Văn Yên: Chung tay chăm lo đối tượng bảo trợ xã hội

  • Cập nhật: Thứ hai, 2/12/2013 | 3:11:46 PM

YBĐT - Huyện Văn Yên (Yên Bái) hiện có 87 đối tượng mắc bệnh tâm thần đang hưởng chính sách bảo trợ xã hội. Thực hiện chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước, Đảng uỷ, UBND huyện đã tập trung chỉ đạo làm tốt việc rà soát, lập hồ sơ đúng, đủ các đối tượng thuộc diện được hưởng, thực hiện chi trả kịp thời hàng tháng đến tận tay đối tượng và gia đình.

Bà Phạm Thị Hải - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Văn Yên thăm các đối tượng bảo trợ xã hội.
Bà Phạm Thị Hải - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội Văn Yên thăm các đối tượng bảo trợ xã hội.

Chị Phạm Thị Dương và anh Nguyễn Văn Ánh ở thôn 3, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên xây dựng gia đình từ năm 1984. Những tưởng đôi vợ chồng trẻ sẽ có một gia đình hạnh phúc với con cái chăm ngoan, học giỏi. Nhưng kể từ năm 1999, anh Ánh mắc chứng bệnh tâm thần phân liệt rồi từ đó cứ đập phá nhà cửa, đánh đập chị Dương. Mấy lần anh đã đốt nhà khiến gia đình không có chỗ ở.

Chị Dương tâm sự: “Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, chồng lại bệnh tật. Tôi vừa nuôi chồng, vừa nuôi thêm mấy đứa cháu nên cuộc sống không dư giả gì. Nhiều lúc tôi cảm thấy không thể vượt qua khó khăn nhưng nghĩ lại, nếu mình không cố gắng làm việc tốt thì không ai nuôi chồng, nuôi con và nuôi cháu của mình thay mình được”. Cũng ở thôn 3, xã Yên Hưng, chúng tôi tới thăm nhà anh Nguyễn Văn Hợp. 3 đứa con gái của anh từ khi lọt lòng mẹ đã bị thiểu năng trí tuệ. Cũng từ ngày ấy, bao nhiêu khó khăn trút hết lên đầu anh Hợp - người trụ cột chính trong gia đình.

Chúng tôi càng não lòng khi nghe câu nói: “Nếu tôi có mệnh hệ gì không biết rồi đây ai sẽ là người chăm sóc lũ trẻ? Cha mẹ có nghĩa vụ nuôi con, con cái có trách nhiệm phụng dưỡng cha mẹ. Nhưng chúng bệnh tật thế, giờ bảo chúng chăm sóc bản thân mình đã khó…”.

Gia đình ông Vũ Xuân Túc ở thôn 6, xã Yên Hưng có 4 con thì 3 con bị tâm thần do ảnh hưởng của chất độc da cam. Nhìn cảnh phải trói chân con gái lại mà không ai cầm nổi nước mắt. Ông Túc kể: “Phải làm thế này anh chị ạ, không là cháu lại bỏ chạy mất không tìm được. Còn 1đứa con trai thì cứ mỗi khi trở trời là lại đập phá hết đồ đạc trong nhà”. Ông Túc cũng chia sẻ: “Tội nghiệp lắm! Chúng nó chả biết gì cả, bị thần kinh và sống vô thức từ khi còn nhỏ. Tôi đã cố gắng bán hết cả tài sản có giá trong gia đình để chạy chữa nhiều năm cho chúng nhưng bệnh tình vẫn không hề thuyên giảm”.

Hoàn cảnh của gia đình ông Phạm Văn Chiềm ở tổ 2, thôn Hồng Phong, thị trấn Mậu A cũng không khỏi xót xa. Ở cái tuổi “gần đất xa trời”, đáng ra ông Chiềm phải được vui vầy bên con cháu, an hưởng những tháng ngày nhàn nhã. Nhưng lúc nào người đàn ông này cũng trăn trở: “Nếu tôi chết, không biết ai sẽ thay tôi nuôi con gái?”.Phía sau căn nhà rộng chừng gần 20m2, một người phụ nữ đã luống tuổi nhìn khách như sợ sệt rồi trốn mất. Ông Chiềm mời khách vào nhà uống nước rồi gọi to: “Con ơi, lên đây”, người phụ nữ luống tuổi ban nãy mới bẽn lẽn chạy lên nhà.

Đó chính là người con gái thứ 2 của ông Chiềm năm nay 39 tuổi. Gia cảnh nghèo khó, mẹ các cháu cũng bị bệnh này rồi bị tai nạn giao thông qua đời, để lại 4 người con gái, trong đó có 3 người bị tâm thần. “Hiện nay, tôi đang nuôi 2 đứa, 1 đứa năm nay 43 tuổi, còn đứa này (đang ngồi cạnh chúng tôi) 39 tuổi. Còn 2 con đi lấy chồng nhưng 1 đứa hiện cũng bị tâm thần đang phát bệnh nằm trong viện. Còn 1 đứa bị lừa bán sang Trung Quốc hiện vẫn chưa rõ tin tức”, ông Chiềm cho biết.

Trước hoàn cảnh khó khăn của các gia đình, các cấp chính quyền trong toàn huyện và bà con nhân dân đã hỗ trợ giúp họ bớt đi mặc cảm trước cuộc sống. Gia đình chị Dương đã được Hội Phụ nữ huyện và xã hỗ trợ làm lại căn nhà lợp mái tôn. Gia đình ông Chiềm cũng được ở trong căn nhà “Đại đoàn kết” do chính quyền xã đã xây cho từ năm 2009.

Còn các đối tượng có hoàn cảnh như các gia đình trên cũng được hưởng trợ cấp hàng tháng, được hưởng các chế độ về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội… Hiện tại, mức hỗ trợ là 270.000 đồng/tháng/người đối với đối tượng tâm thần thuộc chính sách bảo trợ xã hội. Mức hỗ trợ này tuy không phải là nhiều nhưng đã an ủi tinh thần cho các gia đình.

Bà Phạm Thị Hải - Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Văn Yên cho biết: “Phần lớn những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đều thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây thường cũng là những hộ khó thoát nghèo nhất trong số các hộ nghèo. Chính vì vậy, huyện luôn xác định phải nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhóm đối tượng này, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn”.

Để bảo đảm quyền lợi cho các đối tượng, giúp gia đình đối tượng giảm bớt khó khăn, động viên họ vượt lên mặc cảm, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện đã chỉ đạo cán bộ làm công tác xã hội của các xã, thị trấn nắm chắc chế độ chính sách, nêu cao tinh thần trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ, giúp đỡ các gia đình nhanh chóng hoàn chỉnh hồ sơ. Việc thăm hỏi, tặng quà các đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp lễ, tết, ngày kỷ niệm được quan tâm, ưu tiên.Đến nay, 100% đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn huyện được thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách.

Bên cạnh đó, Phòng cũng tham mưu với UBND huyện chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ giảm nghèo như: phát triển các mô hình kinh tế đa dạng, phù hợp với nhiều điều kiện của các gia đình, khuyến khích phát triển ngành nghề, hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế hộ, nhất là đối với phụ nữ, kêu gọi, tìm kiếm các chương trình nhân đạo, xã hội từ thiện để hỗ trợ các đối tượng về phương tiện, dụng cụ hỗ trợ phục hồi chức năng. Huyện chỉ đạo các đoàn thể tranh thủ các dự án tạo điều kiện hỗ trợ vốn vay, việc làm cho các đối tượng còn khả năng lao động như phụ nữ đơn thân, người khuyết tật…

Những năm qua, với sự quan tâm của các cấp, các ngành, tổ chức và cá nhân, các đối tượng bảo trợ trên địa bàn huyện Văn Yên nói riêng và tỉnh Yên Bái nói chung đã được chăm lo, bảo vệ và tạo điều kiện để cải thiện cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Nhưng họ vẫn cần lắm những tấm lòng nhân ái, giúp cho họ thấy thêm yêu cuộc sống, thêm tự tin hòa nhập xã hội.

Bà Phạm Thị Hải cho biết thêm: “Chăm lo cho các đối tượng đặc biệt không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là sự chung tay của cả cộng đồng xã hội. Đặc biệt, đối với những số phận bất hạnh, sắp tới không còn nơi nương tựa, gia đình họ thiết tha mong muốn trên địa bàn tỉnh sẽ có một trung tâm chăm sóc các đối tượng này khi gia đình không còn khả năng chăm sóc cho họ nữa”.

Lan Hương

Các tin khác
Cặp cô trò Nguyễn Thị Mát - Triệu Thị Dân trong giờ tập viết chữ.

YBĐT - Với đặc thù là một tỉnh miền núi, kinh tế, xã hội còn gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc huy động học sinh đến trường. Tuy nhiên, những năm qua, Công đoàn ngành giáo dục tỉnh đã chủ động tham mưu cho ngành phát động và thực hiện có hiệu quả nhiều phong trào giúp học sinh nghèo vượt khó.

Cán bộ, chiến sỹ Công an tỉnh hướng dẫn người dân làm thủ tục cấp chứng minh nhân dân.

YBĐT - Tiếp nối truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, của lực lượng công an nhân dân (CAND) cũng như những phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam; trong những năm qua, hội viên Hội Phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái luôn chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của ngành; xây dựng phụ nữ công an có lòng yêu nước, có sức kh

Học sinh nhà trường thực hành tại phòng máy vi tính.

YBĐT - Đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục đại trà, nhất là tổ chức dạy bổ trợ kiến thức cho học sinh khối 9, nhiều năm liên tục, Trường THCS Quang Trung (thành phố Yên Bái) luôn là đơn vị giữ vị trí thứ 2, thứ 3 về tỷ lệ học sinh thi đỗ trung học phổ thông của toàn tỉnh, khẳng định uy tín của một ngôi trường có bề dày truyền thống bằn

Liên hoan Thanh niên, Sinh viên Thế giới lần thứ 18 sẽ được tổ chức tại Quinto, Ecuador từ ngày 7-13/12.

85 đại biểu thanh niên ưu tú đại diện cho thanh niên Việt Nam sẽ tham dự Liên hoan Thanh niên, Sinh viên thế giới lần thứ 18 (Festival 18) được tổ chức tại thủ đô Quito, Cộng hòa Ecuador từ 7-13/12/2013.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục