Thận trọng trong trồng và khai thác cành lá quế

  • Cập nhật: Thứ hai, 10/12/2012 | 2:57:32 PM

YBĐT - Cây quế đã gắn bó mật thiết và là loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xoá đói giảm nghèo và làm giàu cho hàng vạn hộ nông dân Yên Bái. Không chỉ nhiều về diện tích mà chất lượng quế của Yên Bái còn được thị trường rất ưa chuộng.

Cành, lá quế được dùng để chế biến tinh dầu. (Ảnh: Hồng Duyên)
Cành, lá quế được dùng để chế biến tinh dầu. (Ảnh: Hồng Duyên)

Trong vài năm trở lại đây, để khai thác hiệu quả và tận dụng nguồn cành lá quế tỉa thưa đã có một số doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy chế biến tinh dầu quế. Việc đầu tư xây dựng các nhà máy này là tốt để tăng thu nhập, tạo việc làm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây người dân khai thác cành lá quế một cách “tận diệt” đã làm cho cây sinh trưởng phát triển kém và có nguy cơ làm giảm chất lượng quế.

Có dịp đến vùng quế của Văn Yên, Trấn Yên và Văn Chấn tận mắt được chứng kiến cảnh bà con nhân dân chặt, tỉa thưa cành, lá quế mà xót xa. Những đồi quế 3-5 năm tuổi đang kỳ sung sức vươn chồi nhưng bà con khai thác, tỉa thưa cành lá quá “tận diệt”, chỉ còn lơ thơ vài cành lá nơi đầu ngọn.

Với cung cách tỉa thưa như vậy liệu cây quế còn sinh trưởng phát triển bình thường được nữa hay không? Cách đây vài năm về trước, mỗi khi khai thác, tỉa thưa hàng năm thì toàn bộ cành lá bị bỏ phí chỉ có một số ít được bà con thu gom về chiết xuất tinh dầu theo cách thủ công nên hàm lượng tinh dầu không cao, hiệu quả kinh tế thấp. Thế nhưng từ khi các nhà máy với công suất lớn mọc lên, để đáp ứng nhu cầu cho sản xuất, giá thu mua cành, lá quế cũng được nâng lên và tại thời điểm này giá bình quân từ 2-3 ngàn đồng/kg, bà con lúc đầu thu gom lá dưới gốc cây sau đó khai thác cành, lá ngày một nhiều.

Anh Triệu Tài Phúc - thôn Tặc Tè, xã Nậm Lành đang chở cành và lá quế ra bán cho nhà máy nói: Nhà trồng được 1,5 ha quế hơn 7 tuổi, theo truyền thống mỗi năm chúng tôi phải tỉa thưa cành và lá quế để cây sinh trưởng phát triển tốt hơn. Trước đây chưa có nhà máy toàn bộ cành và lá sau khi tỉa thưa đều gom lại và đốt bỏ đi. Nhưng từ ngày Nhà máy chế biến tinh dầu quế tại xã Sơn Lương được xây dựng và thu mua cành lá tuy giá chưa cao nhưng nếu chịu khó nhặt nhạnh thì cũng đủ tiền mua mớ rau, con cá cải thiện cuộc sống gia đình và có tiền đầu tư phân bón cho cây.

Lúc đầu chỉ nhặt những cành lá dưới gốc và tỉa những cành lá già, nhưng khi giá thu mua cao từ 2,5-3 ngàn đồng/kg tháng nào gia đình cũng tỉa để bán cho nhà máy. Tỉa thế này bán cũng chẳng được bao nhiêu nhưng vì cần tiền trước mắt nên cứ tỉa bán thôi. Bình quân cứ 2 ngày chở một chuyến khoảng 40 - 45 kg, bán thu được 120 ngàn đồng cũng đủ tiền lo cái ăn hàng ngày...  anh Phúc thật thà kể tiếp.

Đồng bào Dao ở xã Nậm Lành (Văn Chấn) gom lá quế để bán cho nhà máy chế biến tinh dầu quế văn Chấn.

Việc xây dựng các nhà máy chiết xuất tinh dầu quế là tốt, không chỉ tận thu cành lá quế trước đây bị bỏ phí mà nó còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trực tiếp và gián tiếp góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc vùng cao. Tuy nhiên, việc xây dựng quá nhiều nhà máy và vượt quá khả năng cung cấp của vùng nguyên liệu cùng với việc bà con chỉ biết cái lợi trước mắt mà khai thác “tận diệt” cành, lá là một vấn đề đáng lo ngại.

Mặc dù cho đến nay chưa có đề tài khoa học nào nói về việc khai thác “tận diệt” như hiện nay ảnh hưởng tới mức nào chất lượng vỏ quế đến kỳ khai thác, nhưng chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây quế. Bởi với bất kỳ một loài cây lâm nghiệp nào khi bị khai thác cành lá quá nhiều sẽ làm ảnh hưởng tới quá trình quang hợp của cây và làm cây khó phát triển bình thường được. Không chỉ tỉa cành bán quá mức mà thấy cái lợi trước mắt nhiều hộ dân, địa phương đã tự phát trồng quế một cách tràn lan không theo quy hoạch của ngành nông nghiệp.

Hiện có những địa phương còn đang xây dựng dự án phát triển vùng quế lên tới 6 ngàn ha, thậm chí còn tính đến phương án nhập giống quế về trồng chỉ để lấy lá phục vụ cho chế biến tinh dầu quế không nằm trong quy hoạch của tỉnh.

Một điều lo ngại nữa là nguồn vốn đầu tư lại chủ yếu là của dân, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật. Đặc biệt, quế là loại cây khá khó tính không phải địa phương nào, đất đai nào cũng trồng và cho vỏ có chất lượng được. Một vấn đề nữa là doanh nghiệp đưa giống quế chỉ cho thu hoạch cành lá vào trồng đến khi nhà máy vì một lý do nào đó mà không hoạt động sản xuất nữa, hoặc giá thu mua lá, cành rẻ mạt thì phần thiệt thòi sẽ lại thuộc về người nông dân.

Thiết nghĩ, ngành Nông nghiệp cần tuyên truyền và hướng dẫn người dân về kỹ thuật trong cách tỉa cành, lá quế như thế nào cho hiệu quả cả trước mắt cũng như lâu dài. Người dân cũng đừng vì ham lợi trước mắt khai thác “triệt để” như hiện nay làm cây sinh trưởng chậm và giảm chất lượng vỏ quế. Ngành nông nghiệp, Chi cục Phát triển Lâm nghiệp cũng cần kiểm tra, đánh giá hiện trạng trồng và sản xuất quế theo quy hoạch, địa phương nào, đơn vị nào trồng và phát triển không theo quy hoạch phải tiến hành xử lý ngay.

Thanh Phúc

Các tin khác

Nhật Bản sẽ dành cho Việt Nam khoản viện trợ 2,6 tỷ USD trong năm tài chính tới, tương đương mức tài trợ của năm 2012. Nước này cũng nhấn mạnh vấn đề cấp bách nhất hiện nay của Việt Nam là phải giải quyết được vấn đề nợ xấu và tái cấu trúc lĩnh vực doanh nghiệp nhà nước.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký Văn bản 10271/BGTVT-VP về việc đề nghị tham gia giám sát, góp ý kiến thực hiện các dự án đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trên cả nước.

Bộ NN&PTNT đã thống nhất lịch lấy nước đổ ải vụ xuân 2013 với các tỉnh trung du, đồng bằng Bắc bộ.

Làm giàn cho cây ớt theo đúng quy trình kỹ thuật.

YBĐT - Năm 2012, cây ớt được đưa vào trồng theo dự án phát triển vùng sản xuất rau an toàn của thành phố Yên Bái tại xã Tuy Lộc đó tạo ra bước đột phá về phương thức sản xuất cũng như tư duy sản xuất. Đây cũng là lần đầu tiên có sự góp mặt của “4 nhà” trên những cánh đồng ớt xuất khẩu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục