Văn Lãng khơi nguồn sức trẻ

  • Cập nhật: Thứ ba, 26/3/2013 | 2:50:01 PM

YBĐT - Hiệu quả các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của tuổi trẻ Văn Lãng, huyện Yên Bình (Yên Bái) cho thấy sự năng động, xung kích của tuổi trẻ và là động lực khơi dậy phong trào phát triển kinh tế trong nhân dân, góp sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Mô hình kinh tế của đoàn viên Trần Đức Hải cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Mô hình kinh tế của đoàn viên Trần Đức Hải cho thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm.

Tôi cùng Bí thư Huyện đoàn Yên Bình Trần Anh Hải về Văn Lãng - một trong những xã nghèo của huyện Trấn Yên trước đây, nay thuộc huyện Yên Bình. Có đi mới  thấy, diện mạo nông thôn Văn Lãng nay đã thực sự đổi khác.

 Luồng sinh khí của công cuộc xây dựng nông thôn mới đã đánh thức quê nghèo, làm bật dậy những tiềm năng, thế mạnh của đất và người nơi đây mà chính thanh niên là lực lượng tiền phong xung kích, dám nghĩ dám làm trong phong trào phát triển kinh tế địa phương.

Anh Lê Hồng Quân - Bí thư Đoàn xã bộc bạch: “Thanh niên nông thôn bây giờ năng động, có chí lập nghiệp, lại rất nhạy bén với nhu cầu thị trường. Nếu trước đây người quê nghèo vì thiếu kiến thức phát triển kinh tế, khổ vì đường đất đi lại khó khăn kéo theo kinh tế chậm phát triển thì nay đường bê tông đã được đầu tư mở rộng đến nhiều thôn thuộc khu vực trung tâm xã. Tiềm năng đất đồi rừng được khai thác, phát huy hiệu quả. Nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp được thanh niên mạnh dạn đầu tư phát triển, bước đầu cho thu nhập khá. Chỉ riêng thôn 6 đã có tới ba, bốn mô hình trang trại tổng hợp cho hiệu quả thu nhập tốt”. Thực tế, kinh tế địa phương phát triển đã giữ chân thanh niên nông thôn bám đất, bám quê lập thân, lập nghiệp.

Như để minh chứng cho những gì mình nói, anh Quân đưa chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của đoàn viên Trần Đức Hải.

Gần 6 năm lăn lộn chốn Hà thành làm đủ nghề kiếm sống, cuối cùng lại trở về quê với hai bàn tay trắng, xác định lấy cái cần cù chịu khó làm lờ lãi trong chăn nuôi để gây dựng kinh tế gia đình, Trần Đức Hải tâm sự: “Mình cũng đi nhiều nơi, bươn trải đủ nghề kiếm sống nhưng rồi đồng tiền làm thuê làm mướn có đấy rồi lại hết ngay. Có đi ra ngoài kiếm sống mới thấy chẳng đâu bằng được quê mình...”.

Nhìn người thanh niên 28 tuổi ấy luôn chân luôn tay bận bịu với những chú chim bồ câu mới nở, đàn lợn thịt mấy chục con sắp xuất chuồng, đàn gà ri thả vườn hơn 300 con, rồi thì nấu rượu, làm thêm dịch vụ xay xát để lấy phụ phẩm phục vụ chăn nuôi,… mới thấy khối lượng công việc trong ngày mà anh đảm đương không hề nhỏ.

Anh chia sẻ: “Nhà nông phải chịu khó thôi, mỗi thứ mỗi tí, lấy ngắn nuôi dài, lấy công làm lãi, chịu khó thức khuya dậy sớm, cuộc sống cũng dễ chịu hơn trước nhiều. Được cái giao thông của xã hai năm nay đã thuận tiện hơn trước, người dân lại quay về với kiểu chăn nuôi truyền thống thay vì chạy theo kiểu chăn nuôi công nghiệp nên gà, lợn nuôi ra đến đâu được thương lái trong vùng đến tận nhà gom mua hết ngay tới đó nên cũng kích thích được sản xuất. Giá cả thấp, cao phụ thuộc nhiều vào thị trường nhưng kinh tế cứ bình ổn như vài năm trở lại đây thì làm kinh tế trang trại vẫn là một hướng phát triển kinh tế hiệu quả”. Tính sơ sơ, mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh để ra trên dưới trăm triệu đồng.

Là người trẻ, lại chưa từng trải nghiệm trong chăn nuôi nhưng đoàn viên Nguyễn Văn Cường, 24 tuổi cùng ở thôn 6 lại mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gà ri thả vườn với quy mô trên 1.500 con/lứa. Đã từng phải trả giá cho những thất bại buổi đầu vào nghề tới vài chục triệu đồng nhưng quyết tâm lập nghiệp và làm giàu trên đất quê hương vẫn luôn nung nấu, khát khao trong Cường.

Cường tâm sự: “Có rất nhiều con đường lập thân lập nghiệp mà không nhất thiết phải qua giảng đường đại học hay rời xa quê mới thành. Quê nghèo nhưng có đất, có rừng, chịu được khó, chịu được khổ là có thể làm nên sự nghiệp…”. Xin cha mẹ thế chấp số đỏ đất để vay ngân hàng 100 triệu đồng làm vốn đầu tư con giống, củng cố lại hệ thống chuồng trại chăn nuôi gà, lợn, Cường không nông nổi đánh bạc với trời như lần trước.

Đọc, học kiến thức kỹ thuật chăn nuôi gà, lợn qua sách báo, học hỏi kinh nghiệm qua những chủ trang trại chăn nuôi lớn trong vùng, tuân thủ nghiêm ngặt chu kỳ tiêm phòng dịch, vệ sinh phòng bệnh cho đàn gà, bước đầu Cường đã thành công. Dịp tết Nguyên đán Quý Tỵ 2013, Cường xuất bán 1 nghìn con gà thịt, thu trên 200 triệu đồng…

Hiện nay, xã Văn Lãng có 18 mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho hiệu quả kinh tế tốt. Riêng năm 2012 xã đã phát triển được 12 mô hình, chủ yếu là của đoàn viên thanh niên. Hiệu quả các mô hình kinh tế trang trại tổng hợp của tuổi trẻ Văn Lãng cho thấy sự năng động, xung kích của tuổi trẻ và là động lực khơi dậy phong trào phát triển kinh tế trong nhân dân, góp sức xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

 Phạm Minh

Các tin khác
Được vay vốn qua hội nông dân, gia đình ông Trần Văn Vỹ - hội viên Hội Nông dân xã Y Can, huyện Trấn Yên đầu tư nuôi gà.

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) của Đảng, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động dịch vụ hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh cho hội viên, đặc biệt là hỗ trợ tạo vốn cho hội viên nông dân phát triển kinh tế.

Vụ quả thu hoạch đầu tiên năm 2011, gia đình anh Đường thu về trên 60 triệu đồng.

YBĐT - Thành công của dự án phát triển giống bưởi đặc sản trên đồi đất Trần Phú, huyện Văn Chấn (Yên Bái) đang mở ra triển vọng mới, góp thêm một loại cây trồng hiệu quả trong chiến lược phát triển và nâng cao giá trị kinh tế vùng chuyên canh cây ăn quả có múi tại địa phương.

Trong văn bản giải trình đối với các ý kiến tham vấn cho dự thảo Thông tư quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở xã hội theo Nghị quyết 02 của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định mức lãi suất ưu tiên 6%/năm trong 3 năm là phù hợp và sẽ không tăng thêm hạn mức cho gói tín dụng hỗ trợ thị trường bất động sản, hiện nay là 30.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo Hội Nông dân Văn Chấn thăm mô hình sản xuất chế biến chè xanh chất lượng cao của anh Bùi Thế Cường ở xã Sơn Thịnh.

YBĐT - Trong những năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp đỡ nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng luôn được đông đảo cán bộ, hội viên nông dân huyện Văn Chấn (Yên Bái) hưởng ứng, đã trở thành phong trào sâu rộng, thiết thực, đạt được nhiều kết quả đáng mừng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục