Báo Đáp xã hội hóa phong trào làm đường giao thông nông thôn
- Cập nhật: Thứ tư, 30/5/2012 | 2:56:01 PM
YBĐT - Đến nay, toàn xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cơ bản đã giải phóng xong mặt bằng, trên 400 hộ dân đã tham gia hiến gần 15.000m2 đất.
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Báo Đáp.
|
Là xã được huyện Trấn Yên (Yên Bái) lựa chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2011-2015) nên cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Báo Đáp đang ra sức phấn đấu, thực hiện tốt 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới (NTM). Điển hình là việc vận động nhân dân hiến đất làm đường giao thông nông thôn, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương.
Ông Trần Quang Trung - Chủ tịch UBND xã Báo Đáp cho biết: “Toàn xã có 18km đường giao thông liên thôn, từ năm 2009-2011 xã đã bê tông hóa được 9km. Thực hiện chương trình xây dựng NTM, năm 2012, xã được đầu tư làm tiếp 9 km còn lại đi qua các thôn 4, 5, 6, 8, 12, 13, 14, 15.
Tuy nhiên, theo quy định quy mô đường được mở rộng từ 4m lên 7m nên trong quá trình giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn vì phải lấy vào đất thổ cư, đất vườn, đồi, ruộng… của nhân dân”.
Theo tính toán của xã, với 9km đường giao thông liên thôn thì lấy vào đất của dân khoảng gần 15.000m2 đất bao gồm cả cây cối, hoa màu và một số tường rào kiên cố với tổng trị giá đền bù khoảng 400 - 500 triệu đồng. Với số tiền lớn vậy trong khi nguồn kinh phí của Nhà nước đầu tư còn hạn hẹp không có tiền chi trả đền bù nên xã đã tuyên truyền, vận động các hộ dân có đường đi qua tự nguyện hiến đất làm đường giao thông.
Với phương châm: “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, ngay sau khi họp bàn trước nhân dân, cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trong xã đã tích cực tuyên truyền, vận động giúp mọi người dân nhận thức rõ về lợi ích xây dựng hạ tầng, đặc biệt là các công trình giao thông. Theo đó cán bộ, đảng viên là những người tiên phong, làm nòng cốt để tuyên truyền cho các hộ dân làm theo.
Với cách làm đó, người dân Báo Đáp đã hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xã hội hóa làm đường giao thông nông thôn.
Đến nay, toàn xã cơ bản đã giải phóng xong mặt bằng, trên 400 hộ dân đã tham gia hiến gần 15.000m2 đất. Điển hình như hộ bà Lương Thị Khóa, thôn 6 hiến trên 100m2; hộ ông Nguyễn Văn Vĩnh, thôn 6 hiến 90m2 đất vườn tạp, 225m2 đất rừng, 45m2 đất thổ cư, ông Nguyễn Văn Vinh, thôn 12 hiến trên 200m2 đất thổ cư… Ngoài ra, mỗi hộ dân ở đây còn tự nguyện đóng góp 300.000 đồng/khẩu để thuê máy về san gạt mặt bằng.
Nhiều người trong thôn giúp gia đình anh Vinh phá bỏ tường rào hiến đất để mở đường giao thông nông thôn.
Ông Trần Công Sử - Bí thư Chi bộ thôn 12 cho biết: “Đoạn đường chạy qua thôn dài trên 2km, hiện nay thôn đã làm xong tuyến 1 dài 1km và đang tiếp tục giải phóng mặt bằng tuyến 2 dài 400 m, tuyến 3 dài 700m, dự tính đến hết tháng 8 thôn sẽ hoàn thành xong”.
Theo lãnh đạo thôn 12 thì việc mở rộng tuyến đường có liên quan đến nhiều hộ dân, do vậy lãnh đạo Chi bộ, các đoàn thể trong thôn đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân hiểu sâu sắc ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng đường giao thông vận động mọi gia đình tự nguyện hiến đất làm đường không trông chờ, ỷ lại vào cơ chế, chính sách của cấp trên, để sớm mở rộng tuyến đường chạy qua thôn phong quang, sạch đẹp, đi lại dễ dàng.
Tại cuộc họp quy chế dân chủ với các hộ dân trong thôn, toàn bộ các hộ có diện tích hai bên đường đều biểu quyết nhất trí, sẵn sàng hiến đất để mở rộng đường. Ai cũng hiểu sâu sắc rằng làm đường giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chương trình xây dựng NTM và sẽ tác động tích cực tới đời sống sinh hoạt của họ. Toàn thôn 12 có trên 30 hộ dân tự nguyện dỡ bỏ hàng rào, xưởng xay xát, đất thổ cư để hiến đất phục vụ cho làm đường giao thông, nhà ít 50m2, nhà nhiều trên 300m2, toàn thôn hiến trên 3.000m2 đất.
Gia đình anh Nguyễn Văn Vinh sau khi được tuyên truyền đã tự nguyện đập 100m tường rào kiên cố, trị giá khoảng 40 triệu đồng và trên 200m2 đất thổ cư tâm sự: “Đời mình khổ nhiều vì con đường này rồi nên phải làm cho con cháu mình đi lại đỡ khổ. Có đường đẹp rồi kinh tế - văn hóa phát triển, đời sống của người dân cũng sẽ được nâng cao, tất cả cũng chỉ để phục vụ chính mình thôi mà”.
Bà Nguyễn Thị Hoan năm nay trên 70 tuổi cũng đã hiến trên 100m2 đất thổ cư và vườn tạp. Bà Hoan cho biết: “Sau khi nghe cán bộ, đảng viên trong thôn, xã phân tích rõ thiệt hơn, chúng tôi đều nhận ra lợi ích to lớn của con đường. Hy sinh một chút vật chất của mình nhưng nếu điều đó giúp cho địa phương đẹp hơn, bà con đi lại thuận tiện hơn thì gia đình chúng tôi cũng không còn gì phải đắn đo, đều nhất trí hiến đất và gương mẫu đi đầu để con cháu noi theo”.
Một điều đáng ghi nhận là việc hiến đất của người dân xã Báo Đáp đã thực sự có sức lan tỏa sâu rộng. Đó là kết quả của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể làm tốt công tác tuyên truyền vận động, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của những người có uy tín trong cộng đồng và phát huy sức mạnh của toàn dân.
Kết quả này là điều kiện quan trọng để năm 2013, xã Báo Đáp sẽ hoàn thành tiêu chí về giao thông, nâng tổng số tiêu chí xây dựng NTM của xã đạt 12/19 tiêu chí.
Hồng Duyên
Các tin khác
YBĐT - 4 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện Yên Bình đạt trên 114 tỷ đồng, bằng 29, 21% kế hoạch năm (tăng 18,02% so với cùng kỳ).
YBĐT - Trên địa bàn xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 16 xưởng chế biến gỗ rừng trồng do các gia đình đầu tư với các quy mô khác nhau. Thời gian qua, việc tiêu thụ ván bóc chậm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các xưởng chế biến.
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78 hướng dẫn một số điều của Nghị định 84/2011/NĐ-CP nhằm kiểm soát thị trường, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý giá.
Giá vàng thế giới giảm sâu đã khiến giá kim loại quý hạ gần 300.000 đồng/lượng, có nơi đưa chiều mua tuột khỏi mốc 41 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, mức giảm trên chưa tương xứng nên chênh lệch giá giữa hai thị trường vẫn là gần 2 triệu đồng/lượng.