Điểm tựa của nhà nông

  • Cập nhật: Thứ năm, 13/12/2012 | 9:01:52 AM

YBĐT - Những năm qua, Hội Nông dân xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ (Yên Bái) đã trở thành chỗ dựa vững chắc, giúp các hội viên nông dân vươn lên phát triển kinh tế bền vững.

Hội viên nông dân xã Nghĩa Phúc tham gia làm kè chắn lũ tại chi hội 4, bản Pưn.
Hội viên nông dân xã Nghĩa Phúc tham gia làm kè chắn lũ tại chi hội 4, bản Pưn.

Là một trong những hội viên có mô hình phát triển kinh tế tổng hợp với quy mô lớn, anh Trương Văn Cơ ở Chi hội 3, bản Pá Làng chia sẻ: "Trước đây, do thiếu vốn và cũng không có kiến thức về phát triển kinh tế nên mặc dù đất rộng nhưng gia đình tôi cũng chỉ cấy lúa, trồng rau màu, cuộc sống cũng khó khăn. Thông qua Hội Nông dân, được tham gia các lớp tập huấn hướng dẫn về kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt và được tạo điều kiện vay vốn, gia đình tôi đã chuyển hướng sang phát triển kinh tế theo mô hình tổng hợp VAC, nuôi lợn, gà, đào trên 3.000m2  ao để thả cá, nuôi vịt và trồng lúa. Trừ chi phí, hiện mỗi năm mô hình tổng hợp đem lại nguồn thu trên 150 triệu đồng".

Cũng nhờ có nguồn vốn vay, sự động viên, giúp đỡ của Hội Nông dân, trong xã xuất hiện ngày càng nhiều hộ sản xuất, chăn nuôi giỏi có thu nhập từ 45 đến 65 triệu đồng/năm như: hội viên Lò Văn Thim, Chi hội bản Pưn với mô hình chăn nuôi lợn, xay xát; hội viên Hà Văn Dem, Chi hội Pá Làng với mô hình dịch vụ phân bón, nuôi chim bồ câu; hội viên Lê Văn Thức, Chi hội Ả Thượng với mô hình sản xuất, chế biến hạt pơ mu...

Năm 2012 có 185 hộ đăng ký thi đua lao động, sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó, cấp Trung ương 1 hộ, cấp tỉnh có 16 hộ, cấp thị xã 28 hộ, còn lại là cấp cơ sở.

Với 402 hội viên sinh hoạt ở 5 chi hội, Hội Nông dân xã Nghĩa Phúc  đã tạo mọi điều kiện cung ứng giống cây trồng, vật nuôi và tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo mùa vụ, giúp hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Để nông dân có vốn sản xuất, kinh doanh, Hội Nông dân đã đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã Nghĩa Lộ thành lập 6 tổ vay vốn với 7 chương trình vay cho 249 hộ hội viên được vay với tổng dư nợ trên 4 tỷ 590 triệu đồng.

Ông Đinh Văn Bưởng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Phúc cho biết: Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã được nông dân Nghĩa Phúc tích cực hưởng ứng và ngày càng phát triển mạnh mẽ. Các hội viên đã tích cực lao động sản xuất, thay đổi tập quán canh tác độc canh cây lúa, mạnh dạn đưa giống mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, từ đó đã góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, tạo động lực để nông dân phát triển kinh tế, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Cùng với đó, phong trào thi đua lao động sản xuất - kinh doanh giỏi không chỉ giúp nông dân cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế mà còn phát huy tinh thần đoàn kết, thắt chặt tình làng nghĩa xóm tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong hội viên nông dân. Những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong xã đã tích cực giúp đỡ về vốn, giống, kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm sản xuất cho những hộ khó khăn vươn lên xóa đói giảm nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ hội viên nghèo giảm nhiều so với những năm trước, số hộ khá, giàu tăng lên. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn Hội đã có 17 hội viên thoát nghèo bền vững - ông Bưởng cho biết thêm.

Song song với phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo thì phong trào nông dân tương trợ, giúp nhau dựng nhà, xây dựng hộ gia đình văn hóa, xây dựng làng, bản văn hóa, xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân xã triển khai hiệu quả. Để giúp đỡ các hộ gia đình nghèo, gia đình chính sách, các hội viên đã đóng góp trên 1.500 ngày công và vật liệu cát, sỏi với tổng giá trị trên 100 triệu đồng để xây dựng 6 nhà 167 và xây 99 hố xí 2 ngăn.

Đặc biệt, năm 2012, Hội đã phối hợp với chính quyền xã và các ban, ngành, đoàn thể vận động, tuyên truyền cho cán bộ, hội viên tham gia đào đắp được trên 400m đường, vận động bà con đóng góp trên 300 rọ tre để làm 220m kè chắn lũ, giúp cho người dân tại thôn bản Pưn, bản Bay và bản Pá Làng yên tâm khi mùa mưa lũ đến; nạo vét trên 5km mương nội đồng, quét dọn vệ sinh trên 5km đường bê tông liên thôn, liên xã với trên 2.500 lượt người tham gia với tổng trị giá trên 200 triệu đồng. Đến nay, toàn xã có 5/5 thôn ra mắt làng văn hóa, 68% hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.

Kinh tế ngày càng phát triển, các tiêu chí về xây dựng gia đình văn hóa, nếp sống văn minh lành mạnh ở khu dân cư, các cuộc vận động được người dân tích cực hưởng ứng chính là cơ sở để mỗi hội viên Hội Nông dân xã Nghĩa Phúc phấn đấu vươn lên, góp phần thiết thực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới.

 T.C

Các tin khác
Cán bộ địa chính xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái) hướng dẫn người dân đến chuyển mục đích quyền sử dụng đất.

YBĐT - Trong khi các địa phương trên toàn tỉnh đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác thu ngân sách thì hết tháng 11 năm 2012, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn đã thu ngân sách đạt 95% kế hoạch giao, đây là một niềm vui lớn của người dân và chính quyền địa phương ở một xã vùng ngoài còn nhiều khó khăn.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức rà soát, kiểm tra việc cấp giấy phép thăm dò, khai thác nước ngầm cho mục đích sinh hoạt theo thẩm quyền.

Theo Bộ Giao Thông Vận tải (GTVT), kể từ 0 giờ ngày 1-1-2013, các trạm thu phí đường bộ nộp ngân sách Nhà nước sẽ bị xóa bỏ theo quy định tại Điều 11, Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15-11-2012 của Bộ Tài chính.

Theo công bố, đối với loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, mức thưởng Tết cao nhất là 217 triệu đồng, thấp nhất là 2,3 triệu đồng

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục