Để sản xuất lâm nghiệp bền vững
- Cập nhật: Thứ hai, 22/10/2012 | 3:16:57 PM
YBĐT- Nhờ có nhiều cơ chế chính sách cũng như làm tốt công tác quản lý bảo vệ và phát triển vốn rừng, đến nay độ che phủ của rừng Yên Bái tăng từ 37% năm 2000 lên 53,8% và là một trong những địa phương có độ che phủ cao nhất nước.
Rừng phòng hộ đầu nguồn Mù Cang Chải được khoanh nuôi bảo vệ tốt.
|
Điều dễ nhận thấy nhất là rừng và chất lượng rừng đã được nâng lên rõ rệt, trồng và phát triển vốn rừng không chỉ được xã hội hoá mà đã trở thành nghề kinh tế mũi nhọn của địa phương. Chỉ trong 10 năm, diện tích rừng toàn tỉnh đã tăng trên 129 ngàn ha.
Đó là kết quả sự đầu tư của Nhà nước thông qua dự án 327, 661 và các dự án khác của tỉnh và địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có trên 479 ngàn ha rừng, trong đó có 36.508 ha rừng đặc dụng, 189.514 ha rừng phòng hộ và trên 253.747 ha rừng sản xuất. Hầu như các diện tích rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đã được các tổ chức, cộng đồng dân cư và người dân nhận quản lý và bảo vệ bền vững.
Song song với bảo vệ, công tác phát triển rừng cũng được đẩy mạnh, nhất là trồng rừng kinh tế. Ngoài các dự án, chương trình của Chính phủ, tỉnh cũng tuỳ các thời kỳ, tuỳ từng địa phương mà có những cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển nghề rừng. Như trước đây các huyện thị phía Tây, người dân chưa có thói quen trồng rừng kinh tế, hàng chục ngàn ha đất lâm nghiệp bị bỏ hoang nhưng người dân vẫn ngày ngày phải lên rừng lấy củi, bẻ măng...
Trước thực trạng đó, tỉnh đã có đề án "Phát triển kinh tế xã hội miền Tây" giai đoạn 2005-2010 tập trung vào trồng rừng kinh tế và hỗ trợ kỹ thuật, giống cây lâm nghiệp và phân bón cho người dân. Đến hôm nay trồng rừng kinh tế đã trở thành một phong trào rộng khắp từ vùng thấp đến vùng cao. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì công tác trồng và phát triển vốn rừng vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ.
Diện tích rừng, nhất là rừng sản xuất không ngừng tăng lên mỗi năm nhưng chất lượng rừng lại chưa đồng đều, trữ lượng rừng thấp, bình quân chỉ đạt 60-70 m3/ha. Mặc dù giá trị sản xuất lâm nghiệp mỗi năm đều tăng, nhưng mới chỉ chiếm 6-7% giá trị GDP của tỉnh - một con số không lớn so với sự đầu tư và tiềm năng.
Bên cạnh đó có một điều dễ nhận thấy là chúng ta vẫn chưa khai thác hết tiềm năng hiện có, diện tích rừng thì lớn nhưng lại chưa hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Sản xuất lâm nghiệp là kế sinh nhai của hàng nghìn, hàng vạn nhân khẩu nhưng lực lượng lao động này phần lớn lại chưa qua đào tạo. Bình quân mỗi năm chúng ta khai thác trên dưới 150.000m3 gỗ và hàng ngàn tấn nguyên liệu sợi dài nhưng lại chưa có một hệ thống chế biến tương xứng.
Số lượng doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chế biến nhiều nhưng đa phần là nhỏ lẻ và sản xuất chế biến nguyên liệu thô là chính, giá trị không cao. Từ đó dẫn đến thị trường lâm sản thiếu ổn định khiến người trồng rừng chưa yên tâm đầu tư vào sản xuất.
Để việc trồng và phát triển rừng một cách bền vững, hiệu quả trước tiên chúng ta phải làm tốt công tác quy hoạch và tạo vùng sản xuất nguyên liệu rộng lớn, đáp ứng cho nhu cầu chế biến. Việc làm trước mắt là cần tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho người trồng rừng hiểu rõ lợi ích kinh tế - xã hội cũng như bảo vệ môi trường sinh thái rừng.
Ngành nông nghiệp cũng cần nghiên cứu và đưa các giống cây lâm nghiệp chất lượng tốt, năng suất cao vào trồng, tránh tình trạng trồng rừng theo tính tự phát, thị hiếu và nhu cầu của thị trường. Để làm được điều đó, chúng ta phải làm tốt công tác dự báo thị trường, vận động người trồng rừng áp dụng các biện pháp lâm sinh để tăng năng suất rừng, trong khai thác áp dụng khai thác tỉa, khai thác chọn để tăng sinh khối rừng.
Cùng với củng cố vùng nguyên liệu, chúng ta cũng nên rà soát lại các cơ sở chế biến, không nên cấp phép cho các tổ chức, cá nhân quá nhiều vào một địa phương hay một vùng nguyên liệu và không nằm trong quy hoạch. Khuyến khích các tổ chức doanh nghiệp đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến lâm sản hiện đại, làm ra sản phẩm hoàn chỉnh để tăng giá trị kinh tế.
Giải quyết tốt các vấn đề này, cùng với thực hiện tốt công tác quy hoạch, bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020; đề án giao đất, giao rừng và cho thuê rừng, tin rằng sản xuất lâm nghiệp sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thanh Phúc
Các tin khác
YBĐT- Qua 9 tháng, sản xuất công nghiệp quốc doanh của tỉnh ước đạt 650 tỷ đồng, công nghiệp quốc doanh địa phương đạt 83 tỷ đồng, công nghiệp ngoài quốc doanh ước đạt 1700 tỷ đồng và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 160 tỷ đồng.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) vừa công bố quyết định cuối trong vụ điều tra chống trợ cấp đối với mặt hàng ống thép nhập khẩu từ VN.
Theo Ngân hàng Nhà nước, trung tuần tháng 10, lãi suất huy động VND không kỳ hạn: 1-2%/năm, dưới 1 tháng: 2%/năm, từ 1 tháng đến dưới 12 tháng: 8,8-9%/năm, từ 12 tháng trở lên: 11-13%/năm. Lãi suất huy động USD: 2%/năm (tiền gửi của dân cư) và 0,5-1%/năm (tổ chức kinh tế). Lãi suất cho vay VND ổn định.
Ngày 21-10, hơn 1.000 đại biểu là doanh nhân, giám đốc, chuyên gia kinh tế, quản lý nhân sự… đã tham gia Ngày nhân sự Việt Nam 2012 tại Trung tâm Hội nghị White Palace (TPHCM).