Văn Chấn mùa quả ngọt
- Cập nhật: Thứ năm, 20/12/2012 | 2:43:06 PM
YBĐT - Cứ vào dịp cuối năm, khi những vườn cam, quýt đổ vàng, người dân Văn Chấn lại tất bật mùa hái quả. Năm nay, tuy thời tiết không thuận lợi cho cây cam phát triển nhưng năng suất, sản lượng một số vườn cam lại tăng hơn so với các năm trước, vui hơn là năm nay cam được giá.
Sản lượng cam năm nay của Văn Chấn ước đạt trên 6.000 tấn.
|
Gia đình anh Đoàn Hồng Ngọc ở tổ dân phố 8, thị trấn Nông trường (TTNT) Trần Phú có hơn 2 ha trồng cam các loại; trong đó, 600 gốc cam Canh đang cho thu hoạch, 200 gốc cam V2, còn lại là cam sành, cam sen và quýt. “ Cam năm được mùa, giá bán cao hơn so với năm ngoái. Với diện tích gia đình hiện có, năm nay tôi thu về trên 800 triệu đồng. Giá cam năm nay đảm bảo được cuộc sống ”- anh Ngọc chia sẻ.
Với điều kiện địa hình, chất đất và thời tiết thích hợp với cây cam, TTNT Trần Phú đã trở thành một trong những địa phương có diện tích, sản lượng và chất lượng cam lớn nhất Văn Chấn với 123 ha cam, quýt các loại, trồng chủ yếu ở các tổ dân phố 6, 7, 8 và 19/5,...
Ông Đỗ Anh Thiện - Chủ tịch UBND TTNT Trần Phú cho biết: “Để nâng cao sản lượng và chất lượng cây ăn quả, thị trấn đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân đầu tư, phát triển diện tích cam; áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào cải tạo, chăm sóc để nâng cao chất lượng. Mỗi năm, thị trấn cải tạo được 20 ha cam các loại, các giống đưa vào trồng cải tạo chủ yếu là cam V2, cam Canh và Valencia….”.
Trong những năm qua, xác định cây ăn quả là loại cây nông nghiệp chính để phát triển kinh tế các xã, thị trấn vùng ngoài, huyện Văn Chấn đã tăng cường đầu tư quy hoạch vùng cam chuyên canh nơi đây. Theo thống kê, Văn Chấn hiện có trên 700 ha cam, trong đó 600 ha đang cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở TTNT Trần Phú, các xã Minh An, Thượng Bằng La….; sản lượng bình quân mỗi năm đạt trên 5.000 tấn, đạt giá trị từ 7 - 10 tỷ đồng.
Các loại cây ăn quả có múi như cam, quýt đang chiếm ưu thế trong mũi nhọn phát triển kinh tế các xã vùng ngoài của Văn Chấn. Xây dựng vườn cam đạt năng suất, chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là xây dựng được vùng cam sạch và có thương hiệu là một trong những hướng phát triển nằm trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá của huyện nhiều năm qua.
Lãnh đạo Hội Nông dân huyện và xã Thượng Bằng La bên vườn cam thu tiền tỉ của một hộ nông dân ở xã.
Ông Nguyễn Văn Toản - Trưởng Phòng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn huyện cho biết: “Huyện đã có chính sách hỗ trợ đầu tư, khuyến khích để các mô hình trồng cam phát triển; hỗ trợ cây giống cho nông dân và ưu tiên các nguồn vốn vay để phát triển cam theo mô hình trang trại”.
Các mô hình trồng cam khu vực vùng ngoài Văn Chấn nhờ thế đang phát huy hiệu quả, chất lượng và sản lượng tăng đều các năm. Từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã trồng mới và trồng cải tạo 150 ha bằng các giống cam Canh và cam V2 thay thế những cây cam già cỗi, nhiễm bệnh. Nhiều giải pháp kỹ thuật tiên tiến cũng đồng thời được người nông dân áp dụng.
“Yếu tố quan trọng nhất là cây cam phải có chất lượng, việc trồng cam phải thực hiện theo chương trình VietGap. Huyện sẽ tiếp tục cử cán bộ xuống tổ chức tập huấn kiến thức về trồng và chăm sóc theo đúng quy trình để có vùng cam an toàn và sạch bệnh”, ông Toản cho biết thêm.
Vụ cam năm nay, sản lượng toàn huyện ước đạt trên 6.000 tấn. Theo các gia đình trồng cam cho biết, nhờ đầu tư chăm sóc đúng quy trình, cam năm nay rất mọng nước, vị ngọt đậm được thị trường ưa chuộng và giá bán cao hơn mọi năm. Giá cam Canh tại vườn từ 34.000 - 37.000đồng/kg, cam Sành 10.000 đồng/kg, cam Sen khoảng 15.000 - 18.000đồng/kg.
Nhiều hộ gia đình trồng cam thu bạc tỷ. Hiệu quả từ trồng cam đã từng bước đưa người dân địa phương tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống, góp phần giải quyết số lượng lớn lao động nhàn rỗi tại địa phương.
Khai thác tiềm năng tại chỗ xây dựng thành công vùng chuyên canh cây ăn quả ở khu vực vùng ngoài là minh chứng cụ thể cho chủ trương quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn quả gắn với việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất ở Văn Chấn mà không mục đích nào ngoài việc nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, tạo ra sản phẩm nông sản hàng hoá tập trung, có sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập và đời sống cho nông dân.
Tuy nhiên, để mở rộng vùng cam sạch, có chất lượng, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước thì chính những người nông dân khi phát triển các mô hình trồng cam cần tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh bằng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc vi sinh, vừa có chất lượng lại đảm bảo an toàn, tiết kiệm được chi phí và bảo vệ môi trường.
Tiến Lập - Nguyễn Hoàng
Các tin khác
YBĐT - Với những hiệu quả bước đầu từ mô hình nuôi cá rô phi đơn tính thuộc Dự án sinh kế giảm nghèo giai đoạn 2 được triển khai tại xã Mường Lai (Lục Yên) cho thấy, có nhiều con đường để thoát nghèo, vượt khó ngay trên chính mảnh đất quê hương.
YBĐT - Tăng cường khuyến khích phát triển và mở rộng các cơ sở chế biến gỗ rừng trồng, đến nay, trên địa bàn huyện Lục Yên (Yên Bái) có trên 50 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án ngăn ngừa và kiểm soát sinh vật ngoại lai xâm hại ở Việt Nam đến năm 2020, với mục tiêu kiểm soát, quản lý hiệu quả việc nhập khẩu, nuôi trồng và phát triển các loài ngoại lai ở Việt Nam nhằm ngăn chặn tác động tiêu cực đến môi trường và đa dạng sinh học.
Bộ Tài chính vừa có công văn hỏa tốc yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương sớm triển khai việc thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô.