Hạnh Sơn giỏi làm cây vụ đông
- Cập nhật: Thứ sáu, 23/11/2012 | 3:02:37 PM
YBĐT - Hạnh Sơn, một xã vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Văn Chấn vậy mà phần lớn ruộng hai vụ lúa đều trồng ngô đông.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn và xã Hạnh Sơn đánh giá năng suất và hiệu quả kinh tế giống ngô nếp MX4.
|
Năm 2011 (năm cả tỉnh không làm được ngô đông) thì người Thái, người Mường, người Kinh xã Hạnh Sơn vẫn có những ruộng ngô xanh tốt, bắp to, hạt mẩy. Đầu tháng 11 này, chợ Mường Lò, nhất là dọc các tuyến đường ở thị xã Nghĩa Lộ, bà con bày bán rất nhiều bắp ngô tươi, ngô nướng và ngô luộc, hỏi ra mới biết, thời điểm này chỉ có ngô nếp Hạnh Sơn là được thu bán non, những xã còn lại ở vùng lòng chảo Mường Lò này ngô mới nhú cờ, phun râu, có nhanh nhất thì vẫn là ngô sữa chưa thể thu non, bán luộc được.
Theo tuyến đường ven kè ngòi Thia, chúng tôi về Hạnh Sơn để được ngắm nhìn những ruộng ngô xanh tốt, để được trò chuyện với những người trồng ngô đông giỏi ở xã Hạnh Sơn. Đón chúng tôi ngay tại gốc si đầu xã, Bí thư Đảng ủy xã Hạnh Sơn - đồng chí Hoàng Văn Chiến đưa chúng tôi thẳng ra cánh đồng ngô của xã.
Từ Phai Lò tới Viềng Công, sang An Sơn… đâu đâu cũng là ngô, ruộng ngô C919 đã thụ phấn xong, đang chắc hạt, thân cao, lá to và xanh, bắp lớn, bên cạnh ruộng ngô nếp giống MX4. Thời tiết thuận lợi nên lúa mùa phát triển tốt. Thu hoạch đúng thời điểm, bà con Mường Lò nói chung và Hạnh Sơn nói riêng đủ thời gian làm đông, vì thế ruộng ngô nào cũng được lên luống cẩn thận.
Đi khắp các cánh đồng Hạnh Sơn thi thoảng mới bắt gặp một thửa ruộng bỏ trống. Bí thư Chiến giải thích, chỉ có những hộ già yếu, neo đơn, không có lao động mới không làm ngô hoặc những chân ruộng thấp không trồng được ngô mới đành bỏ lại thế này.
Theo thống kê, toàn xã Hạnh Sơn có 258 ha ruộng, thì đã có 240 ha làm cây vụ đông, trong đó 180 ha là cây ngô. Theo sự chỉ đạo của cán bộ kỹ thuật Phòng Nông nghiệp huyện, giống ngô chủ đạo vẫn là C919 cho năng suất cao, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu vùng Mường Lò này.
Riêng giống nếp MX4 bà con làm khoảng trên dưới 20 ha, gieo vào những thửa ruộng gặt mùa sớm (trước 28 tháng 8) để đảm bảo xuống bầu ngô xong trước ngày 2 tháng 9 Dương lịch. Thực tế cho thấy, người dân trong xã đã nắm chắc kỹ thuật làm ngô đông, không những vậy, vụ ba đã trở thành tập quán canh tác của bà con và đã là vụ chính trong cơ cấu sản xuất của xã.
Nắm chắc từng thời điểm để lựa chọn giống cây trồng cho phù hợp nhằm đem lại năng suất và hiệu quả cao, lứa ngô nếp tuy không đạt được năng suất 45 - 50 tạ/ha như ngô tẻ năng suất cao nhưng bù lại giá ngô luộc từ 1.500 đến 2.500 đồng/bắp.
Trưởng thôn Phai Lò - ông Hà Ngọc Thắng đang giúp vợ bẻ ngô non bán tươi, kể: “Người Hạnh Sơn có được những vụ ngô tốt tươi thế này phải biết ơn Đảng, Nhà nước vì từ năm 1993, 1994, cán bộ đã về vận động bà con làm mùa sớm để làm ngô đông. Thú thật là lúc đầu cũng rất ít người chịu nghe, rồi những buổi tập huấn kỹ thuật, những chuyến thăm quan tận Vĩnh Phúc và cả những mô hình trình diễn do cán bộ huyện, tỉnh trực tiếp cầm tay chỉ việc nên dần dần bà con cũng hiểu, rồi người Kinh bên An Sơn hăng hái làm trước, đến bà con người Thái, người Mường Viềng Công làm theo".
"Giờ thôn bản nào ngô cũng nhiều và tốt. Trước đây chúng tôi đi Vĩnh Phúc thăm quan học tập, nay đồng bào Lai Châu, Điện Biên lại về học hỏi cung cách làm ăn của chúng tôi” - ông Thắng khoe.
Được biết, mới đây tập thể Ban thường vụ Đảng bộ xã Hạnh Sơn kiểm điểm theo tinh thần Nghị quyết TƯ 4 đã nhận thức rõ: Là vùng khó khăn (xã mới ra khỏi diện 135 năm 2011), vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ruộng đất có hạn, trong khi đồi rừng gần như không có; quê nghèo, thuần nông, xa quốc lộ, đi lại khó khăn nên không có điều kiện để phát triển thương mại hay tiểu thủ công nghiệp như những xã khác thì vấn đề nâng cao năng suất cây trồng, nâng cao giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích là một giải pháp.
Gần 20 ha đất lúa chưa đưa vào sản xuất vụ đông là lãng phí, cần khắc phục. Chỉ những thửa ruộng lầy không thể làm cây vụ đông thì mới bỏ hoang 3 tháng. Điều đó có nghĩa, chỉ một diện tích rất nhỏ ruộng hai vụ lúa không trồng cây vụ đông là hướng phấn đấu của Hạnh Sơn trong năm 2013.
Không chỉ cán bộ lãnh đạo mà người dân trong xã đã nói đến vấn đề này vì họ đã hiểu rõ vụ đông, đặc biệt là cây ngô trên đất hai vụ lúa đã là mùa vụ chủ lực, cây trồng chính của bà con. Có hạt ngô, hạt thóc, không chỉ có đồng tiền chi dùng, mua sắm mà còn thúc đẩy nghề chăn nuôi…, có vậy bà con bớt đi cái đói, cái nghèo.
Đứng bên hiên nhà sàn khang trang, sạch đẹp, phóng tầm mắt ra cánh đồng ngô xanh mướt, nghe tiếng rì rào của dòng Thia, tiếng lá ngô đang “trò chuyện” với gió mới thấy cảnh sắc Mường Lò, Hạnh Sơn thật thanh bình và tươi đẹp, chắc chắn quê hương sẽ bớt đói, giảm nghèo từ những vụ ngô bội thu.
Lê Phiên
Các tin khác
YBĐT - Năm nay là năm đầu tiên huyện Trạm Tấu triển khai Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015.
YBĐT - Để quản lý tốt nguồn lợi thủy sản trên hồ Thác Bà cần có những giải pháp ngắn hạn và dài hạn. Các giải pháp vận động và tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi nghề ổn định cuộc sống là việc Yên Bình cần quan tâm.
YBĐT - Những năm qua, hoạt động kinh doanh của hộ, cá nhân trong lĩnh vực công thương nghiệp và dịch vụ ở Yên Bái đã có bước phát triển tốt, không ngừng tăng trưởng cả về số lượng và quy mô kinh doanh, đóng góp tích cực vào nguồn thu ngân sách của tỉnh.
MobiFone cho hay, từ 20/11/2012, nhà mạng tạm ngừng cung cấp dịch vụ gọi quốc tế chiều đi tới các đầu số vệ tinh +88 (+881, +882, +883), tránh tình trạng kẻ gian lợi dụng, lừa khách hàng…