Chuyển biến ở Tháp Cái II

  • Cập nhật: Thứ sáu, 20/12/2013 | 2:29:28 PM

YBĐT - Có thể nhận thấy rằng, ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa thì tình trạng kết hôn và mang thai sớm, đẻ dày, đẻ nhiều và đẻ tại nhà vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Hơn thế, sự thiếu kiến thức làm mẹ của những bà mẹ trẻ để lại những chuyện đau lòng không đáng có.

Khám bệnh cho trẻ em Trạm Y tế xã Xuân Ái (Văn Yên).
(Ảnh: Hồng Duyên)
Khám bệnh cho trẻ em Trạm Y tế xã Xuân Ái (Văn Yên). (Ảnh: Hồng Duyên)

Thôn Tháp Cái II, xã Viễn Sơn (Văn Yên) nằm cách trung tâm xã không xa nhưng từ năm 2010 trở về trước, nhận thức của đại đa số người dân về chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ mang thai và trẻ em dưới 5 tuổi rất xa vời. Bên cạnh đó là tư tưởng, tập quán lạc hậu; nhiều phụ nữ có thai vẫn phải lao động nặng nhọc; chủ yếu phụ nữ mang thai sinh con tại nhà và trẻ em ít được quan tâm về dinh dưỡng…

Từ năm 2011 đến nay, thôn có Dự án “Cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số thông qua hành vi có lợi cho sức khỏe” can thiệp bằng nhiều nội dung và hình thức như: vận động toàn dân chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, lồng ghép nội dung chăm sóc sức khỏe trong các buổi họp thôn, sinh hoạt Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, cộng tác viên y tế đến thăm và tuyên truyền các biện pháp chăm sóc sức khỏe tại hộ gia đình...

Năm 2013, trẻ em dưới 5 tuổi trong thôn bị suy dinh dưỡng đã giảm hẳn; phụ nữ có thai đã không phải làm việc nặng nhọc, khi mang thai đến Trạm Y tế xã khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván theo quy định và nhận viên sắt về uống; đối với người chồng cùng các thành viên trong gia đình như: bố, mẹ, anh, chị, em cũng đã biết chia sẻ công việc, tạo điều kiện cho bà mẹ mang thai có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý. Đó là hiệu quả rõ nét nhất từ dự án.

Chị H.T.C mang thai được 3 tháng bị đau bụng nhưng chồng không cho đến Trạm Y tế xã khám, chỉ uống thuốc của thầy lang vẫn không khỏi. Nhờ sự tuyên truyền, vận động của cán bộ y tế, hàng xóm nên chị đã được đưa đến Trạm Y tế xã để điều trị kịp thời, đến giờ cả hai mẹ con đều khỏe mạnh.

Chị C phấn khởi chia sẻ: “Trong thời gian mình mang thai cũng như bây giờ đang có con nhỏ, bố mẹ đẻ, bố mẹ chồng và chồng mình đều rất quan tâm đến vấn đề chăm sóc sức khỏe. Chồng mình đi làm nương rẫy và làm những công việc nặng, còn việc nhẹ nhàng thì mình làm, chế độ ăn uống cũng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, hai mẹ con đều khỏe mạnh”.

Đối với trường hợp chị H.T.N hiện đã có hai con gái nhưng vợ chồng chị vẫn có ý định sinh thêm con trai để nối dõi tông đường. Cán bộ y tế thôn bản đến vận động, tuyên truyền nhưng gia đình chị phản ứng gay gắt. Với sự nhiệt tình của cán bộ y tế thôn bản, như “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng, gia đình chị đã hiểu và nhận thức được rằng, đẻ nhiều con dễ dẫn tới đói nghèo, con cái không được nuôi dưỡng trong điều kiện tốt nhất, vi phạm Pháp lệnh Dân số, ảnh hưởng tới sức khỏe của người mẹ và con trẻ... Hiểu và nhận thức đúng đắn vấn đề đó, gia đình nhà chồng cũng như vợ chồng chị đã bỏ ý định sinh con thứ ba.

Trạm trưởng Trạm Y tế xã Đỗ Như Việt cho biết: “Đến nay, nhận thức của người dân thôn Tháp Cái II đã thay đổi. Nếu trước đây, phụ nữ mang thai vẫn phải lao động nặng nhọc, không đến cơ sở tiêm phòng uốn ván, khi chuyển dạ sinh tại nhà và con cái ốm không đưa đến cơ sở y tế... thì nay phần lớn phụ nữ mang thai đã đi khám thai tại Trạm Y tế, sinh tại trạm hoặc tại nhà nhưng có sự trợ giúp của cán bộ y tế, khi ốm đau đã đến cơ sở y tế. Hầu hết các cặp vợ chồng chỉ sinh từ một đến hai con và thời gian sinh cách nhau từ 3 đến 5 năm nên nhiều gia đình vừa có thời gian chăm sóc bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ, đảm bảo chiều cao, cân nặng so với tuổi của trẻ lại vừa có thời gian để làm kinh tế. Nhờ đó, số trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng trong thôn năm nay đã giảm so với năm trước”.

Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và triển khai dự án có hiệu quả, đến nay, Tháp Cái II không có trường hợp sinh con thứ ba; trường hợp kết hôn sớm và hôn nhân cận huyết thống không còn xảy ra; dần đẩy lùi tư tưởng phải cố đẻ con trai; 100% số trẻ được tiêm chủng hàng năm... Đó là tín hiệu khả quan cho hoạt động cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em dân tộc thiểu số trong những năm tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của bà mẹ và trẻ em trên địa bàn.

Trần Minh

Các tin khác

YBĐT - Chiếm hơn 50% dân số nên phụ nữ là lực lượng nòng cốt trong phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Trạm Tấu. Xác định rõ điều đó, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, huy động được sức mạnh của cán bộ hội viên cùng chung tay xây dựng NTM.

YBĐT - Đương nhiên câu trả lời sẽ là “KHÔNG”. Bởi cha mẹ luôn muốn mang tới cho con những điều tốt đẹp nhất, muốn dạy dỗ con trưởng thành, thành người có ích trong xã hội.

Hình ảnh một trẻ nhỏ bị bảo mẫu đè đầu đánh liên tiếp tại một lớp mầm non ở TPHCM ngày 17/12 vừa qua.

Để hạn chế tình trạng các bảo mẫu hành hạ trẻ nhỏ, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa chỉ đạo, công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông báo đến các tổ dân phố về các nhóm lớp mầm non tư thục độc lập đã được cấp phép, chưa được cấp phép hoặc bị đình chỉ hoạt động trên địa bàn để phụ huynh biết, lựa chọn trường, lớp.

Thủ tướng yêu cầu chống buôn lậu trong dịp Tết Nguyên đán. Ảnh minh họa.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong trường hợp cá nhân có biểu hiện tiếp tay hoặc làm ngơ để hoạt động buôn lậu diễn ra trên địa bàn, đơn vị, lĩnh vực phụ trách, sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết (cách chức, điều chuyển, loại ra khỏi ngành).

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục