Đề nghị nâng mức hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lên 1,5-2 lần
- Cập nhật: Thứ ba, 30/10/2012 | 1:49:27 PM
Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ đối với giống cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lên 1,5-2 lần so với chính sách hiện hành.
Để hỗ trợ những người dân bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh gây ra mau chóng phục hồi sản xuất nông nghiệp, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn vừa hoàn tất tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung lại một số điều quy định trong Quyết định 142/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản nhằm khôi phục lại sản xuất ở vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
Theo Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn, từ năm 2010 đến nay, khi thiên tai, dịch bệnh xảy ra, các địa phương trong cả nước đã chủ động triển khai hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại, góp phần ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất theo nội dung nêu tại Quyết định 142. Trong đó, lĩnh vực hỗ trợ nhiều nhất là trồng trọt và chăn nuôi với tổng cộng 98.893ha cây trồng và hơn 147.000 con gia súc, gia cầm với tổng kinh phí là hơn 513 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, đã bộc lộ những khó khăn, bất cập do quy định chưa cụ thể, mức hỗ trợ còn quá thấp nên chưa đáp ứng yêu cầu khôi phục sản xuất sau thiên tai. Với mức hỗ trợ 513 tỷ đồng như đã nêu trên, tính bình quân mỗi năm chỉ có 260 tỷ đồng hỗ trợ, trong khi tính theo tình hình thực tế hiện nay thì mỗi năm cần chi hỗ trợ khoảng 750 tỷ đồng.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề nghị xem xét nâng mức hỗ trợ đối với giống cây trồng, vật nuôi bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh lên 1,5-2 lần so với chính sách hiện hành. Đặc biệt, đề nghị hỗ trợ 100% giá trị cho diện tích cá và tôm quảng canh bị thiệt hại; còn tôm sú, tôm thẻ chân trắng, ngao là 50%; riêng cá tra là 10% giá trị thiệt hại. Đồng thời, đề nghị bổ sung hỗ trợ cho cả diện tích mạ bị thiệt hại do mưa lũ, rét đậm rét hại lên tới 20-30 triệu đồng/ha nếu bị thiệt hại từ 70% diện tích trở lên và 10-15 triệu đồng/ha nếu bị thiệt hại từ 30-70%.
Riêng với gia cầm, mức hỗ trợ thiệt hại hiện đang áp dụng là 7.000-15.000 đồng/con. Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn đề nghị nâng mức hỗ trợ lên 10.000-20.000 đồng/con. Riêng đề nghị của UBND tỉnh Ninh Thuận bổ sung lĩnh vực diêm nghiệp bị thiệt hại do thiên tai, Bộ Nông nghiệp – Phát triển nông thôn cho rằng đây là lĩnh vực sản xuất đặc thù, không sử dụng cây con giống đầu vào sản xuất nên không thuộc diện hỗ trợ. Trong trường hợp có thiên tai gây thiệt hại nặng cho hạ tầng nghề muối, ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ từ nguồn ngân sách dự phòng hàng năm để khôi phục lại sản xuất.
(Theo SGGP)
Các tin khác
YBĐT - Có lẽ giờ đây với nhiều nhà nông Mường Lò, việc áp dụng phân viên dúi sâu (gọi tắt là FDP) đã trở thành một “mảnh ghép” không thể thiếu trong sản xuất lúa nước. Cũng chính bởi vậy mà trong vài năm trở lại đây, tỷ lệ nông hộ và diện tích áp dụng FDP ngày càng nhiều, đi liền với đó là sự tăng lên về năng suất, sản lượng của cây lúa.
YBĐT - Chiều 29/10, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Duy Cường cùng lãnh đạo sở Kế hoạch - Đầu tư, sở Giao thông – Vận tải đã có chuyến kiểm tra tiến độ thi công Dự án đầu tư xây dựng công trình đường tránh ngập thành phố Yên Bái.
Giá điện tháng 10 cũng như trong tháng 11/2012 không điều chỉnh mặc dù chi phí phát điện trên thực tế có giảm.
YBĐT - Những ngày này đến các thôn: Xuân Lan, Thanh Sơn xã Tuy Lộc hay thôn 1, 3 và 4 xã Văn Phú những vùng rau trọng điểm của thành phố Yên Bái mới thấy những bãi đất phù sa đã được phủ kín các loại rau cải củ, cải ngọt; nhiều ruộng rau muống vẫn được chăm sóc tốt nhằm hái thêm chật cuối vụ.