Cái lý - cái tình

  • Cập nhật: Thứ tư, 11/12/2013 | 2:32:37 PM

YBĐT - Dễ thường, người ta thích khoe giàu chứ chẳng mấy ai thích khoe nghèo. Đến cả như con trẻ cũng còn tự ti, mặc cảm với thân phận nghèo khó của mình. Bởi thế mà người ta xem nghèo là một cái tội. Tội với con cái, tội với xã hội, với xóm phố.

Hễ là người có tự trọng, chẳng gia đình nào muốn mình được “vinh danh” trong danh sách hộ nghèo của tổ dân phố. Nhưng - chữ “nhưng” như một cái còng vô hình quàng thêm gánh nặng bệnh tật nên cổ người nghèo khiến cho lòng tự trọng chỉ được xếp xuống hàng thứ yếu mà ranh giới mong manh giữ cái lý – cái tình trong việc xét để một ai đó được công nhận là hộ nghèo của những người cầm cân này mực ở tổ dân phố, khu dân cư không chừng sẽ đẩy họ tới bước đường cùng của sự túng quẫn.

Chẳng nói đâu xa, ví như ở tổ dân cư 24, cận kề xã Nam Cường, thành phố Yên Bái mấy năm này không còn ai là hộ nghèo. Cũng vì ngại cái tiếng nghèo mà có những hộ dù thuộc diện nghèo nhất tổ cũng cố gắng xoay xở đủ nghề để sớm thoát ra khỏi danh sách hộ nghèo. Vẫn biết ra khỏi hộ nghèo sẽ là thiệt, vì nghiễm nhiên mất đi các chính sách hỗ trợ của nhà nước, từ con cái học hành, khám chữa bệnh đến các ưu tiên cho vay các nguồn vốn ưu đãi phát triển kinh tế nhưng mang tiếng hộ nghèo cũng chẳng khác nào mang thêm nỗi ám ảnh.

Mẹ con chị Khoa dù côi cút nuôi nhau bằng cách mua quả chuối xanh bán quả chuối chín vẫn gắng để không phải vào diện hộ nghèo của tổ. Chị chạy vạy vay mượn anh em làm cho được căn nhà cấp 4 để không bị liệt vào diện nhà dột nát. Cần cù chịu khó cóp nhặt, cuộc sống của mẹ con chị rồi sẽ bớt bần hàn nếu không có ngày thằng con trai đang học lớp 2 mắc bệnh lao hạch, một năm mấy lần ngược xuôi chữa trị tại Hà Nội. Nợ nần túng bấn, chị gạt sỹ diện xin tổ dân phố xem xét cho hoàn cảnh éo le bệnh tật của con mình mà thương xét cho được hưởng chính sách của hộ nghèo, miễn sao có tấm thẻ bảo hiểm y tế để đỡ phần chi phí thuốc thang cho con. Mọi chế độ ưu tiên khác chị không dám ao ước.

Cả tổ ai cũng thương, đồng tình đề nghị để bình xét gia đình chị là hộ  nghèo, chỉ riêng cán bộ tổ dân phố là không ủng hộ. Kiểm đếm tài sản trong ngôi nhà chỉ có cái vỏ là nhà xây của hai mẹ con chị, ngoài chiếc giường gỗ, ít xoong nồi, bát đĩa, chiếc xe đạp cà tàng mua lại từ hàng sắt vụn - phương tiện chủ yếu để chạy chợ kiếm sống thì chẳng có thứ gì được xem là đáng giá.

Nghe bà tổ trưởng hỏi: “Chiếc xe đạp này của chị Khoa dễ chừng cũng đến 500 nghìn đồng ấy nhỉ?”, chị rớt nước mắt. Cái công việc bấp bênh, lỗ - lãi theo ngày từ đi mua quả chuối xanh bán quả chuối chín của chị cũng được các ông, bà lãnh đạo trong tổ định cho mức thu nhập là 30 nghìn đồng/ngày cốt sao vượt trên ngưỡng thu nhập của hộ nghèo để khi họp tổ dân phố cứ thế mà áp vào theo đúng chuẩn.

Trong thâm tâm chị Khoa đâu muốn nhận sự thương hại của người đời; đâu muốn bị người ta chê bai vì nghèo, vì túng, dù tuổi hãy còn trẻ. Chị cũng đâu muốn con mình đau ốm để phải nương nhờ vào cái mác hộ nghèo nếu không phải là cuộc sống quá cùng cực. Bà con trong tổ chỉ biết thở dài ngán ngẩm thay cho cái tâm ít độ lượng bao dung của những người được giao trọng trách gần dân, nghe thấu tâm tư nguyện vọng của dân mà dường như vô cảm trước cái nghèo của người dân, ở cấp gần dân nhất, cấp chính quyền được xem là cánh tay nối dài của Đảng.

Các cụ xưa có câu: “Trăm cái lý không bằng tý cái tình”. Đành rằng về lý, các chuẩn để bình xét hộ nghèo đã được quy định rất rõ ràng. Thế nhưng cũng cần thấu tình mà nhìn nhận nó trong từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, vận dụng sao cho linh hoạt, hiệu quả bằng sự “chính tâm”, nhất là với những hộ nghèo do hoàn cảnh bất khả kháng, để người dân không chỉ hiểu được ý nghĩa nhân văn sâu sắc từ các chính sách an sinh của Đảng để phấn đấu vươn lên thoát nghèo, đó mới là mục tiêu lớn lao nhất mà Đảng, Chính phủ hướng tới.

Thực tế, trong số hàng nghìn hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực vươn lên thoát nghèo nhờ các chính sách trợ giúp của Đảng và Nhà nước vẫn có những hộ “thích” nghèo, “giả” làm hộ nghèo để hưởng lợi từ các chính sách này, song số ấy không nhiều, chỉ là “con sâu bỏ rầu nồi canh”. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 32,53% năm 2011, xuống còn 29,23% cuối năm 2012). Năm 2013, tỉnh phấn đấu giảm trên 3,5% hộ nghèo.

Ranh giới mong manh giữa cái lý – cái tình có thể cứu vớt cuộc đời một con người nhưng cũng có thể đẩy người ta tới tột cùng túng quẫn. Bác Hồ quan niệm, muốn chăm lo được cho dân thì phải nắm được dân tình, phải thấu hiểu dân tâm, phải biết được dân cần cái gì, thiếu cái gì, dân khổ cái gì để rồi từ đó mà tìm cách thỏa mãn nhu cầu của quần chúng. Việc rà soát và bình xét hộ nghèo cũng vậy. Bên cạnh chỉ đạo thực hiện bình xét khách quan, dân chủ, đảm bảo công bằng, khích lệ được hộ nghèo vươn lên thoát nghèo rất cần tới sự “thiết diện, vô tư” và cái tâm hướng thiện của những người cầm cân nảy mực ở cấp chính quyền cơ sở. 

Phạm Minh

Các tin khác

YBĐT - Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái trao tặng giấy khen cho 17 cá nhân và 14 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác Hội năm 2013 và ký giao ước thi đua năm 2014.

Các cơ quan này được yêu cầu làm việc liên tục các ngày trong tuần, kể cả thứ 7 và Chủ nhật nhằm kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong giai đoạn cuối năm.

Ngày 10/12, thực hiện Nghị quyết đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, thời gian tới Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc với 6 trường sư phạm để thống nhất đưa cán bộ, giảng viên sang Hàn Quốc học hỏi.

Rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện tại miền Bắc từ ngày 14/12.

Hôm nay (11/12), các khu vực thuộc Bắc Bộ trời nhiều mây, có mưa phùn rà rét, miền Trung nhiều nơi mưa to. Dự báo khoảng từ ngày 14/12, một số khu vực tại Bắc Bộ sẽ có rét đậm, rét hại kèm theo mưa và dông…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục