Những phụ nữ biết vượt lên đói nghèo

  • Cập nhật: Thứ tư, 20/3/2013 | 2:47:14 PM

YBĐT - Những năm qua, bằng nhiều hoạt động thiết thực giúp các hội viên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, phong trào phụ nữ xã Tân Đồng (Trấn Yên) đã góp phần thay đổi diện mạo nông thôn của xã.

Chị Trần Thị Kiên chăm sóc quế.
Chị Trần Thị Kiên chăm sóc quế.

Hội Phụ nữ xã Tân Đồng có 680 hội viên sinh hoạt ở 8 chi hội. Mặc dù địa phương đã ra khỏi diện 135 song Tân Đồng vẫn là xã thuần nông lại có 3 thôn đồng bào Dao thuộc diện đặc biệt khó khăn. Chính bởi vậy, tỷ lệ hội viên có mức sống nghèo toàn xã chiếm trên 40%. Những năm qua, phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế, vươn lên xóa đói giảm nghèo luôn được Hội Phụ nữ xã đặc biệt quan tâm.

Với nhiều cách làm thiết thực, hiệu quả, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã đã xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp chỉ đạo các chi hội thực hiện chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế có hiệu quả.

Chị Lưu Thị Huệ - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tân Đồng cho biết: “Thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, Hội Phụ nữ xã đã giúp hội viên thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa và vận động các hội viên khá giúp đỡ các hội viên nghèo. Nhờ cách làm này, các hội viên nghèo đều được hỗ trợ giống, vốn, công lao động để phát triển kinh tế gia đình”.

Hàng năm, Hội Phụ nữ xã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Bảo vệ thực vật huyện mở 3 - 4 lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện mở các lớp trồng dâu nuôi tằm, phát triển các ngành nghề dịch vụ cho hội viên phụ nữ và con em hội viên. Tạo điều kiện cho chị em có vốn phát triển kinh tế gia đình, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã đã đứng ra tín chấp ủy thác cho hội viên vay vốn tùy theo khả năng kinh doanh của từng gia đình.

Đến nay, Hội Phụ nữ xã Tân Đồng quản lý 5 tổ vay vốn với tổng dư nợ gần 4 tỷ đồng cho trên 500 lượt hội viên vay. Những hội viên có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có khả năng vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, từ tháng 7 năm 2010, Ban chấp hành Hội Phụ nữ xã đã vận động các hội viên có mức sống khá mỗi tháng đóng góp 5.000 đồng để thành lập quỹ hội, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn, rủi ro.

Nhờ đồng vốn được vay, có kiến thức phát triển kinh tế gia đình, nhiều hội viên đã vươn lên với nhiều mô hình đa dạng như: sản xuất con giống, rau giống, trồng rau sạch, kinh doanh hàng tạp hóa, dịch vụ máy xay xát, máy nông nghiệp, phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp, trồng dâu nuôi tằm... Phong trào giúp đỡ các hội viên thoát nghèo bền vững cũng được các chi hội hăng hái đi đầu.

Tiêu biểu như Chi hội 1, Chi hội 2, Chi hội 5 bằng nhiều hình thức như góp công, vật liệu xây dựng cùng chính quyền xã xóa nhà dột nát, hỗ trợ vốn, giống giúp các gia đình hội viên ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế.

Năm 2012, Hội Phụ nữ xã đã giúp 10 gia đình hội viên thoát nghèo bền vững. Những mô hình kinh tế tổng hợp có mức thu nhập từ 70 triệu đồng/năm trở lên xuất hiện ngày càng nhiều trong các gia đình phụ nữ, góp phần tăng tỷ lệ hội viên có mức sống khá, giàu toàn xã lên 30%.

Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp của gia đình chị Trần Thị Kiên, Chi hội Khe Đát là một điển hình minh chứng cho việc sử dụng đồng vốn vay hiệu quả. Từng là hộ nghèo của thôn, lập gia đình, ra ở riêng năm 2004 với gần 5 sào ruộng khoán, có sức khỏe, có nghị lực và ý chí làm giàu song cái khó với gia đình chị Kiên lại là đồng vốn.

Thông qua tổ chức Hội Phụ nữ xã, chị đã được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện. Với số tiền này, chị mua lợn giống, đồi rừng, máy xay xát để phát triển kinh tế gia đình. Chăm chỉ lao động, lấy công làm lãi và quay vòng sinh lợi đồng vốn, gia đình chị Kiên đã trở thành một trong những hộ khá giả nhất nhì của thôn.

Gia đình chị Trần Thị Hồng Loan, Chi hội 1 cũng vậy. Nhà chị có nhân lực, đất đai ruộng vườn rộng song lại thiếu vốn để phát triển kinh tế gia đình. Ấp ủ mong ước mở xưởng ván bóc tạo việc làm cho con em hội viên trong thôn, năm 2010, thông qua Hội Phụ nữ xã, chị được vay 30 triệu đồng. Cộng với số tiền tích góp, vay mượn thêm của anh em, gia đình chị đã mở xưởng làm ván bóc. Sau 3 năm làm kinh tế, cuộc sống gia đình chị đã khá lên trông thấy.

Hiện tại, chị đã trả hết số tiền vay cả vốn lẫn lãi và tiếp tục làm thủ tục vay thêm để mở rộng quy mô làm kinh tế. Từ một hộ nghèo, đến nay, gia đình chị đã có bát ăn bát để, mua sắm được nhiều tiện nghi sinh hoạt đắt tiền. Điều quan trọng hơn với chị Loan là đã tạo việc làm cho hơn 10 lao động địa phương, chủ yếu là con em hội viên phụ nữ xã.

Bằng những hoạt động thiết thực, phong trào của Hội Phụ nữ xã Tân Đồng đã tạo được sức lan tỏa trong các chi hội, góp phần giảm nhanh số hộ nghèo trong toàn hội. Đây sẽ là điều kiện quan trọng để thay đổi diện mạo nông thôn ở xã.

Lệ Thanh

Các tin khác

Kể từ ngày 1.6.2013, thông tư 02/2013/TT-NHNN quy định về phân loại tài sản có, trích lập sử dụng dự phòng rủi ro sẽ chính thức có hiệu lực.

Kho chứa LPG lạnh Thị Vải

Ngày 20-3, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tổng Công ty CP Khí Việt Nam và các đối tác đã khánh thành công trình Kho chứa LPG lạnh Thị Vải – một công trình được đánh giá là Kho chứa LPG lạnh lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Công nhân Công ty Đá Cẩm Thạch R.K Việt Nam khai thác đá hoa trắng.

YBĐT - Với những cố gắng của các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, giá trị sản xuất CN-TTCN của Lục Yên (Yên Bái) trong 2 tháng đầu năm đạt gần 64 tỷ đồng, trong đó công nghiệp ngoài quốc doanh trên 25,8 tỷ đồng, còn lại là công nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Vụ sắn 2012, huyện Văn Yên trồng trên 8 ngàn ha thuộc 17 xã trong toàn huyện.

YBĐT - Vài năm trở lại đây, cây sắn đang là loại cây trồng “hot” đối với bà con nông dân trong tỉnh Yên Bái nói chung và người dân Văn Yên nói riêng. Sắn lên đồi, sắn vào vườn, sắn chen cả vào chè, vào cây lâm nghiệp, diện tích sản lượng sắn không ngừng tăng lên mỗi năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục