Đồng vốn đã đi vào cuộc sống

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/5/2013 | 9:21:49 AM

YBĐT - Đồng vốn được vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái đã thực sự đi vào cuộc sống. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Nhiều gia đình còn có nhà xây để ở và nhiều học sinh đã thực hiện ước mơ được đi học các trường chuyên nghiệp.

Mô hình nuôi thỏ từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hiệu quả kinh tế cao của hội viên phụ nữ phường Yên Thịnh.
Mô hình nuôi thỏ từ nguồn vốn vay Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hiệu quả kinh tế cao của hội viên phụ nữ phường Yên Thịnh.

Từ khi chương trình tín dụng cho vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội ra đời đã góp phần giúp cho các hộ cận nghèo, hộ nghèo, hộ gia đình chính sách được tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế, làm nhà ở, cho con em đi học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Có thể nói, nguồn vốn này đã góp phần thực hiện công cuộc xóa đói giảm nghèo và chính sách an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Giai đoạn 2003 - 2012, thông qua nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã Văn Tiến đã được tiếp cận nguồn vốn vay thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh với 12 tổ tiết kiệm vay vốn tại 6 thôn. Từ nguồn vốn vay, các hộ đã đầu tư vào sản xuất, chăn nuôi một cách hiệu quả nhất. Đời sống kinh tế, xã hội địa phương có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực.

Trong 10 năm qua, xã có hơn 300 lượt hộ nghèo được vay vốn ưu đãi; trên 300 hộ được vay vốn đầu tư xây dựng công trình vệ sinh và công trình nước sạch; 114 sinh viên nghèo được vay vốn đi học; 17 hộ nghèo được vay vốn làm nhà theo Chương trình 167. Hiện nay, xã có tổng dư nợ từ các chương trình tín dụng của Ngân hàng Chính sách Xã hội là trên 9 tỷ đồng với 400 hộ còn dư nợ. Nhờ triển khai và thực hiện có hiệu quả chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn đã cùng với Đảng bộ, chính quyền địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tính đến hết năm 2012, tỷ lệ hộ nghèo toàn xã đã giảm xuống còn 13%.

Không chỉ ở Văn Tiến, nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã đến với nhiều hộ nghèo trên địa bàn các xã, phường của thành phố. Gia đình chị Bùi Thị Liên ở thôn 1, xã Văn Phú là một điển hình. Vốn là một gia đình nông dân nghèo, quanh năm chỉ cày cấy trên mảnh ruộng có diện tích 3 sào, những năm nào gặp phải thiên tai mất mùa thì lúa gạo không đủ mà ăn, đời sống kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Năm 2009, thông qua Hội Phụ nữ, gia đình chị Liên được tiếp cận nguồn vốn vay hộ nghèo của ngân hàng với số tiền 15 triệu đồng.

Từ nguồn vốn này, chị đã đầu tư sửa sang chuồng trại, mua 1 con trâu, chăn nuôi lợn, gà để phát triển kinh tế gia đình. Đến năm 2010, gia đình chị lại được vay vốn học sinh, sinh viên cho con trai đi học Trường Cao đẳng Thủy lợi tại Hà Nam. Đặc biệt vào năm 2011, tiếp tục được vay vốn làm nhà theo Chương trình 167 với 8 triệu đồng đã giúp cho gia đình có căn nhà khang trang rộng 60m2, kín trên bền dưới.

Đến nay, gia đình chị đã thoát nghèo và có cuộc sống ổn định. Hay như gia đình chị Trần Thị Hiền, thôn 1, xã Phúc Lộc cũng là một trong những gia đình vươn lên làm giàu chính đáng nhờ được vay nguồn vốn ưu đãi. Chị cho biết, nhờ được sự tư vấn của Hội Phụ nữ xã, gia đình đã mạnh dạn đăng ký tham gia chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Từ nguồn vốn vay, gia đình đầu tư xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp.

Bằng sự năng động, dám nghĩ, dám làm, dám vượt qua khó khăn, đến nay, gia đình chị đã chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn và thịt gà sạch trong và ngoài địa bàn xã. Với mô hình trang trại tổng hợp, hàng năm, gia đình chị xuất bán ra thị trường từ 8 đến 10 tấn thịt lợn hơi, đàn gà xuất bán gần 200 con gà thịt. Ngoài ra, gia đình chị còn đầu tư trồng chè, trồng cây ăn quả và mở đại lý tiêu thụ thức ăn chăn nuôi, phục vụ nhu cầu người chăn nuôi trong và ngoài xã.

Còn gia đình bà Phạm Lệ Quân ở phố Tân Trung 1, phường Minh Tân thuộc gia đình cận nghèo. Nhà có 4 khẩu ăn trông chờ vào đồng lương mất sức ít ỏi của bà. Chồng bà do sức khỏe yếu nên có thu nhập không ổn định. Đến năm 2006, đứa con đầu của bà thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Vừa mừng vừa lo, mừng vì con học hành tiến bộ, thi đỗ đại học nhưng lo vì không biết lấy đâu ra tiền cho con theo đuổi ước mơ đến giảng đường đại học…

Để có tiền cho con đi học, gia đình bà Quân phải đi vay lãi vẫn không đủ cho con đi học. Rất may, sau đó, thông qua tổ chức Hội Phụ nữ, gia đình được tiếp cận nguồn vốn học sinh, sinh viên của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tiếp đó, khi đứa con thứ hai có giấy báo đỗ Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, gia đình lại tiếp tục làm đơn vay vốn ưu đãi của ngân hàng.

Ban đầu với nguồn vốn 3 triệu đồng trên năm, đến nay tăng lên 10 triệu đồng/năm, tổng nguồn vốn vay học sinh, sinh viên của gia đình là 60,5 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, gia đình bà Quân đã nuôi được một người con tốt nghiệp đại học, còn người con thứ hai hiện đang học năm thứ 3, Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội.

Qua 10 năm xây dựng và phát triển, hoạt động của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh trên địa bàn thành phố đã không ngừng lớn mạnh cả về quy mô lẫn chất lượng phục vụ. Tổng nguồn vốn đạt 138 tỷ 559 triệu đồng, tăng 94 tỷ 637 triệu đồng so với năm 2003; dư nợ tăng 3,2 lần so với khi mới thành lập; từ 2 chương trình cho vay đến nay đã triển khai cho vay 6 chương trình tín dụng ưu đãi.

 Với mạng lưới 242 tổ tiết kiệm và vay vốn tới từng thôn, tổ dân phố đã giúp các hộ nghèo, các đối tượng chính sách khác dễ dàng tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Tổng số lượt khách hàng được vay vốn trong giai đoạn 2003 - 2012 là 22.795 người; dư nợ bình quân cho vay của hộ nghèo tăng lên; suất đầu tư cho hộ nghèo năm sau cao hơn năm trước.

Từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách Xã hội đã góp phần giúp cho 1.423 hộ thoát nghèo; xây dựng 3.201 công trình nước sạch, 3.637 công trình vệ sinh môi trường, 134 nhà ở theo Chương trình 167; thu hút 1.603 lao động có việc làm và giúp cho 2.227 sinh viên theo học các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp.

Đồng vốn được vay theo các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống. Từ nguồn vốn ưu đãi, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo. Nhiều gia đình còn có nhà xây để ở và nhiều học sinh đã thực hiện ước mơ được đi học các trường chuyên nghiệp. Qua đó đã góp phần không nhỏ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Yên Bái:

Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Ban đại diện tổ chức, họp giao ban theo định kỳ và thông tin, tuyên truyền các văn bản, chế độ của ngành. Đặc biệt là tuyên truyền các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ về tín dụng ưu đãi để các cấp, các ngành cùng cộng đồng trách nhiệm tham gia giúp đỡ các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi.

 

 

 

Ông Trần Mạnh Cường - Chủ tịch UBND xã Văn Tiến:

Thông qua kênh tín dụng chính sách, một nguồn vốn lãi suất thấp được cung ứng tại chỗ nhằm phục vụ các chương trình phát triển kinh tế tại địa phương, chính quyền xã đã có thêm công cụ để quản lý kinh tế. Mối quan hệ kinh tế giữa người dân với cấp ủy, chính quyền ngày càng thiết thực và bền vững hơn. Niềm tin của người dân với chính quyền được củng cố. Hoạt động của các hội, đoàn thể có điều kiện mở rộng với nhiều nội dung, hình thức phong phú.

 

 

 

Chị Bùi Thị Liên - Thôn 1, xã Văn Phú:

Tôi xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của các cấp, các ngành cho gia đình tôi vay các nguồn vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh! Từ nguồn vốn này đã tạo điều kiện giúp cho gia đình tôi nuôi con học chuyên nghiệp, làm nhà ở bền vững và đầu tư phát triển kinh tế. Đến nay, gia đình tôi đã thoát nghèo, ổn định cuộc sống.        

 T.H (thực hiện)

Kim Thúy - Việt Hà

Các tin khác
Yên Bái đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Ảnh minh hoạ

Các cấp chính quyền tỉnh Yên Bái thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp nhằm đẩy nhanh vốn đầu tư trên địa bàn.

Mô hình chăn nuôi trâu, bò bán chăn thả của hội viên nông dân xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải mang lại hiệu quả kinh tế, giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.

Với địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, khô hanh kéo dài, huyện Mù Cang Chải gặp nhiều khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Những năm gần đây, Hội Nông dân (HND) huyện Mù Cang Chải đã triển khai nhiều phong trào, hoạt động có ý nghĩa, góp phần tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp tại địa phương.

Vườn thanh long được cấp mã số vùng trồng tiêu thụ nội địa của gia đình ông Trần Bá Đức, xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ.

Nhiều năm qua, người trồng cây ăn quả ở xã Nghĩa Lộ, thị xã Nghĩa Lộ đã đẩy mạnh sản xuất theo hướng an toàn, không thuốc trừ cỏ, không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) với quan niệm “sản xuất an toàn, sản phẩm không lo ế”.

Ảnh minh họa

Sở Công Thương tỉnh Quảng Ninh đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh, thành phố về việc Trung Quốc thông báo chính sách kiểm soát nhập khẩu với dưa hấu của Việt Nam.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục