Sẽ phát hành trái phiếu Chính phủ để làm Quốc lộ 1

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/5/2013 | 8:18:56 AM

Theo Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Vũ Đức Đam, để thu hút nhà đầu tư dự án mở rộng Quốc lộ 1 và cải tạo, nâng cấp đường Hồ Chí Minh đi qua Tây Nguyên (Quốc lộ 14), một số đoạn có thể kêu gọi nhà đầu tư theo hình thức BOT( xây dựng- khai thác- chuyển giao) hoặc PPP (công – tư) cùng làm. Tuy nhiên, một số đoạn không kêu gọi được nhà đầu tư nên phải dùng ngân sách.

Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đang được tiến hành thi công.
Dự án mở rộng Quốc lộ 1A đang được tiến hành thi công.

“Chính phủ đã báo cáo Quốc hội, xin phương án phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để làm Quốc lộ 1 và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định.

Thông tin trên được đưa ra trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 5/2013 của Văn phòng Chính phủ tổ chức vào trưa nay (26/5).

Phát biểu trong phiên họp báo Chính phủ tháng 5, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng, hiện nay, nước ta có một số công trình giao thông rất quan trọng, trong đó có Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, công trình Quốc lộ 1A đã được đưa vào Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, coi đây là một trong những công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm của cả nước. Đường Hồ Chí Minh khu vực đi qua Tây Nguyên cũng có vai trò đặc biệt quan trọng vì  khu vực này là địa bàn về kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh cần đẩy mạnh phát triển, nên hạ tầng phải đi trước một bước.

Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Đam nhìn nhận, khác các vùng khu vực trên cả nước, Tây Nguyên chưa có đường sắt mà chỉ có một số sân bay nhỏ. Để phát triển vùng thì cần tập trung đầu tư giao thông. Vì thế, việc đầu tư 2 công trình này là rất cấp bách.

“Nhân dân, cả nước và kể cả nhà đầu tư nước ngoài đều mong muốn có giải pháp để đầu tư, hoàn thành sớm nhiều công trình giao thông, trong đó có 2 tuyến đường trên,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng đặt ra câu hỏi, với các dự án trên, làm thế nào để huy động nguồn vốn đầu tư khi mà bối cảnh tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng ngân sách giảm xuống còn chưa đầy 19% (những năm trước, tỷ lệ này vào khoảng 30 – 40%).

“Quốc lộ 1A là đường xương sống dọc đất nước với gần 2.000 km. Do vậy, không phải đoạn nào cũng có nhiều xe đi để thuyết phục nhà đầu tư đầu tư thu phí,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam thừa nhận.

"Không nâng phí giao thông quá cao"

Chứng minh thực tế này, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho rằng xã hội hóa làm đường giao thông, nói một cách nôm na là “bỏ tiền chẵn thu tiền lẻ”, bỏ vốn hàng nghìn tỷ đồng để làm đường nhưng thu lại chủ yếu bằng phí giao thông mà người tham gia giao thông trả, đều là nhận tiền lẻ. Muốn hoàn vốn phải có nhiều xe đi qua hoặc nếu không nhiều xe thì mức phí thu trên mỗi xe phải cao, điều này phụ thuộc vào trình độ phát triển chung của cả nền kinh tế.

Bổ sung thêm, Bộ trưởng Đam cũng khẳng định, chúng ta không thể nâng phí giao thông quá cao. Do vậy, một số đoạn có thể kêu gọi nhà đầu tư qua hình thức BOT hoặc PPP cùng làm. Tuy nhiên, vẫn có một số đoạn không kêu gọi được nhà đầu tư, vì thế mà buộc phải dùng ngân sách Nhà nước.

Đề cập đến việc dùng ngân sách làm đường giao thông, theo vị Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Quốc hội cũng đặt ra chỉ số bội chi (không quá 4,8%). Từ năm 2012, Chính phủ đã báo cáo Quốc hội xin phương án phát hành trái phiếu để làm Quốc lộ 1 bởi đây là tuyến đường dài, có nhiều đoạn xen kẽ, có đoạn sử dụng vốn ngân sách…

“Chính phủ đã báo cáo Quốc hội và Quốc hội đã bàn, thông qua Nghị quyết cho phép phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ. Trái phiếu của doanh nghiệp phát hành, được Chính phủ bảo lãnh thực chất là nợ công, nghĩa là khoản tiền này được Quốc hội thông qua về mặt nguyên tắc để tính vào nợ công chung,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết.

Tuy nhiên, vị Bộ trưởng này cũng thẳng thắn thừa nhận, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải đã tiến hành các công việc chuẩn bị để phát hành trái phiếu doanh nghiệp có bảo lãnh của Chính phủ nhưng sau khi tính toán, thời điểm này rất khó khăn với doanh nghiệp và khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu, cộng với lãi suất ngân hàng hiện hữu, chi phí phát hành sau cùng tính vào chi phí làm đường sẽ rất cao.

“Từ kỳ họp tháng 4, Chính phủ đã bàn và kể cả kỳ họp này, mà cụ thể là sáng nay, Chính phủ đã nghe Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ trưởng liên quan đề xuất và đồng ý phương án báo cáo, trình Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu Chính phủ thay vì phát hành trái phiếu doanh nghiệp có sự bảo lãnh của Chính phủ để thực hiện xây dựng Quốc lộ 1A, thực hiện các dự án trên Quốc lộ 1A và các dự án trên tuyến đường Hồ Chí Minh đoạn đi qua Tây Nguyên,” Bộ trưởng Vũ Đức Đam tiết lộ.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cũng cho biết, nhu cầu phát hành trái phiếu công trình đã được thông qua vào năm 2012 dự kiến là gần 58.000 tỷ đồng đối với các dự án trên các tuyến Quốc lộ huyết mạch này.

Quốc lộ 1 là tuyến đường giao thông xuyên suốt Việt Nam, từ cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đến Năm Căn (Cà Mau) với tổng chiều dài 2.300 km. Hiện nay, Quốc lộ 1 đã được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp III, quy mô 2 làn xe trên toàn tuyến, một số đoạn có lưu lượng lớn đã được mở rộng lên 4 làn xe (khoảng 476 km) và xây dựng 18 tuyến tránh qua các đô thị.

Trong đó, đoạn Hà Nội – Cần Thơ dài 1.887 km (đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh 554 km, đang mở rộng 73 km, chưa mở rộng khoảng 1.260 km). Tuy nhiên, hiện một số đoạn tuyến đã quá tải, thường xảy ra tình trạng ùn tắc trên diện rộng, đặc biệt các đoạn từ Hà Nam – Ninh Bình – Thanh Hóa – Hà Tĩnh và một số đoạn qua đô thị lớn.

(Theo TTXVN)

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục