cũng cần phải xem xét cẩn thận. Có thể đó là tín hiệu tốt, nhưng tôi thì lo vì chỉ số CPI đứng lại chủ yếu do sức mua giảm quá mạnh, và phải chăng giải pháp thắt chặt về đầu tư công, chính sách tiền tệ (CSTT) đã làm cho nền kinh tế đang thiếu máu và sức mua giảm, tổng cầu giảm quá mạnh.
Hiện nay, điều nguy hiểm là giảm sức mua, nhập khẩu giảm dẫn đến thành tựu giảm nhập siêu. Người ta không mua hàng nên DN không nhập nguyên liệu chứ không phải những giải pháp chúng ta đưa ra có hiệu quả. Thời gian tới, kinh tế sôi động trở lại thì ta lại nhập siêu ào ào.
PV: Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng kinh tế hiện nay?
Ông Trần Du Lịch: Nếu như năm 2009 ta nói kinh tế suy giảm là do tác động của thế giới, nhưng năm nay những khó khăn này là do chính chúng ta tạo ra. Và về nguyên tắc, nếu kinh tế mà suy giảm tốc độ tăng trưởng 2 quý liền, tức là dấu hiệu suy thoái. Và đang hy vọng Quý 2 tăng trưởng sẽ nhích thêm một chút chứ quý 1 có 4%, nhưng so với cả năm 2011 và Quý 4/2011 vẫn giảm.
PV: Với việc điều hành chính sách tiền tệ theo tinh thần Nghị quyết 11, theo ông đâu là điểm chưa ổn?
Ông Trần Du Lịch: Năm 2011, CSTT chúng ta đề ra tổng dư nợ tín dụng khoảng 20%, tổng phương tiện 15-16%, cuối cùng báo cáo tổng dư nợ 14%, nhưng theo chúng tôi tính toán thì không tới con số đó. Ví dụ như trước đây, phần trái phiếu DN không cộng vào dư nợ tín dụng nếu năm đó dư nợ quá cao, nhưng năm vừa rồi dư nợ thấp nên cộng vào. Chính vì vậy nó làm cho nền kinh tế thiếu máu và DN cực kỳ khó khăn. Chúng ta ưu tiên kiềm chế lạm phát với CSTT chặt chẽ, thận trọng chứ không phải thắt chặt. Chính sách này, nói chung có ý tốt là kiềm chế lạm phát, nhưng làm cho nền kinh tế khốn đốn, DN đổ vỡ cũng vì chỗ này. Vì đặc điểm DN Việt Nam kinh doanh dựa trên nợ rất lớn, các chính sách tiền tệ thay đổi đột ngột là không chịu nổi.
PV: Vậy quan điểm của ông về Nghị quyết 13 của Chính phủ?
Ông Trần Du Lịch: Tôi hoàn toàn đồng tình với Nghị quyết này. Với tình hình giảm sức mua thế này, 5 tháng chỉ số CPI chỉ khoảng 2,6%, thì không thể nào mà có CPI cao đến 10% trong năm nay được. Quốc hội cho phép chỉ số CPI năm 2012 dưới 10%, nhưng tôi dự kiến chỉ khoảng 8-9%. Trong tình hình này, chúng ta có thể nới lỏng CSTT và CSTK để xử lý tốc độ tăng trưởng.
NHNN phải bảo đảm rằng đưa tăng tín dụng 15-16%. Thực tế, NH có vốn nhưng vốn chỉ chạy lòng vòng trong các NH chứ không vào nền kinh tế. Do vậy, nếu cuối năm không đạt được chỉ tiêu, nền kinh tế thiếu máu thì NH phải chịu trách nhiệm.
Về tài khóa thì thực hiện chính sách miễn giảm thuế, kể cả VAT và một số lĩnh vực để kích thích sức mua. Hiện nay, hàng tồn kho có ngành tăng 100% so với năm ngoái những loại như vậy cần thiết giảm VAT để bán hàng, tạo chu kỳ sản xuất khác… Đây là biện pháp tình thế cần thiết mà hàng trăm ngàn doanh nghiệp kinh doanh đang chờ quyết sách của Quốc hội.
PV: Còn vấn đề giải quyết việc làm, theo ông với tình hình như hiện nay mục tiêu tạo 1,5 triệu việc làm năm 2012 có khả thi?
Ông Trần Du Lịch: Một nền kinh tế tăng trưởng dưới 5% thì tỷ lệ thất nghiệp gia tăng rất nhanh vì 1 năm có 1 triệu người đến tuổi lao động và 500 nghìn người tách từ nông nghiệp ra. Và liên quan tới vấn đề này, tôi không tin rằng năm 2011 chúng ta giải quyết được 1,5 triệu lao động. Đây là số việc làm báo cáo nhưng chưa trừ số mất việc làm. Việc làm mới và lượng giải quyết việc làm thì hoàn toàn khác nhau. Nếu không tính được số việc làm mới thì không biết nhà nước đầu tư vào đó đã đạt được cái gì.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
(Theo VOV)
Các tin khác
Ngày 25-5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 17 sửa đổi Thông tư 30 về lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
YBĐT - Ngày 25/4, tại Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh đã tổ chức thẩm định Dự án điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội 2 huyện Văn Chấn, Yên Bình thời kỳ 2011-2020 (ảnh).
YBĐT - Vào hồi 5h sáng 25/5, nhận được tin báo của người dân về nguy cơ vỡ đập Trùm Tư tại thôn Hồng Hà xã Nga Quán, các cơ quan chức năng cùng với lãnh đạo địa phương đã nhanh chóng đưa ra các giải pháp xử lý sự cố.
YBĐT - Những năm qua, xã La Pán Tẩn, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) đã tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, góp phần nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp trên diện tích đất canh tác.