Hiệu quả phong trào “3 xanh” ở Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Thứ tư, 30/5/2012 | 2:58:23 PM

YBĐT - Với mục tiêu từng bước đưa Mù Cang Chải thoát khỏi 62 huyện nghèo của cả nước và phát triển kinh tế theo hướng bền vững, cuối năm 2011, huyện đã phát động phong trào thi đua “3 xanh” sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. >>Huyện Mù Cang Chải sơ kết phong trào “Ba xanh” / Xanh hóa vùng cao

Người dân La Pán Tẩn chăm sóc ngô đồi vụ xuân 2012.
Người dân La Pán Tẩn chăm sóc ngô đồi vụ xuân 2012.

Phong trào đã nhận được sự tham gia đông đảo của các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn và nhân dân. Tuy thời gian chưa dài song phong trào đã thu được những kết quả tích cực và tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức cũng như hành động. 

Điểm nhấn rõ nét nhất là trong sản xuất nông nghiệp “xanh đồng ruộng”. Do phong tục tập quán, trình độ nhận thức, thâm canh của người dân, nhất là đồng bào dân tộc Mông còn hạn chế, mặc dù trong vài năm trở lại đây sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến đáng khích lệ, tuy nhiên vẫn còn không ít các hộ dân vẫn chỉ quen với sản xuất lúa mùa chứ không làm vụ xuân, cơ cấu giống chủ yếu là sử dụng giống lúa địa phương, sản xuất không đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh dẫn đến năng suất thấp.

Song giờ đây người Mông Mù Cang Chải đã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất như làm mạ che nilon, biết sản xuất 2 vụ. Năm 2011, toàn huyện đưa vào gieo cấy 730ha lúa vụ đông xuân, 2.486ha vụ mùa với cơ cấu lúa lai chiếm 85% diện tích.

Ngoài ra còn trồng được 1.954ha ngô, 350ha đậu tương, góp phần đưa tổng sản lượng lương thực đạt 21.778 tấn. Phát huy kết quả đã đạt được, trong vụ xuân 2012, huyện chỉ đạo nhân dân các xã gieo cấy được 1.050ha lúa, đạt 105% kế hoạch và tăng 320ha so với cùng kỳ.

Ngoài ra, nhân dân cũng gieo trồng dưới chân ruộng một vụ được 2.735ha ngô,  trong đó có 250ha dưới chân ruộng 1 vụ và 440ha ngô trồng trên đất sản xuất lúa nương rẫy. Đặc biệt, nhân dân cũng đã trồng được 210ha rau su hào, cải bắp, rau cải địa phương đảm bảo lượng rau xanh cung cấp cho thị trường.

Tiêu biểu trong phong trào “3 xanh” có xã La Pán Tẩn. Nhân dân trong xã không chỉ gieo cấy được 60ha lúa vụ đông xuân, đạt 150% kế hoạch mà còn trồng được hàng chục ha cỏ, làm hàng trăm cây rơm để dự trữ thức ăn cho gia súc trong mùa đông giá rét. Nhờ vậy, đàn gia súc phát triển tốt, hạn chế thấp nhất gia súc chết rét. Toàn xã đã có 782 con trâu, 306 con bò, đàn gia cầm, thuỷ cầm đạt trên 4.900 con.

Trong phong trào “xanh rừng”, huyện cũng đã tập trung chỉ đạo và vận động nhân dân tích cực tham gia trồng rừng, bảo vệ diện tích rừng hiện có, tăng cường công tác phòng chống cháy rừng mùa khô hanh, đặc biệt là kiểm soát tốt người dân đốt nương làm rẫy. Số vụ cháy rừng đã giảm rõ rệt, nếu như những năm trước trên địa bàn xảy ra hàng chục vụ thì trong mùa khô hanh 2011-2012 chỉ để xảy ra 2 vụ, mức độ thiệt hại cũng giảm.

Song song với công tác phòng cháy rừng, huyện chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, chính quyền và nhân dân các xã bảo vệ tốt khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải tại 5 xã: Púng Luông, Nậm Khắt, Dế Xu Phình, Lao Chải, Chế Tạo với tổng diện tích 20.108,2ha. Toàn bộ diện tích trong khu bảo tồn loài và sinh cảnh đã được giao khoán cho nhân dân bảo vệ.

Ngoài ra còn giao khoán cho các hộ dân ngoài khu bảo tồn 47.012ha rừng, trong đó có 31.928ha rừng tự nhiên, 12.384,47ha rừng trồng... góp phần đưa độ che phủ toàn huyện đạt 56%. Nhân dân và các tổ chức đã chuẩn bị được 501.000 cây thông mã vĩ và 35.000 cây sơn tra để phục vụ trồng rừng phòng hộ năm 2012.

Cái được lớn nhất từ phong trào “3 xanh” ở Mù Cang Chải là đồng bào dân tộc Mông đã hiểu được hiệu quả trong sản xuất vụ xuân và một tư duy mới trong sản xuất, không còn tư tưởng ỷ lại vào Nhà nước như trước đây. Hôm nay nơi đây đã sản xuất được lạc, đỗ tương, ngô làm hàng hóa cung cấp cho thị trường - chuyện nghe như không tưởng ở vùng cao khó khăn này.

Những việc làm, hướng đi cụ thể cùng với sự nỗ lực của nhân dân các dân tộc  trong huyện đã góp phần xóa đói giảm nghèo trong nông nghiệp, nông thôn. Dẫu nơi đây vẫn còn nhiều việc phải làm song những kết quả đã đạt được trong sản xuất nông - lâm nghiệm thật đáng trân trọng và ghi nhận.

Ngọc Trúc

Các tin khác
Bê tông hóa đường giao thông nông thôn ở xã Báo Đáp.

YBĐT - Đến nay, toàn xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên (Yên Bái) cơ bản đã giải phóng xong mặt bằng, trên 400 hộ dân đã tham gia hiến gần 15.000m2 đất.

Huyện tiếp tục đẩy mạnh chế biến gỗ rừng trồng trong thời gian tới.

YBĐT - 4 tháng đầu năm 2012, giá trị sản xuất công nghiệp ngoài quốc doanh trên địa bàn huyện Yên Bình đạt trên 114 tỷ đồng, bằng 29, 21% kế hoạch năm (tăng 18,02% so với cùng kỳ).

Xưởng chế biến gỗ của gia đình anh Hoàng Văn Sự có thời điểm phải tạm ngừng sản xuất.

YBĐT - Trên địa bàn xã Quy Mông, huyện Trấn Yên (Yên Bái) có 16 xưởng chế biến gỗ rừng trồng do các gia đình đầu tư với các quy mô khác nhau. Thời gian qua, việc tiêu thụ ván bóc chậm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của các xưởng chế biến.

Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 78 hướng dẫn một số điều của Nghị định 84/2011/NĐ-CP nhằm kiểm soát thị trường, khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý giá.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục