Thủ tướng yêu cầu khắc phục nợ đọng xây dựng cơ bản
- Cập nhật: Thứ sáu, 12/10/2012 | 8:03:16 AM
Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phải nhận thức đúng tác động bất lợi do nợ đọng xây dựng cơ bản gây ra; phải lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản.
|
Thời gian qua do nhiều nguyên nhân khác nhau tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương diễn ra khá phổ biến và ở mức độ khá nghiêm trọng.
Một số hậu quả có thể kể ra như công trình thi công dở dang, kéo dài, hiệu quả đầu tư kém; chủ đầu tư không có nguồn vốn để thanh toán cho giá trị khối lượng thực hiện; nhiều doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu nợ lương công nhân, chiếm dụng vốn của nhau, không ít doanh nghiệp giải thể và phá sản; góp phần làm cho nợ xấu của ngân hàng tăng lên...
Thực trạng trên đã và đang ảnh hưởng xấu đến an ninh tài chính, an toàn nợ công và tăng trưởng kinh tế bền vững.
Lập lại kỷ cương đầu tư xây dựng cơ bản
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương nhận thức đúng tác động bất lợi do nợ đọng xây dựng cơ bản gây ra, tập trung triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp để xử lý, khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản tại các địa phương.
Xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản là một nội dung quan trọng của tái cơ cấu đầu tư công và lập lại kỷ cương trong đầu tư xây dựng cơ bản; đồng thời, là một trong các giải pháp để ổn định tài chính vĩ mô, bảo đảm tăng trưởng kinh tế bền vững.
Thủ tướng yêu cầu từng địa phương phải kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan (gắn với trách nhiệm cá nhân) trong việc để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản trong thời gian qua. Đồng thời, phải tự cân đối các nguồn vốn để xử lý dứt điểm tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Hết năm 2015 phải hoàn thành xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản
Để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của khối lượng đã thực hiện tính đến ngày 31/12/2011, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, thống kê, phân loại nợ đọng, xác định cụ thể nguyên nhân của từng khoản nợ đọng (khách quan, chủ quan); trên cơ sở đó có kế hoạch và lộ trình xử lý dứt điểm nợ đọng xây dựng cơ quan một cách công khai, công bằng và tổ chức thực hiện nghiêm túc, triệt để.
Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được tiến hành dần theo lộ trình từng năm và thứ tự ưu tiên hợp lý, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng phương án xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn của ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác, bảo đảm đến hết năm 2015 phải hoàn thành việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản.
Hàng năm trước ngày 20/5 phải xử lý ít nhất 30% khối lượng nợ đọng
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ năm 2013, các địa phương phải ưu tiên bố trí vốn để xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản trong kế hoạch phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách địa phương và coi đây là chỉ tiêu bắt buộc trong quy trình tổng hợp, bố trí và giao kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách địa phương; bảo đảm hàng năm trước ngày 20/5 phải xử lý được ít nhất 30% khối lượng nợ đọng xây dựng cơ bản.
Chỉ được bố trí vốn cho các dự án mới sau khi đã bố trí đủ vốn để xử lý nợ đọng theo kế hoạch.
Những địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn thì không được bố trí vốn cho việc khởi công mới các dự án; đồng thời, phải thực hiện đình hoãn một số dự án để tập trung xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản theo quy định.
Bố trí vốn đầu tư dứt điểm cho các công trình hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu các Bộ, địa phương phải chủ động đánh giá, xác định hiệu quả, mức độ hoàn thiện, khả năng khai thác của từng dự án, công trình để thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại đối với những công trình đầu tư dở dang do nợ đọng xây dựng cơ bản.
Đối với những công trình thật sự có hiệu quả, mức vốn hoàn thiện không lớn thì tập trung bố trí vốn đầu tư dứt điểm để đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.
Còn đối với những công trình có khả năng khai thác từng phần thì hoàn thiện đưa vào sử dụng từng hạng mục theo khả năng nguồn vốn cho phép, các hạng mục còn lại phải kiên quyết đình hoãn. Với những công trình dở dang khác cần có giải pháp xử lý phù hợp hoặc kiên quyết tạm dừng thực hiện.
Các địa phương có trách nhiệm định kỳ 6 tháng, hàng năm báo cáo tình hình và kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản về Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Xác định rõ trách nhiệm cơ quan, tổ chức, cá nhân gây nợ đọng
Để không phát sinh thêm nợ đọng xây dựng cơ bản mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu từ năm 2013 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cơ bản; chủ động áp dụng các biện pháp xử lý kịp thời để không làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản; xác định rõ trách nhiệm và có hình thức kỷ luật nghiêm khắc đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách về quản lý vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ để khắc phục những tồn tại, bất cập dẫn đến phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Doanh nghiệp nợ thuế hơn 21.000 tỉ đồng Tại cuộc họp báo chiều 11.10, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Trần Văn Phu cho biết tổng nợ thuế (loại trừ các khoản nợ do chính sách ưu đãi) của các doanh nghiệp đang chiếm khoảng 6,8% tổng thu nội địa của 9 tháng đầu năm. Cũng trong buổi họp báo, đại diện Bộ Tài chính cho biết tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm đạt 498.490 tỉ đồng, trong khi tổng chi lên tới 643.210 tỉ, dẫn đến khó khăn về cân đối ngân sách. Trung ương thậm chí đã phải bổ sung kinh phí cho một số địa phương có lượng hụt thu lớn như Hải Dương, Quảng Nam, Bình Phước, Vĩnh Long… Về các giải pháp giãn - giảm, miễn thuế nhằm kích thích sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết cơ quan này vẫn theo dõi sát sao và tham mưu kịp thời cho Chính phủ để có giải pháp phù hợp với diễn biến kinh tế. Riêng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp xuống thấp hơn mức 25% hiện hành được Bộ đánh giá là cần thiết nhằm thu hút đầu tư, tạo sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Hiện Bộ Tài chính đã thành lập tổ soạn thảo để sửa đổi luật thuế, dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp tháng 5.2013. (Theo TNO) |
(Theo Chinhphu.vn)
Các tin khác
YBĐT - Năm 2012, theo kế hoạch, dự toán thu ngân sách của thành phố Yên Bái là 318 tỷ đồng. Tuy nhiên, tổng thu ngân sách 9 tháng qua mới đạt 130,6 tỷ đồng, bằng 45% kế hoạch tỉnh giao và bằng 41% kế hoạch thành phố đề ra.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa trình báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2012 và dự kiến kế hoạch năm 2013 tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội diễn ra sáng 10.10.
Giá vàng trên thị trường thế giới tiếp tục đi xuống khiến giá vàng trong nước liên tục điều chỉnh giảm. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng trong nước so với thế giới vẫn cao ngất ngưởng, ở mức 3 triệu đồng/lượng (đã trừ chi phí).
YBĐT - Vụ đông năm nay, huyện Yên Bình (Yên Bái) phấn đấu trồng trên 1.550 ha cây vụ đông, trong đó cây ngô đóng vai trò chủ lực với gần 1.100 ha, còn lại là các loại cây khoai lang, khoai tây và những cây rau màu khác.