Mù Cang Chải: Chủ động phòng, chống cháy rừng

  • Cập nhật: Thứ ba, 23/10/2012 | 8:58:06 AM

YBĐT - Với trên 70 nghìn ha rừng, địa hình phức tạp, người dân sống chủ yếu dựa vào rừng và sản xuất lương thực theo tập quán đốt nương làm rẫy, thời điểm từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau, Mù Cang Chải luôn phải đối mặt với nguy cơ cháy rừng cao.

Một buổi họp tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng ở xã Kim Nọi (Mù Cang Chải).
Ảnh:Đức Hồng.
Một buổi họp tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng ở xã Kim Nọi (Mù Cang Chải). Ảnh:Đức Hồng.

Mùa khô năm nay, Huyện ủy Mù Cang Chải đã ra chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền trong công tác phòng, chống, chữa cháy rừng (PCCCR).

Mù Cang Chải về mùa khô năm nào cũng có nắng nóng kéo dài cùng tác động của gió lào khiến cành cây, tán lá và những thảm thực vật khô ron, nếu sơ ý chỉ cần một tàn lửa cũng đủ gây ra những vụ cháy rừng nghiêm trọng. Khi xảy ra cháy rừng lại rất khó dập tắt vì địa hình hiểm trở, phương tiện chữa cháy thô sơ.

Có năm, trên địa bàn huyện xảy ra hàng chục vụ cháy rừng, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế và môi trường sinh thái. Từ đầu năm tới nay, do thời tiết nắng nóng kéo dài cùng với bất cẩn của người dân khi đốt nương, trên địa bàn huyện đã xảy ra 2 vụ cháy rừng tại bản Trống Tông - xã La Pán Tẩn và Khao Mang, làm thiệt hại 17ha rừng trồng.

Trước nguy cơ cháy rừng cao, huyện Mù Cang Chải đã tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân thông qua nhiều hình thức như: phát tờ rơi, kẻ pa no, áp phích, tổ chức cho nhân dân học tập, ký cam kết trong việc bảo vệ rừng và PCCCR bằng tiếng phổ thông và tiếng địa phương. Nhờ đó, người dân đã hiểu rõ lợi ích của việc bảo vệ, PCCCR, 100% thôn, bản xây dựng quy ước bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư.

Bên cạnh đó, huyện cũng tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác ở những nơi có nguy cơ cháy rừng cao để phát hiện lửa rừng và tổ chức lực lượng tham gia chữa cháy kịp thời khi có đám cháy xảy ra. Hạt Kiểm lâm huyện còn thường xuyên theo dõi diễn biến cấp dự báo cháy rừng trong suốt vụ khô hanh, trên cơ sở nắm chính xác cấp dự báo cháy rừng để ra thông báo kịp thời cho ban chỉ huy các xã, các chủ rừng, chủ động PCCCR.

Qua thống kê những năm gần đây cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy rừng là do bà con đốt nương làm rẫy để cháy lan vào. Vì thế, huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra việc phát rừng làm nương, hướng dẫn nhân dân cách đốt nương. Đối với vùng trọng điểm diện tích nương gần rừng nguy cơ cháy rừng cao, tổ chức đốt cưỡng chế.

Ông Vàng A Lử, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mù Cang Chải cho biết: "Rút kinh nghiệm từ những vụ cháy rừng, huyện xác định có hai thời điểm thường xảy ra cháy rừng là dịp tết cổ truyền của người Mông và mùa làm nương. Do đó, từ mùa khô hanh năm 2010, chúng tôi tăng cường cán bộ kiểm lâm xuống xã cùng thống kê số lượng nương của các hộ dân, tổ chức cho các hộ đăng ký ngày giờ đốt nương cụ thể, trên cơ sở đó cán bộ kiểm lâm tổ chức hướng dẫn và giám sát quá trình đốt nương theo đúng quy trình, kỹ thuật đã hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng".

Để giảm thiểu thiệt hại do cháy rừng gây ra, huyện ủy Mù Cang Chải đã ra chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền triển khai nhiệm vụ PCCCR mùa khô hanh.

Qua đó, các cấp ủy Đảng xây dựng nghị quyết về công tác PCCCR mùa khô hanh niên vụ 2012-2013, chính quyền các xã, các ban, ngành, đoàn thể tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về PCCCR nhằm nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Củng cố, kiện toàn Ban chỉ huy PCCCR từ cấp huyện đến cấp xã, xác định vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra cháy rừng để tập trung chỉ đạo. Tổng kết đánh giá kết quả công tác PCCCR niên vụ 2011-2012 để rút kinh nghiệm.

Đồng thời xây dựng phương án, kế hoạch, phân công lịch trực cụ thể cho các thành viên Ban chỉ huy, xác định các vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy cao để tổ chức phương án trực và huy động lực lượng chữa cháy theo phương châm "4 tại chỗ".

Bên cạnh đó, huyện xác định chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, thực hiện thâm canh tăng vụ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Huyện đang tiến hành chuyển trên 1.200ha đất nương sang trồng ngô, vừa góp phần xóa đói giảm nghèo ổn định vừa nâng cao đời sống đồng bào và hạn chế cháy rừng.

Văn Thông

Các tin khác
Ảnh minh họa.

Theo tờ trình về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư các dự án đầu tư xây dựng công trình mà Bộ Xây dựng vừa gửi Chính phủ, tổng vốn đầu tư cần điều chỉnh, bổ sung là 85.540 tỉ đồng (tương ứng với 3.422 dự án đầu tư xây dựng công trình cần điều chỉnh), vượt 47% so với tổng mức đầu tư phê duyệt.

Ảnh minh họa.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vừa cho biết, hiện đã có 11 nước trên thế giới được phép xuất khẩu hàng hóa có nguồn gốc thực vật vào Việt Nam.

Rừng phòng hộ đầu nguồn Mù Cang Chải được khoanh nuôi bảo vệ tốt.

YBĐT- Nhờ có nhiều cơ chế chính sách cũng như làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng, đến nay độ che phủ của rừng Yên Bái tăng từ 37% năm 2000 lên 53,8% và là một trong những địa phương có độ che phủ cao nhất nước.

Các đơn vị thi công khẩn trương đổ bê tông đường và khu tưởng niệm Bác Hồ tại thị xã Nghĩa Lộ.

YBĐT- Qua 9 tháng, sản xuất công nghiệp quốc doanh của tỉnh ước đạt 650 tỷ đồng, công nghiệp quốc doanh địa phương đạt 83 tỷ đồng, công nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 1700 tỷ đồng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 160 tỷ đồng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục