Giữ kho báu của rừng
- Cập nhật: Thứ ba, 5/2/2013 | 3:42:43 PM
YBĐT - Rừng Tân Phượng có diện tích rộng trên 5.200ha, nằm trên địa bàn các xã Lâm Thượng, Minh Chuẩn, trong đó riêng vùng lõi thuộc xã Tân Phượng có diện tích khoảng 3.000 ha, có độ đa dạng sinh học lớn nhất huyện Lục Yên với những cây gỗ quý hàng trăm năm tuổi.
Rừng Tân Phượng đang hồi sinh trở lại.
|
Từ trung tâm huyện Lục Yên vượt qua quãng đường 30 km lầy lội và sỏi đá, chúng tôi đặt chân đến đất Tân Phượng. Đập vào mắt người đến là những cánh rừng ngút ngàn ẩn hiện trong lớp sương mù huyền ảo. Dọc đường vào trung tâm xã, những cây gỗ to sừng sững 4, 5 người ôm không xuể. Những cánh rừng bạt ngàn kia đã chở che, bao bọc cuộc sống của 275 hộ đồng bào Dao nơi đây. Theo các cụ cao niên địa phương kể lại thì ngày trước rừng Tân Phượng cây cối mọc san sát, muông thú thì nhiều vô kể.
Ông Triệu Tài Vận, năm nay 73 tuổi, kể rằng: Cái làng này ngày xưa thưa dân lắm, thôn Bó Mi nơi tôi đang ở chỉ có vài hộ. Người Dao sống bám vào rừng theo kiểu du canh du cư. Họ đi khắp cánh rừng để dựng lều gieo hạt. Được vài ba vụ đất cằn cỗi, thú rừng khan hiếm lại kéo nhau đến khu rừng khác kiếm ăn. Cứ đi đến đâu là gỗ rừng bị ngả đến đó. Bắt đầu câu chuyện về việc “ăn bám” rừng như vậy, ông cho biết, trong cuộc đời, ông đã từng hạ gục hơn 60 con thú như hươu, nai, sơn dương, lợn rừng... Chỉ lên cột nhà nơi còn treo bộ nanh vuốt, ông bảo: “Con lợn rừng kia nặng 2,5 tạ, tôi giữ bộ nanh lại làm kỷ niệm cho con cháu”.
Nhấp chén nước lá thuốc của người Dao, ông tiếp tục hào hứng: Những năm 60 về trước, người dân ở đây chỉ biết phá rừng làm nương rẫy trồng lúa, trồng ngô. Lúa, ngô vừa có hạt thì thú rừng kéo đến phá, chỉ sau vài đêm là sạch bách. Để có lúa gạo ăn phải xua đuổi thú dữ nên tôi và một số lão làng ở đây săn thú là thế”.
Ông Bàn Phúc Châu, 53 tuổi thì lại lý do khác: “Trước đây chưa cấm săn bắn như bây giờ, thanh niên trạc tuổi tôi ai cũng lên khoác súng, vác nỏ lên rừng. Thường thì nhà nào cũng có súng săn tự chế, việc đi săn không chỉ vì mục đích thực phẩm, thu nhập mà còn vì tập quán, thú vui; đối với đám thanh niên còn là để thể hiện mình trước cộng đồng”.
Đang hào hứng, tôi hỏi ông Châu giờ còn nhiều người đi săn nữa không, giọng ông bỗng chùng lại: “Do săn bắn nhiều quá nên thú rừng đã vơi nhiều. Nếu không có việc cấm cửa rừng chắc giờ rừng Tân Phượng đã tan hoang. Từ khi Nhà nước thu súng tự chế, cấm việc chặt phá rừng, lại được cán bộ xã, cán bộ kiểm lâm địa bàn tuyên truyền về Luật Bảo vệ rừng nên bà con bảo nhau nghe theo cán bộ kiểm lâm trồng ngô, trồng lúa nước, không đốt nương, không lên núi đốn cây, bắt thú nữa”.
Mặc dù chịu nhiều tác động của con người nhưng rừng Tân Phượng vẫn là khu vực có hệ sinh thái rừng tự nhiên mang tính điển hình của vùng núi phía Bắc Việt Nam. Năm 2010-2011, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phối hợp với một nhóm các nhà khoa học thuộc Trường Đại học Lâm nghiệp lên khảo sát rừng Tân Phượng.
Sau gần 3 tháng ăn rừng ở rú, điều tra nghiên cứu ban đầu của đội khảo sát đã cho thấy, khu rừng này ngoài đa dạng sinh học về thảm thực vật, khu hệ thực vật và động vật còn có những mẫu rừng tương đối nguyên sinh và đã thống kê được 876 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 569 chi của 177 họ trong 6 ngành thực vật và 177 loài động vật có xương sống thuộc 62 họ và 19 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát và ếch nhái. Trong số đó có 47 loài thực vật và 37 loài động vật thuộc diện quý hiếm được ghi trong sách Đỏ; điển hình là các loài động vật: voọc mũi hếch, gấu ngựa, gấu chó, báo hoa mai, gà lôi trắng, kỳ đà hoa…
Cán bộ kiểm lâm huyện thường xuyên tổ chức tuyên truyền và ký cam kết bảo vệ rừng cho các hộ dân. (Ảnh: Triệu Huấn)
Xác định được tầm quan trọng của rừng Tân Phượng, nhiều năm nay, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm đã nỗ lực bảo vệ kho báu trời cho. Các kiểm lâm địa bàn đã tham mưu cho chính quyền xã giao khoán diện tích rừng cho các chủ hộ; các thôn bản thường xuyên phổ biến, vận động người dân cùng giữ rừng, xã xây dựng bộ quy ước bảo vệ rừng, thành lập các tổ tuần tra với 20 thành viên thường xuyên thị sát các tuyến đường giáp ranh với các xã lân cận, các khu vực rừng trọng điểm, khu vực thường xuyên tung tác của lâm tặc. Đến nay, tất cả các hộ gia đình trong xã đều đã ký cam kết thực hiện quy ước, hương ước bảo vệ rừng.
Ông Triệu Tài Vận cho biết: “Các cán bộ kiểm lâm địa bàn thường xuyên đến từng nhà để tuyên truyền, vận động dân bản không phá rừng làm nương rẫy, không vào rừng chặt cây lấy gỗ, không tiếp tay cho lâm tặc. Nhờ vậy, nhận thức của bà con được nâng cao. Tôi cũng thường xuyên khuyên nhủ con cháu mình không được lên rừng chặt cây, săn bẫy thú nữa vì giữ rừng là giữ cho con cháu mình sau này”.
Chị Triệu Thị Khách, người thôn Khe Bín, xã Tân Phượng cũng hiểu: “Cán bộ kiểm lâm và cán bộ xã nói rồi, nếu phá rừng sẽ không giữ được nguồn nước, mưa lớn sẽ gây ra lũ quét, phá nương lúa, nương ngô, đe dọa cuộc sống con người. Mình sẽ vận động người thân trong gia đình và làng xóm không phá rừng. Có rừng, đời sống mới ấm no, mới phát triển được”. Người Dao Tân Phượng hiểu điều đó nên đang ngày đêm cùng nhau ra sức giữ gìn kho báu của rừng.
Văn Thông
Các tin khác
YBĐT - Năm 2012, với những khó khăn chung và riêng nhưng dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Yên Bái cùng sự phối hợp hiệu quả của các ban, ngành, Đảng bộ huyện Lục Yên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ của năm đạt những kết quả quan trọng: 37/38 chỉ tiêu đạt và vượt nghị quyết.
Từ ngày 25/3/2013, VNPT sẽ chính thức ngừng cung cấp dịch vụ Điện thoại thẻ Việt Nam (Cardphone) trên toàn quốc. Tính đến hết tháng 12/2012, VNPT đã tháo dỡ 9.949 trạm. Số trạm trên mạng hỏng không hoạt động đang chờ tháo dỡ, thu hồi là 1.096 trạm và số trạm còn đang hoạt động là 1.029 trạm.
YBĐT - Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, Hội Nông dân xã Đại Phác (Văn Yên) đã bám sát các nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương về phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng, phát huy sức mạnh tổng hợp của nông dân xây dựng địa phương trở thành xã điển hình về nông thôn mới vào năm 2015.
YBĐT - Về Nghĩa Lợi (thị xã Nghĩa Lộ) những ngày cuối năm, con đường vượt qua cánh đồng bát ngát ngô, cây rau màu, len tận vào thôn xóm đều đã được bê tông hóa. Những đổi thay của vùng quê nghèo cho ta cảm giác mùa xuân thêm ấm áp...